Càng suy nghĩ, tôi càng thấy xót cho con và có tội vì đã sinh con ra trong một gia đình như thế này. Chồng tôi từng qua hai đời vợ, người vợ đầu không muốn sinh con, người vợ thứ hai có chung hai con trai. Xin khẳng định khi tôi gặp và quen là anh đang độc thân chứ không xen vào mối quan hệ của người khác. Ai cũng bảo tôi dại, gia đình bạn bè ra sức can ngăn, lúc đó vì tình yêu mà mù quáng, chỉ thấy cuộc sống tươi đẹp của hai tâm hồn đồng điệu. Tôi bỏ qua quá khứ của anh vì nghĩ không phải ai cũng may mắn trên đường tình.

Ảnh minh hoạ

 

Về phần gia đình, tôi người Sài Gòn, anh quê gốc Nghệ An nhưng cả gia đình đã vào Nha Trang lập nghiệp từ khi anh còn bé. Anh bảo tôi gia đình vì thế mà sống rất thoáng, thoải mái. Tôi đâu ngờ đã bỏ qua yếu tố khác biệt văn hóa, để rồi giờ là thứ làm khổ mẹ con tôi, khiến mối quan hệ giữa vợ chồng ngày càng tồi tệ. Tôi không có kế hoạch có con với anh, không muốn tạo thêm rắc rối con chung con riêng; anh và mẹ anh cứ khuyến khích. Cưới anh được nửa năm thì tôi mang thai. Từ khi sinh con ra là cả một chuỗi mâu thuẫn tiếp diễn và ngày càng gay gắt. Nếp gia đình tôi quen ưu tiên con cái, không bao giờ đòi hỏi con lo cho cha mẹ mà nhiều đời nay đều khuyên con cái nếu có sinh con thì phải tập trung nuôi dạy thật tốt.

Mẹ anh xuất thân nông dân, cuộc sống quen khổ cực, qua thăm cháu bà xét nét việc tôi xài bỉm cho bé. Tôi thay bỉm 2-3 tiếng một lần hoặc khi bỉm hơi nặng, bà bảo phải để bỉm thật đầy mới thay để tiết kiệm. Con tôi bệnh, bà bảo chồng tôi rằng con nít đi ngoài là bình thường, không cần tốn tiền. Tôi lo sốt vó nên cỡ nào cũng đưa bé đi bác sĩ. Nhà mở đèn, bà bảo tắt bớt để tiết kiệm điện. Chúng tôi mua cơm ngoài ăn thì bà cằn nhằn là tốn kém. Tôi thấy đây là khác biệt về lối sống nên không nói gì thêm, cũng ngầm khó chịu vì tiền mình làm ra lo cho con, chăm lo nhà cửa mà cứ bị bà xét nét. Bố chồng mất nên mọi việc cúng kiến trong nhà, dòng họ, mẹ chồng muốn tôi cũng phải cùng chồng gánh vác. Việc này đã bao lần gây ra tranh cãi giữa tôi và chồng nhưng không có hướng giải quyết nên mối quan hệ giữa tôi và anh ngày càng đi xuống vực thẳm.

Tính tôi tự do, quan niệm sống sao thoải mái là được, còn anh ngày càng lộ rõ bộ mặt người đàn ông gia trưởng và sĩ diện dù tiền kiếm ra không đủ lo cho con tôi và kể cả hai con riêng. Chi phí trong nhà tôi phải gồng gánh phần nhiều. Tính về phần cúng kiến, về sức thì một năm cúng 5-7 bận, vừa giỗ vừa rằm này nọ, chúng tôi đi làm, chẳng lẽ phải dành hết ngày phép để lo cúng kiến? Còn nếu tính về lực, tiền tàu xe đã ra một con số chóng mặt mà chúng tôi không có khả năng gánh chứ đừng nói đến tiền bày mâm cỗ. Trước bố chồng còn sống, tôi nghe rằng ông chẳng bao giờ bắt con cái phải về quê dịp tết vì đường xa tốn kém, mà cũng thật là vậy, hai đời vợ trước của anh chưa ai bước chân về Nghệ An dịp tết. Đến lượt tôi, bố chồng mất nên cả nhà anh bắt tôi phải về quê ăn tết, ra mắt xóm làng. Tôi nhất định không về vì còn phụ lo cho mẹ đẻ đã lớn tuổi, trong nhà chỉ có mình bà, anh tôi lấy vợ ở xa nên bà cũng không ép phải về nhà, anh chị tôi nếu thích thì về chơi. Điều này tôi đã trình bày với anh từ trước khi cưới và anh cũng tôn trọng. Cưới rồi lại gặp áp lực gia đình, dòng họ, anh quay lại trách tôi là không tròn bổn phận. Mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu càng bế tắc.

