Đừng để người lao động kiệt sức và thất vọng

“Nghỉ việc hàng loạt”, “âm thầm rút lui”, “nằm thẳng”… là những xu hướng làm việc thu hút nhiều sự chú ý cả trên internet và ngoài đời thực trong năm 2022. Mặc dù việc tăng lương có thể thu hút và giữ chân nhân tài nhưng tiền không thể giải quyết mọi vấn đề, đặc biệt là khi nói đến sự gắn kết.

leftcenterrightdel
 Tạo sự kết nối có thể giúp người lao động giảm đi những căng thẳng và áp lực từ công việc - Ảnh: Istock 

Một báo cáo gần đây của công ty tư vấn Gallup (Mỹ) cho thấy, trên toàn cầu, chỉ có 21% nhân viên cảm thấy gắn bó với công việc. Nhiều người chỉ đang làm vừa đủ để tránh bị sa thải chứ không tìm cách làm nhiều hơn. Cũng theo nghiên cứu này, chỉ 33% nhân viên thấy họ có phúc lợi tốt, 44% cho biết họ đã trải qua rất nhiều căng thẳng.

Những người chọn cách làm việc “âm thầm rút lui” đang gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 7.800 tỉ USD. Đồng nghiệp và người quản lý phải chịu gánh nặng từ họ, tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự kiệt sức và thất vọng.

Theo nghiên cứu về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc do công ty tư vấn McKinsey (Mỹ) thực hiện, 1/3 nhân viên ở châu Á trải qua các triệu chứng kiệt sức. Nghiên cứu kết luận điều quan trọng là phải xác định được những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, từ đó thay đổi để tạo ra cuộc sống hạnh phúc hơn, hòa nhập hơn và quản lý tổ chức ngày càng hiệu quả.

Người sử dụng lao động cần lưu ý rằng không phải nhân viên nào cũng có mục tiêu cá nhân, tham vọng giống nhau. Paul Thomas  - Giám đốc văn hóa và nhân sự châu Á của nhà điều hành thị trường việc làm trực tuyến SEEK - cho rằng, công ty không nên coi những người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giờ làm việc là lười biếng so với những người khác sẵn sàng làm thêm giờ. Người sử dụng lao động cần biết cách khuyến khích những nhân viên tiềm năng dựa trên kỳ vọng của họ ngay từ giai đoạn phỏng vấn và thảo luận với nhân viên lâu năm về tương lai mong muốn. 

Tạo kết nối và khuyến khích sự phát triển cá nhân

Những thay đổi về văn hóa làm việc đang buộc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các cán bộ quản lý cấp trung đánh giá lại mối quan hệ của họ với nhân viên và thậm chí cả định nghĩa về thành công tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động cũng cần nhận ra rằng sự gắn kết - chứ không phải tỉ lệ doanh thu - là điều giúp đánh giá văn hóa làm việc của tổ chức, đại diện cho mức độ hài lòng của nhân viên và sự sẵn sàng làm việc để hướng tới các mục tiêu chung.

Bằng cách xác định các yếu tố cơ bản, giới lãnh đạo có thể thực hiện những hành động quyết định để tăng năng suất tại nơi làm việc. Ngoài ra, việc tạo kết nối có ý nghĩa không chỉ làm tăng sự hài lòng của mỗi người mà còn là công cụ rất hiệu quả để giữ chân nhân viên.

Một trong những cách dễ nhất để tạo văn hóa kết nối đó là đưa ra câu hỏi đơn giản “bạn ổn không?” tại nơi làm việc. Bất kể là giữa đồng nghiệp với nhau hay giữa cấp trên và cấp dưới, câu hỏi đó giúp truyền đạt sự cảm thông, ghi nhận nỗ lực và khiến mọi người cảm thấy được chào đón.

Các cuộc trao đổi thường xuyên giữa người quản lý và nhân viên ít nhất mỗi tuần một lần có thể đưa ra định hướng, xác định các lĩnh vực cần cải thiện và vạch ra kế hoạch phát triển, cũng như cải thiện niềm tin và giao tiếp giữa mọi người. Ngoài ra, các cuộc khảo sát về mức độ gắn kết nửa năm một lần sẽ giúp đo lường động lực và niềm tin của nhân viên về vai trò của họ trong công ty.

Cung cấp cho nhân viên cơ hội nâng cao trình độ, tổ chức các hoạt động giải trí, xây dựng nhóm để cân bằng cuộc sống và công việc cũng có thể giúp nâng cao năng suất và mức tăng trưởng. Ngoài ra theo Paul Thomas, việc đưa doanh nghiệp thoát khỏi làn sóng “rút lui âm thầm” hay “từ chức hàng loạt” của nhân viên không chỉ nằm trong tay của đội ngũ lãnh đạo mà còn cả những người quản lý nhóm - các cầu nối quan trọng trong việc khơi dậy niềm đam mê cho mọi người để từ đó có sự hỗ trợ và cơ hội phát triển tốt hơn. 

Theo phụ nữ TPHCM