Hopper là một trong những lập trình viên đầu tiên của chiếc máy tính Harvard Mark I của IBM, chiếc máy tính quy mô lớn đầu tiên ở Mỹ

Katherine Johnson: Nhà khoa học không gian huyền thoại của NASA

Sinh năm 1918 và tốt nghiệp Đại học khi vừa 18 tuổi, Katherine Johnson được mệnh danh là "máy tính sống" của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA. Nhà khoa học người Mỹ gốc Phi này đã tiên phong trong công trình đưa con người lên vũ trụ và trở về Trái đất an toàn. Cụ thể, bà và các đồng nghiệp của mình tại NASA là Dorothy Vaughan và Mary Jackson đã thực hiện các phép tính hướng dẫn sứ mệnh của tàu không gian Friendship 7, con tàu bay quanh Trái đất đầu tiên của Mỹ, vào năm 1962.

Đây có thể coi là một thành tựu vĩ đại bởi trong những năm 1960, một trong những vấn đề khó giải quyết nhất khi đưa các phi hành gia trở lại Trái đất là chưa thể hạ cánh xuống bất kỳ chỗ nào chúng ta muốn để đảm bảo an toàn cho họ. Công trình của Johnson đã giúp cho việc tính toán toàn bộ đường bay của tàu – nơi tàu khởi hành, tốc độ của tàu và vị trí hạ cánh được chính xác và có kế hoạch.

Bà đã được trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống vào năm 2015 vì những đóng góp cho sự nghiệp vật lý, toán học và khoa học không gian. Bill Barry, sử gia của NASA, từng đánh giá về những đóng góp quan trọng của bà Johnson: "Nếu muốn trở lại Mặt Trăng hay Sao Hỏa, chúng ta sẽ phải dùng công thức toán học của bà".

Bà qua đời vào năm 2020, ở tuổi 101.

Joan Clarke: Nhà phân tích mật mã chưa được lịch sử ghi nhận

Nếu là người đam mê công nghệ và tìm hiểu về thế chiến, hẳn bạn đã từng nghe mật mã Enigma. Theo tính toán, việc giải mã thành công Enigma đã giúp cho Thế chiến II kết thúc sớm hơn dự kiến 2 năm.

Nhà toán học Alan Turin vẫn được biết đến như người có công lớn nhất trong việc giải mã này. Thế nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau thành công ấy còn có sự đóng góp không nhỏ của nhà mật mã học Joan Clarke.

Joan Clarke sinh năm 1917 và đạt hạng Nhất chuyên ngành Toán học tại Cambridge nhưng bà bị từ chối tiếp tục học cao hơn vì Cambridge chỉ cho phép nam giới theo học chương trình này vào thời điểm đó. Nhờ khả năng xuất sắc của mình, bà được tham gia Hut 8, nhóm cốt cán bẻ khóa mật mã Enigma do chính phủ Anh lập ra.

Là một thành viên lâu năm nhất của Hut 8 nhưng những gì lịch sử nhắc đến Clarke chỉ là "một nhân viên mang tên Joan Clarke từng hứa hôn với Alan Turin, nhưng cả hai thống nhất hủy hôn sau đó".

Không chỉ riêng Clarke, toàn bộ những thành tích của các nữ đồng nghiệp của bà như Margaret Rock, Mavis Lever và Ruth Briggs trong giải mã Enigma vẫn chưa được biết đến, ghi nhận đầy đủ và chính xác.

Grace Murray Hopper: Không từ bỏ quyết tâm gia nhập Hải quân

Grace Murray Hopper, sinh năm 1906, là một người tiên phong trong lĩnh vực khoa học máy tính và tham gia Hải quân Hoa Kỳ với chức vụ Phó đề đốc. Nhắc đến Hopper, không thể không nhắc đến việc bà là lập trình viên đầu tiên cho máy tính Mark I cũng như phát triển trình biên dịch đầu tiên cho một ngôn ngữ lập trình.

Bà tốt nghiệp Đại học ngành Toán-Lý và lần lượt đạt được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ của trường Đại học Yale vào năm 1930 và 1934. Sự nghiệp của bà ghi dấu thành tựu với chức vụ Phó Đề đốc Hải quân Hoa Kỳ nhưng để được tham gia lực lượng quân đội, bà đã bị từ chối rất nhiều lần.

Vào những năm đầu thế chiến II, bà cố gắng ghi danh tham gia lực lượng này nhưng không được chấp nhận do khi đó bà 34 tuổi, quá tuổi so với quy định và tỷ lệ chiều cao – cân nặng của bà quá thấp so với tiêu chuẩn Hải quân.

Không nản lòng, Hopper đăng ký gia nhập Lực lượng Dự bị Hải quân Hoa Kỳ. Về sau, bà được đặc cách miễn nhập ngũ vì chỉ nặng 40 kg, trong khi đó tiêu chuẩn của lực lượng Hải quân Hoa Kỳ là tối thiểu 54 kg. Sau khi được đào tạo tại trường Hải quân Dự bị Midshipmen’s School tại Smooth College, Hopper tốt nghiệp hạng nhất vào năm 1944.

Trong khoảng thời gian này, Hopper là một trong những lập trình viên đầu tiên của chiếc máy tính Harvard Mark I của IBM, chiếc máy tính quy mô lớn đầu tiên ở Mỹ. Cuốn sách hướng dẫn vận hành của bà đã giúp nhiều người có thể làm việc trên cỗ máy tính này sau đó.

Phó đô đốc Hopper là người luôn có tư duy đổi mới. Một trong những câu nói đầy cảm hứng của bà là: "Con người dị ứng với sự thay đổi. Họ thích nói, "Chúng tôi luôn làm theo cách này". Tôi cố gắng chống lại điều đó. Đó là lý do tại sao tôi có một chiếc đồng hồ treo tường chạy ngược chiều kim đồng hồ".

Thuỳ Chi (dịch)