Elyssa Katz, một bà mẹ 3 con sống tại Santa Monica, California, đang phát triển dịch vụ kết nối các gia đình giàu có với gia sư, hay còn gọi là “Zutors”.

“Vai trò của Zutors có thể là gia sư, người giữ trẻ hoặc vị cứu tinh cho những phụ huynh bận rộn. Người này có thể đảm nhận các yêu cầu của cha mẹ bao gồm giúp trẻ em làm bài tập và hoặc đưa chúng ra ngoài chơi khi đến giờ giải lao”, Katz nói với The Guardian.

Các khách hàng của Katz rất đa dạng, từ những người giàu có và nổi tiếng, cho đến những ông bố, bà mẹ cần người chăm sóc con cái hàng ngày vì họ quá bận với công việc.

Nhiều ông bố, bà mẹ tìm đến dịch vụ của Katz để giúp con cái tiếp tục chương trình học.

Phí kết nối có thể dao động từ 700-1.000 USD, Katz và nhóm của cô sẽ phỏng vấn các ứng cử viên “Zutors”, kiểm tra lý lịch và sau đó giới thiệu họ với các gia đình tiềm năng.

Lệ phí cho gia sư và chăm sóc trẻ em có thể dao động từ 20-65 USD một giờ, tương đương với 1.625 USD một tuần nếu gia sư được thuê trong 5 giờ/ngày và 5 ngày/tuần. Katz cho hay số tiền có thể thay đổi tùy theo loại dịch vụ.

“Một số dịch vụ đang có phí lên tới 125 USD một giờ. Đây là Los Angeles - nơi ở của những người mà với họ tiền không phải là vấn đề. Họ chỉ yêu cầu: Tôi muốn điều này cho những đứa trẻ của tôi và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có thể đáp ứng chúng”, Katz nói.

Lo lắng của phụ huynh khi trường học đóng cửa


Khi các trường học ở Mỹ thông báo kế hoạch cho học kỳ mùa thu về việc chuyển sang hình thức dạy trực tuyến, một số phụ huynh bắt đầu liên kết với các gia đình khác để tổ chức chương trình học tại nhà cho con cái.

Họ tự xây dựng những mô hình giáo dục riêng như lựa chọn dịch vụ gia sư đắt tiền hoặc mở một trường học thu nhỏ tại nhà. Những nhóm học tập có thể bao gồm nhiều học sinh có độ tuổi khác nhau và được hướng dẫn bởi giáo viên dạy thêm.

Sự gia tăng của các lớp học như trên là minh chứng cho những lo lắng của phụ huynh về sức khỏe và tình hình học tập bị gián đoạn của con cái trong bối cảnh trường học đóng cửa dài hạn - một tiền lệ chưa từng có trước đây ở xứ sở cờ hoa.

Nhiều hình thức học tập mới ra đời sau khi dịch bệnh bùng nổ.

Nhưng điều này cũng đặt ra nhiều nghi vấn về việc những hình thức học tập như trên sẽ làm trầm trọng thêm sự phân biệt và bất bình đẳng trong giáo dục. Vì không phải gia đình nào cũng đủ khả năng để tìm kiếm các giải pháp bên ngoài trường học cho con em mình.

“Các gia đình giàu có đặt ra những tiêu chí khác nhau để lựa chọn thành viên tham gia vào nhóm của họ như sống trong các khu vực lân cận, có mức thu nhập hoặc điều kiện tài chính tương tự. Điều này có thể làm tăng cường sự bất bình đẳng hiện có trong giáo dục”, Robin Lake, giám đốc của Center on Reinventing Public Education (CRPE), bày tỏ quan điểm.

Theo The New York Times, đầu tháng 7/2020, một trang web tên là Selected For Families đã được thành lập để kết nối các gia đình với những gia sư chuyên nghiệp. Trong số 60 đơn đăng ký đầu tiên, có 46% gia đình quan tâm đến các nhóm học tập quy mô nhỏ.

Trong thời gian ngắn, nhiều dịch vụ kết nối tương tự cũng xuất hiện và ngày càng phát triển tại Mỹ.

Khoảng cách giáo dục ngày càng lớn


Theo The Guardian, sự bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục của Mỹ đã tồn tại từ lâu trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Nhiều trường học được phân tầng sâu sắc theo chủng tộc và thu nhập của gia đình học sinh. Những trường có học phí đắt đỏ thường đưa ra ngân sách lớn hơn cho các chương trình giáo dục của mỗi học sinh.

