Bà Châu Thị Tế sinh năm 1776 tại Cù Lao Dài (Cù lao Năm Thôn) thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, là con ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán. Bà là chính thất của Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại – một quan nhà Nguyễn có công lao to lớn đối với việc mở mang phát triển vùng đất Nam bộ.

Chồng bà, ông Nguyễn Văn Thoại (1761-1829) nguyên là người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, là con một viên quan nhỏ dưới thời chúa Nguyễn. Ông lớn lên đúng vào thời kỳ quân Tây Sơn và chúa Nguyễn đánh nhau ác liệt, mẹ ông lo sợ nên dắt con chạy về phía Nam, đến định cư ở làng Thới Bình, trên Cù lao Dài giữa sông Cổ Chiên thuộc địa phận huyện Vũng Liêm.

Tại đây ông đã gặp và cưới bà Châu Thị Tế làm vợ. Khi chúa Nguyễn rút quân vào Gia Định, Nguyễn Văn Thoại đã đầu quân theo giúp chúa Nguyễn.

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, mở ra thời kỳ trị vì của vương triều Nguyễn. Do có công  phò tá vua Gia Long, Nguyễn Văn Thoại được triều đình giao cho nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng.

Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông tại chân núi Sam.

Năm 1816, ông được cử vào trấn thủ trấn Vĩnh Thanh (các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Kiên Giang bây giờ). Vĩnh Thanh bấy giờ là miền biên viễn, nằm sát biên giới Tây Nam, vừa được lưu dân người Việt khai khẩn. Nơi đây hẻo lánh hoang vu, lũ lụt thường xuyên khiến quanh năm lầy lội, đi lại rất khó khăn, việc thông thương trao đổi hàng hóa đều phải đi vòng đường biển rất bất tiện.

Thấy vậy, sau khi tìm hiểu kỹ địa thế toàn vùng, Nguyễn Văn Thoại tâu xin triều đình cho khơi rộng lạch Đông Xuyên thành một con kênh lớn dài hơn 30km  nối liền Đông Xuyên với Rạch Giá. Sau một năm cật lực chỉ huy 1.500 dân phu, con kênh lớn được hoàn thành, vừa giúp giao thông thuận tiện vừa là một công trình thoát lũ hữu hiệu.

Ghi nhận công lao của Nguyễn Văn Thoại, vua Gia Long đặc cách ban thưởng cho ông và đặt tên con kênh là kênh Thoại Hà, đồng thời cho đổi tên núi Sập ở phía đông thành Thoại Sơn.

Thấy Nguyễn Văn Thoại thành công, năm 1819, triều đình giao tiếp cho ông trách nhiệm đào một con kênh chạy dài theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc – Hà Tiên đổ ra vịnh Thái Lan. Việc đào kênh dài hơn 87 km này kéo dài trong 5 năm (1819-1824), huy động đến hàng vạn nhân công và phải hoãn 4 lần. Công trình thủy lợi chiến lược này đã được sách cũ mô tả “dài 205 dặm rưỡi, rộng 7 trượng 5 thước, sâu 6 thước… Từ đấy, đường sông lưu động, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng…”.

Đây là một công trình lớn đáng tự hào đương thời, vừa là đường hào giúp bảo vệ vùng biên cương, vừa rất thuận tiện cho thuyền bè đi lại, vừa giúp tưới tiêu cho một vùng ruộng đồng rộng lớn. Cùng với sự xuất hiện của dòng kênh, nhiều thôn làng mới mọc lên hai bên bờ nước.

Kênh Vĩnh Tế và những cánh đồng lúa bạt ngàn dọc hai bên bờ kênh.

Thành công của Nguyễn Văn Thoại trong đại công trình kể trên có sự góp công to lớn của bà Châu Thị Tế. Khi được triều đình giao trách nhiệm đào con kênh lớn, Nguyễn Văn Thoại đã lao tâm khổ tứ rất nhiều. Ở nơi dân cư hoang vu thưa thớt, tổ chức sao cho mọi việc được trôi chảy, dân phu được chu cấp ăn uống đầy đủ để đủ sức làm việc lâu dài không đơn giản.

Bà Châu Thị Tế đã giúp chồng gỡ rối nhiều vấn đề, lại giúp ông tổ chức hậu cần, chỉ huy vận chuyển lương thực thuốc men phục vụ dân phu. Bà thường xuyên chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho ông, động viên ông mỗi khi ông mệt mỏi ngã lòng.

Những lúc chồng bận việc công cán, bà đã thay chồng lãnh phần đôn đốc, coi ngó việc đào kênh, tiếng nhân đức của bà được nhân dân truyền tụng. Bấy giờ trong dân gian có câu: Nước Nam trai sắc gái tài/ Gương bà Châu thị lưu đời ngàn năm. Bà thực sự là một người vợ hiền đức, tận tụy, đảm đang, đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp của chồng.

Biết rõ vai trò của bà đối với thành công lớn của Thoại Ngọc hầu, sau khi con kênh hoàn thành, triều đình ban thưởng cho gia đình bà rất nhiều vàng bạc lụa là. Lại hạ chỉ cho đặt tên con kênh mới là kênh Vĩnh Tế. Ngọn núi Sam bên cạnh cũng được đổi tên là Vĩnh Tế sơn. Việc dùng tên ông bà Thoại Ngọc hầu đặt cho những địa danh trên vùng đất mới đã chứng tỏ công lao to lớn của ông bà đối với vùng đất này.

Khu lăng mộ Thoại Ngọc hầu và bà Châu Thị Tế ở dưới chân núi Sam, Châu Đốc, An Giang.

Trong văn bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký (bia ghi việc được đặc ban tên núi Vĩnh Tế), Thoại Ngọc hầu viết “… Năm trước đây, thần phụng mệnh coi sóc việc đào kênh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kênh núi Sập mà đặt tên núi là Thoại Sơn. Đến nay, hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố đến vợ thần là Châu Thị Tế, cho rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng trung thành bền chặt, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là Vĩnh Tế sơn…”.

Châu Thị Tế sinh được hai người con trai. Bà mất vào ngày rằm tháng 10 năm Bính Tuất 1826. Sau khi qua đời, bà được triều đình sắc phong là Nhàn tĩnh Phu nhân.

Ngày nay, miếu và mộ vợ chồng bà Châu Thị Tế vẫn nằm ở chân núi Sam, cạnh đường Châu Đốc – Tịnh Biên, cùng với đền thờ bà chúa Xứ trở thành một quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là một trong những điểm du lịch thu hút rất nhiều khách tham quan.

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử