Khi các trường học Hàn Quốc mở cửa hoạt động trở lại, Han Shin Bi đang phải vật lộn để có thể tập trung học bài. "Học online thực sự là bất tiện. Vừa rồi em có kết quả thi không tốt không thể tập trung học", cô học sinh trung học ở Seoul, chia sẻ.

                     Han Shin Bi, một học sinh trung học ở Seoul. Ảnh: AP.

Giống như học sinh ở các nước khác trên thế giới, trẻ em Hàn Quốc rất lúng túng với việc học trực tuyến trong thời kỳ dịch bệnh. Các chuyên gia cho rằng, việc giảm tương tác với giáo viên, không tập trung khi học và một số bất tiện về kỹ thuật khiến kết quả học hành giảm hơn trước. Điều đáng nói là mức độ giảm của học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn lớn hơn nhiều so với học sinh có gia đình thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu. Nói cách khác, "con nhà giàu" vẫn có thể dễ dàng theo kịp chương trình học và có kết quả thi tốt do được học thêm hoặc thuê gia sư.

Theo kết quả một cuộc khảo sát 51.021 giáo viên, khoảng 80% số người tham gia cho rằng có sự khoảng cách lớn về kết quả học tập giữa những học sinh giỏi nhất và yếu nhất. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã thuê gia sư bán thời gian để hướng dẫn 29.000 học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn. Một số giáo viên được giao nhiệm vụ kèm riêng từng học sinh với tổng cộng 2.300 em đang không theo kịp chương trình học.

Do các giáo viên chỉ ghi hình và đăng video trên mạng, Shin Bi không thể hỏi thêm nếu không hiểu bài và gia đình em cũng không đủ điều kiện thuê gia sư hay đi học thêm. "Em không muốn so sánh mình với người khác, nhưng nếu em có rất nhiều tiền, em đã được đi học thêm nhiều hơn. Em rất muốn được học thêm tiếng Anh và tiếng Trung", Shin Bi tâm sự.

Thậm chí ngay cả các học sinh học lực tốt cũng cảm thấy học trực tuyến rất "khó vào". "Em cảm thấy bị gò bó do phải ngồi im một chỗ và em thấy mệt mỏi. Điều khó khăn nhất với em là không được ngồi cạnh các bạn vì vậy em thấy rất khó tập trung học", Ma Seo-bin, một học sinh trung học chia sẻ.

Ma Seo-bin may mắn vì cha mẹ có điều kiện tài chính chi trả khoảng 2 triệu won (1.750 USD) mỗi tháng cho học thêm. Ảnh: AP.

Khi Hàn Quốc từng bước mở cửa trường học trở lại vào tháng 5, giới chức nước này đã cho học sinh trung học đi học trước để chuẩn bị cho kì thi vào đại học sẽ diễn ra vào tháng 12. Ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này, việc vào trường đại học nào sẽ quyết định gần như mọi thứ về tương lai của bạn: Công việc, vị thế xã hội và thậm chí là người bạn đời.

Hồi tháng 6, khi hàng trăm nghìn học sinh tham gia một cuộc thi thử để chuẩn bị cho kì thi đại học tháng 12, số học sinh đạt điểm kém tăng bất thường. Theo Kang Minjung, một thành viên của ủy ban giáo dục quốc hội Hàn Quốc, kết quả này phản ánh "sự phân cực trong giáo dục đã trở nên nghiêm trọng".

Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Hàn Quốc đối với hàng chục nghìn phụ huynh và giáo viên nước này, khoảng 75% học sinh Hàn tham gia dịch vụ giáo dục tư nhân (học thêm hoặc gia sư) với chi phí trung bình là 377 USD mỗi tháng. Cuộc khảo sát này cũng cho thấy các gia đình trung lưu và thượng lưu chi cho giáo dục nhiều gấp 5 lần so với các gia đình có thu nhập thấp.

Bố mẹ của Ma Seo-bin – hiện đang làm tại một trường tiếng Anh tư thục – cho hay hai vợ chồng đã chi khoảng 2 triệu won (1.750 USD) mỗi tháng cho con gái họ học thêm và 20 triệu won (17.550 USD) mỗi năm học phí và tiền phòng ở kí túc xá. Mặc dù số tiền đó là một gánh nặng cho cả hai vợ chồng nhưng bố mẹ Seo-bin cho biết họ sẵn sàng chi trả vì giáo dục là điều quan trọng đối với tương lai của con gái.

"Tôi không cảm thấy tiếc nuối điều gì. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Tôi thực sự không thể chăm lo cho bản thân vì không có thời gian và cũng không đủ tài chính", Ma Moon Young, bố của Seo-bin, tâm sự.

Y.H. Yoon, một bà mẹ đơn thân nuôi ba con ở Seoul, cho biết chị cảm thấy lo lắng rằng các con trai của chị không thể đạt thành tích cao trong học tập do chị không đủ tiền cho con đi học thêm. Chị cũng phải làm việc vất vả để nuôi con nên không có thời gian kèm con học ở nhà.

Tuy vậy, dù cho gia đình gặp khó khăn vì đại dịch, chị vẫn động viên các con chăm chỉ học hành để có thể đỗ vào các trường đại học tốt. "Tôi nói với chúng: Các con có muốn sau này phải sống như mẹ không? Cha mẹ tôi đã từng nói với tôi như vậy và giờ tôi nói lại với các con tôi", chị chia sẻ.

Theo vnexpress