Các mô hình học tập mới khiến nhiều người băn khoăn về sự bình đẳng trong giáo dục.

Một nghiên cứu cho thấy việc đóng cửa trường học sẽ dẫn đến tiến độ học tập của hầu hết học sinh trong năm nay sẽ bị chậm lại. Trong đó, các học sinh có điều kiện khó khăn hoặc sống trong vùng kết nối Internet kém sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Morgan Polikoff, PGS tại trường USC Rossier School of Education, cho rằng còn quá sớm để khẳng định sự nở rộ của dịch vụ gia sư sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong giáo dục.

“Khoảng cách giữa các tầng lớp học sinh còn phụ thuộc vào mức độ phổ biến của xu hướng. Nếu chỉ có vài phần trăm gia đình giàu có làm như vậy thì cũng không khác lắm việc họ gửi con vào trường tư thục”, ông Polikoff nói.

Lian Chikako Chang (San Francisco) cho biết sau 13 ngày tạo nhóm Facebook dành cho những phụ huynh quan tâm đến việc lập nhóm học tập hoặc trường học thu nhỏ, cô đã nhận được hơn 10.000 yêu cầu tham gia vào nhóm.

“Quan trọng nhất là tìm cách để các phụ huynh tự tin đặt câu hỏi cho nhau mà không cảm thấy bị phân biệt đối xử. Chúng tôi cũng khá quan tâm về vấn đề bình đẳng và đồng ý rằng nó đáng cân nhắc”, Chang nói với The Guardian.

Gia sư có đáng bị chỉ trích vì dạy thêm?


Nhiều gia sư nói rằng đây là một cách tạm thời để giúp họ kiếm sống trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang nguy hiểm.

Không chỉ phụ huynh, dịch vụ kết nối mà các gia sư, người thất nghiệp hoặc một số giáo viên do dự việc quay lại trường học vì sợ lây nhiễm cũng đang tìm cách để “sống sót” qua đại dịch nhờ những lớp học tư nhân như vậy.

Maia Lazar, người có kinh nghiệm 4 năm làm giáo viên dạy thay ở Los Angeles, cũng là thành viên trong nhóm Facebook của Chang. Cô hy vọng sẽ tìm được một gia đình hoặc nhóm phụ huynh sẵn sàng trả 1.000 USD mỗi tuần để cô dạy riêng cho con của họ. Lazar tin rằng mô hình học tập này giúp giảm thiểu khả năng lây nhiễm virus.

Lớp học thu nhỏ mang lại thu nhập ổn cho nhiều gia sư.

“Tôi cũng khá quan tâm về sự bình đẳng, nhưng theo cá nhân tôi, các gia sư không đáng bị chỉ trích vì điều này. Họ chỉ làm việc để kiếm sống. Bản thân tôi cũng đang giúp những đồng nghiệp sẵn sàng bỏ thời gian của họ cho các gia đình không đủ khả năng để thuê gia sư”, Lazar chia sẻ.

Trong khi đó, một số nhà giáo dục chấp nhận rằng sự xuất hiện của những trường học thu nhỏ và lớp học tư nhân là một phần của bức tranh giáo dục tại Mỹ. Đặc biệt là ở California, nơi phần lớn các trường học dự kiến sẽ ngưng hoạt động trong thời gian sắp tới.

Các lớp học nhỏ được xem là phương pháp hữu hiệu trong thời gian này.

Thay vì lo lắng về những tranh cãi, họ đang tập trung vào những cách giải quyết sự bình đẳng trong lớp học và với các tầng lớp gia đình khác.

“Chúng tôi không thể can thiệp vào sự lựa chọn của các phụ huynh, nhưng chúng tôi đã cố gắng thực hiện những giải pháp tốt nhất để giúp nhóm học sinh dễ bị tổn thương tiếp cận những gì chúng cần. Bên cạnh đó, việc nổ rộ của dịch vụ gia sư có nghĩa là chúng ta cần khẩn trương hơn nữa để tìm ra những nhu cầu thiết yếu của học sinh trong học tập”, Elisha Smith Arrillaga, giám đốc điều hành của Education Trust - West, bày tỏ.

 

Theo Zing