Noha, 7 tuổi, hiện đang điều trị tại một bệnh viện thiện nguyện ở Yemen. (Nguồn: Independent)


Hơn hai triệu trẻ em sẽ là nạn nhân của khủng hoảng lương thực

Cùng chung số phận với hàng triệu trẻ em Yemen đang phải đối mặt với nạn đói, cô bé Noha 7 tuổi đang dần chết mòn do chứng còi xương, co thắt chân tay và thường xuyên co giật do thiếu canxi nặng. Vì quá ốm yếu, cô bé chật vật tự ngồi dậy với sự giúp đỡ của các nhân viên y tế. Nếu không được cấp cứu kịp thời từ bệnh viện từ thiện ở Hodeidah, gia đình phải đành lòng đứng nhìn Noha chờ chết, bởi túng quẫn đến mức không có tiền chi trả viện phí hay bất cứ biện pháp điều trị nào.

Mẹ của Noha cho biết: “Hầu như lúc nào chúng tôi cũng chỉ ăn bánh mì hay một ít cơm trắng được quyên góp từ bạn bè hoặc các tổ chức từ thiện. Đôi khi có thêm một ít các loại rau củ, cà chua, và không hề có thịt. Chúng tôi không có thu nhập do chiến tranh liên miên và những biện hạn chế xã hội từ dịch Covid-19. Cho nên hầu như không thể xoay sở nỗi miếng ăn cho cả nhà mà chỉ trông mong vào các bữa cơm từ thiện mỗi ngày”.

Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 2,4 triệu trẻ em tại các vùng chiến sự ở Yemen sẽ đối mặt với nạn đói khủng khiếp vào cuối năm năm nay. Nguyên nhân chính là xung đột và thiếu hụt nguồn thực phẩm tiếp tế bất ngờ trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành như hiện nay.

Năm 2020 dự là sẽ xảy ra một nạn đói kỉ lục ở Yemen

Tuần qua, Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nạn đói xảy ra ở Yemen. Phó Tổng thư ký phụ trách vấn đề nhân đạo Marck Lowcock cho biết, nếu không gấp rút thực hiện những biện phát hỗ trợ nhân đạo, cũng như nhanh chóng thực thi lệnh ngừng bắn giữa các bên, Yemen sẽ hứng chịu liên hoàn tai ương chồng chất như: nạn đói, dịch tả, suy dinh dưỡng và dịch covid-19. Hậu quả là hàng triệu người có thể phải đối diện với nguy cơ thiệt mạng.

 

Người dân Yemen đang hứng chịu không ít tai ương cùng một lúc. (Nguồn: independent)

Yemen đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Tuy nhiên, Liên hiệp quốc (LHQ) chỉ có thể hỗ trợ thêm 18% ngân sách nằm trong chương trình viện trợ nhân đạo, bởi trước đó nhiều nỗ lực quyên góp đã thất bại do tình hình dịch bệnh phức tạp. Vì thế, tổ chức này cân nhắc thực hiện những dự án mang tính cấp bách phù hợp trong tình thế hiện nay.

Bóng đen khủng hoảng bao trùm cả đất nước.

Nội chiến kéo dài nhiều năm đẩy người dân vào cảnh thất nghiệp, giá thực phẩm tăng cao so với mức thu nhập hàng tháng của người dân. Cộng thêm đại dịch Covid-19 buộc doanh nghiệp địa phương phải đóng cửa, ảnh hướng đến nguồn cung ứng sản phẩm, dẫn tới khủng hoảng lương thực ngày càng gay gắt hơn bao giờ hết.

Nhiều năm qua, Yemen luôn ngập chìm trong khói lửa từ cuộc nội chiến giữa phiến quân và chính quyền Yemen. Cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết, mà ngày càng diễn biến phức tạp. Cả đất nước ngày lún sâu vào vòng xoáy bạo lực, hệ thống y tế Yemen không được trang bị đầy đủ để đối phó với đại dịch Covid-19. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, đã có hơn 680 cuộc không kích vào các trang trại trên khắp đất nước, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hàng trăm cuộc đình công nổ ra ở các trang trại trên khắp thành phố Hodeidah (một trong bốn thành phố lớn nhất Yemen). Người dân bị kéo vào cuộc chiến, bỏ mặc đồn điền trai trại đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn do hạn hán và sa mạc hóa.

Giá thực phẩm tăng vọt là một trong những lý do chính gây ra nạn đói ở Yemen. Báo cáo của LHQ chỉ ra, chi phí cho các mặt hàng cơ bản quá cao so mới mức thu nhập hàng tháng của một hộ gia đình. Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng không kém là sự sụt giảm mạnh nguồn viện trợ đến Yemen, trong khi quốc này phụ thuộc hơn 90% nguồn cung từ nước ngoài. Ngoài ra, ngành nông nghiệp Yemen cũng lâm vào cảnh đổ vỡ khiến một nửa lao động thất nghiệp và mất đi 15% GDP.

Nền nông nghiệp cũng không mấy khả quan khi tổ chức FAO của LHQ công bố sản lượng ngũ cốc trong năm nay được dự báo cũng chỉ đạt được 365.000 tấn - chưa bằng một nửa mức sản lượng trước chiến tranh. Cây cọ là nông sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo các báo cáo điều tra về tình hình nông nghiệp của LHQ, hơn một nửa trong tổng số cây cọ trên toàn quốc hiện đã và đang chết đi do cuộc tấn công vào các trang trại và nguồn nước, quân đội chiếm đóng làm căn cứ, hạn hán, nạn châu chấu… Việc phá hủy các loại cây trồng nông nghiệp, loại bỏ nguồn thu nhập và lương thực càng đẩy người dân Yemen vào cảnh túng quẫn hiện nay.

Theo baoquocte.vn