Tôi quen bạn trai qua một ứng dụng hẹn hò. Anh ấy là người Philippines và hơn tôi 12 tuổi.

Bản thân tôi có vốn tiếng Anh khá ổn. Bên cạnh đó, văn hóa giữa Việt Nam và Philippines cũng có nhiều điểm tương đồng nên khoảng cách về ngôn ngữ và văn hóa không là trở ngại lớn giữa chúng tôi.

Rào cản lớn nhất giữa chúng tôi có lẽ là khoảng cách thế hệ (generation gap).

Anh không thích ra nhà hàng hay đi ăn ngoài mà lại thích cơm nhà hơn. Tôi thì ngược lại. Tôi từng là một đứa luôn đi ăn ngoài và rất ghét nấu ăn.

Anh rất trưởng thành, là một người rất quan tâm tới công việc và luôn chịu mọi áp lực một mình. Do đó mà anh dành rất ít thời gian để chia sẻ với tôi, dù vấn đề của anh có mệt mỏi ra sao. Tôi rất muốn giúp anh và đồng hành cùng anh trong những lúc khó khăn đó.

Có một lần anh nói với tôi rằng anh nhớ cơm nhà. Tôi quyết định mời anh về nhà và chuẩn bị đồ ăn trưa cho cả hai. Tôi nhận ra thời gian ăn trưa chính là lúc chúng tôi thật sự ở bên nhau, chia sẻ mọi thứ trên đời.

Lần nào ăn đồ tôi nấu, anh cũng khen lấy khen để. Có lúc anh khen 5 lần trong một buổi ăn. Thấy người yêu mình vui vậy, tôi cũng vui lây và lấy đó làm động lực để tập tành nấu ăn. Có lần tôi dành cả bữa tối để học cách nấu một món Philippines.

Đi chợ, nấu ăn và dọn dẹp khá tốn thời gian đối với tôi. Nhưng tôi lại cảm thấy vui. Mỗi lần chuẩn bị đồ ăn trưa như vậy, tôi đều nhớ tới anh, nhớ tới những lời khen của anh và cũng lo lắng liệu anh có thích món mình làm không. Tôi nhận ra đó chính là hương vị tình yêu mà người ta thường nói.

Bản thân người yêu tôi cũng là người biết nấu ăn. Nếu sang nhà anh chơi, anh sẽ là người nấu cho tôi. Cả hai đều rất dễ ăn nên việc nấu ăn cũng không có khó khăn gì nhiều.

Từ một đứa rất lười nấu ăn, lười dọn dẹp, tôi đã đảm đang hơn, biết suy nghĩ cho người khác hơn. Nấu ăn ở nhà giúp tôi tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh và thậm chí ngon hơn ngoài tiệm.

Theo Zing