Mẹ chồng mong muốn tôi phải cùng anh gánh vác chuyện thờ cúng trong dòng họ. Tôi hoàn toàn tôn trọng việc thờ cúng ông bà tổ tiên, tuy nhiên thấy nó phải phù hợp với khả năng của mỗi người. Chồng và tôi cùng đi làm, chi phí cho gia đình và con cái tháng nào cũng chật vật, anh lại còn gánh nặng hai con riêng phải chu cấp, chưa bao giờ dư tiền. Ấy vậy mà lần gần đây về giỗ, chồng chi hẳn 10 triệu để cúng kiến thết đãi, chưa tính tiền tàu xe hai mẹ con anh đi từ Nam ra Bắc. Tôi xin chú thích là sau khi con cái đều lớn và lập nghiệp ở Sài Gòn, bố mẹ chồng đã rời Nha Trang để về Nghệ An sinh sống.

Điều tệ nhất là tôi phát hiện anh đi vay tiền để lo chuyện đám giỗ. Tôi cảm thấy rất đỗi bức xúc vì sao một miếng bỉm, một cái đèn điện trong nhà mẹ chồng cũng tiếc, vậy mà khi chi tiền thết đãi linh đình thì bà và chồng tôi lại không hề đắn đo. Bà cũng thừa biết chồng tôi có gánh nặng con cái hai bên, về cơ bản là chỉ có thiếu chứ không có dư, vậy mà vẫn đặt lên anh gánh nặng cúng kiến thết đãi kia như một nhiệm vụ. Có lẽ, bộ mặt với xóm làng bà con mới thật sự quan trọng. Tôi chỉ biết lo cho con mình thật tốt, anh trách tôi không chia sẻ gánh nặng tài chính, anh không nhìn lại cái gánh của anh nó chứa cả tám phương bốn bề, vừa con riêng vừa mẹ già lại vừa lo cúng kiến cả dòng họ. Tôi cũng đi làm công ăn lương tháng, không có thu nhập ngoài, làm sao có thể sẵn lòng chi tiền chỉ để gia đình anh được đẹp mặt với dòng họ còn con tôi phải chịu thiệt thòi?

Anh nói về tôi như một người con dâu tệ bạc, tôi cũng không cãi, vì rõ ràng là việc ưu tiên của chúng tôi quá khác nhau, lối sống và văn hóa cũng khác. Tôi làm ra đồng nào là nghĩ đến con đồng đó, còn anh mỗi lần nói về chi phí cho con hay lo cho nhà cửa là lại căng thẳng, có khi cãi vã so đo với tôi. Có lần ông hàng xóm ngoài quê ghé thăm, nhắc anh chuyện bố anh lúc sinh thời có hứa góp tiền lo xây đình làng, anh lại thấy rất hào hứng và bảo tôi rất vui được thay bố đóng góp cho làng. Tôi thật sự thấy nghẹn ngào, vì sao mình chăm chút gánh vác gia đình con cái mà chồng lại cảm thấy việc lo cho dòng họ, làng xã mới là việc của anh?

Tôi không biết nghĩ gì khác ngoài việc chờ con lớn và đủ cứng cáp thì sẽ nộp đơn ly dị để tự giải thoát cho mình và cho con một cuộc sống tốt đẹp, hơn là phải suốt ngày thấy cảnh ba mẹ cãi vã. Tôi đã chọn sai thì tự chịu, nhưng con tôi xứng đáng có một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Theo vnexpress