Một nhân viên y tế tiêm vắc-xin ở Manila, Philippines - Ảnh: Reuters

Châu Á tiếp cận vắc-xin chậm

Năm 2020, ngoài việc đối phó với đại dịch, thế giới đã dành phần lớn thời gian để chờ đợi vắc-xin. Cuối cùng, vắc-xin cũng đến, nhưng việc tiếp cận được hay không lại phụ thuộc nhiều vào mức độ giàu có của mỗi quốc gia.

Ở Singapore, tất cả 5,7 triệu công dân - kể cả người nước ngoài và người lao động nhập cư của nước này - đã được hứa tiêm phòng miễn phí vào quý III năm nay. Indonesia cũng đã tiêm cho khoảng 368.000 trong số 270 triệu người; Ấn Độ đã tiêm 2 triệu mũi tiêm trong tổng dân số 1,3 tỷ người. Nhưng với Campuchia, Lào và Myanmar, các chuyên gia tin rằng, có thể phải mất hơn 5 năm để hoàn thành chương trình tiêm chủng đại trà. 

Theo Cơ quan Nghiên cứu và phân tích dữ liệu kinh tế EIU (Anh), trong số 12,5 tỷ liều mà các nhà sản xuất vắc-xin đã cam kết thực hiện trong năm nay, có 6,4 tỷ liều đã được đặt hàng trước, chủ yếu là các quốc gia giàu có. Agathe Demarais - Giám đốc dự báo toàn cầu tại EIU - cho biết, khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo rất rõ rệt. Với tốc độ này, các nước tiên tiến sẽ tiêm phòng cho dân vào giữa năm 2022, trong khi người dân các nước đang phát triển sẽ không được tiếp cận rộng rãi với vắc-xin cho đến năm 2023 và người dân ở các nước nghèo có thể phải đợi đến năm 2024.

Ở khu vực Đông Nam Á, nơi sinh sống của 655 triệu người, EIU cho rằng, Singapore sẽ hoàn thành việc tiêm chủng rộng rãi trong năm 2021, tiếp theo là Việt Nam, Brunei, Thái Lan và Malaysia vào năm 2022, sau đó là Indonesia và Philippines vào năm 2023. Campuchia, Lào và Myanmar sẽ “không thể đạt được điều này trong vòng 5 năm tới”.

Nước giàu sẽ phải khóc

Vấn đề mà các quốc gia chậm tiêm chủng phải đối mặt bây giờ là tỷ lệ lây nhiễm tăng cao khiến các bệnh viện bị quá tải, từ đó dẫn đến tình trạng đóng cửa, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Theo Tổ chức nghiên cứu thuộc Phòng Thương mại Quốc tế, sự bất bình đẳng về vắc-xin có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 9.200 tỷ USD và gần một nửa trong số đó sẽ do các nền kinh tế tiên tiến gánh chịu. 

Tình trạng thiếu vắc-xin tại EU đã khiến Đức buộc phải trì hoãn chương trình tiêm chủng - Ảnh: CNN

Giáo sư Teo Yik Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore - nói: “Điều này có nghĩa là, vẫn còn phần lớn thế giới không được chủng ngừa từ nửa cuối năm nay và nó sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới”.

Giáo sư Teo lấy Singapore làm ví dụ điển hình. Đảo quốc này “phụ thuộc chủ yếu vào các nước láng giềng về thực phẩm, nước uống và nhiều tài nguyên khác” và có chung với Malaysia một trong những biên giới đất liền nhộn nhịp nhất trên thế giới. Nhưng khi Malaysia bị đóng cửa vào tháng Ba năm ngoái, công nhân và sinh viên ở cả hai quốc gia thường qua biên giới hằng ngày đã bị cấm. Điều này ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả hai nước. “Chừng nào việc phong tỏa còn nghiêm ngặt thì sự tàn phá các chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp, sẽ càng tồi tệ” - ông nói.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - đã có những lời gay gắt hơn: “Thế giới đứng trước bờ vực của một sự thất bại thảm khốc về đạo đức nếu nó không cung cấp khả năng tiếp cận công bằng với vắc-xin”. 

Tiến sĩ Khor Swee Kheng - nhà tư vấn độc lập về các chính sách y tế toàn cầu, có trụ sở tại Malaysia - cảnh báo, nếu các nước giàu vẫn tiếp tục với “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” thì khủng hoảng kinh tế sẽ còn kéo dài. 

“Thật đáng thất vọng là đồng tiền vẫn có sức mạnh trong thời đại dịch bất chấp những lời hùng biện của thế giới về một trật tự toàn cầu dựa trên quy tắc. Chúng tôi hiểu rằng, các quốc gia đều có trách nhiệm với dân của họ, nhưng điều này phải được cân bằng với trách nhiệm đối với lợi ích chung toàn cầu”. 

Theo phunuonline