Trang, 23 tuổi, đến Manila từ cuối năm ngoái để làm việc. Đầu tháng ba, khi Philippines ghi nhận các ca nhiễm nCoV đầu tiên, cô không cảm thấy lo lắng vì chính quyền thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, trong đó có việc đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại tại đảo chính Luzon.

Nửa tháng sau, ca nhiễm tăng nhanh buộc giới chức áp lệnh phong toả trên toàn quốc để chặn Covid-19 lây lan. Sau khi lệnh phong tỏa được ban bố, Trang phải ngừng làm việc và được công ty bố trí cho ở tại ký túc xá. Cô được hỗ trợ tiền ăn, nhưng không được nhận lương.

Theo dõi thông tin hàng ngày, Trang nhận thấy dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi cơ sở hạ tầng y tế tại Manila không đảm bảo nên khá lo lắng. Sinh hoạt phí đắt đỏ, trong khi không có thu nhập, cô muốn mua vé về Việt Nam nhưng không thể do đường bay thương mại bị đóng.

Bởi vậy, Trang chấp nhận ở lại Manila và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Cô hạn chế ra đường khi nhận thấy người dân ở Manila thờ ơ với Covid-19, vẫn tụ tập đông người và không đeo khẩu trang.

Tại ký túc xá, Trang ở chung phòng với một số người khác. Mọi người đều có ý thức phòng dịch, không ra đường khi không cần thiết và đặt đồ ăn trên mạng hàng tuần.

Khi tìm kiếm thông tin hướng dẫn tránh dịch dành cho người Việt ở Philippines, Trang tham gia một nhóm trên mạng xã hội, với khoảng 4.000 thành viên, trong đó khoảng 1.600 người nêu nguyện vọng về nước với Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines. Tuy nhiên, Trang cho rằng nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình nên không đăng ký, muốn "nhường suất cho ai cần hơn".

                     Người dân Manila đeo khẩu trang trên xe bus ngày 21/7. Ảnh: Reuters.

Đầu tháng 6, Philippines nới lỏng phong tỏa khi số ca nhiễm có dấu hiệu giảm dần, Trang cũng đi làm trở lại. Sau vài tuần, cô cảm thấy không khoẻ, khó thở và đau ngực nên đi kiểm tra thì nhận kết quả âm tính với nCoV, nhưng bất ngờ khi nghe bác sĩ thông báo cô bị hở van tim. Sự bất an của cô gái tăng lên nhiều lần vì nghe thông tin người có bệnh nền dễ tử vong hơn khi nhiễm virus.

Hôm 31/7, Philippines ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm trong một ngày, mức tăng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á trong ngày thứ hai liên tiếp. Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ hai khu vực, sau Indonesia, với hơn 98.000 ca nhiễm, hơn 2.000 người tử vong. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố duy trì các hạn chế ngăn Covid-19 tại Manila cho đến giữa tháng 8.

Một số người Việt ở Philippines cho biết họ đang tính phương án mua vé máy bay thương mại từ Philippines đến Campuchia, sau đó đi về Việt Nam bằng đường bộ, với chi phí khoảng 100 triệu đồng kèm 28 ngày cách ly. Tuy nhiên, Trang không chọn phương án này vì không yên tâm, nên cô đã gửi đơn đăng ký đến Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines.

"Tôi rất mong được sớm về Việt Nam để đi khám và điều trị bệnh tim. Tình hình dịch ở Manila đang nghiêm trọng nên tôi không dám đến bệnh viện để khám và theo dõi sức khỏe", Trang nói.

Các cơ quan chức năng Việt Nam từ tháng 4 đến nay đã đưa hơn 18.000 công dân ở nhiều nơi trên thế giới về nước tránh dịch, trong đó có gần 800 người về từ Philippines. Thế giới hiện ghi nhận gần 18 triệu ca nhiễm nCoV và gần 680.000 ca tử vong, đại dịch vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo vnexpress