Chưa năm nào tôi rời quê đầy bịn rịn khi hết tết như lần này. Có lẽ khi đã nhiều năm tha hương, nếm đủ đắng cay ngọt bùi nơi đất khách, tôi mới nghiệm ra người luôn bao dung, yêu thương tôi vô điều kiện chính là ba mẹ. Nơi bình yên, đáng sống nhất là nhà mình.

Tôi lập nghiệp ở TPHCM đã hơn 10 năm. Tuổi trẻ đầy năng lượng và có thừa ý chí dấn thân, khó khăn với tôi có hề gì. Từ vị trí kế toán ở công ty, tôi phấn đấu lên kế toán trưởng. Mục tiêu của tôi là mua được nhà ở thành phố rồi rước ba mẹ lên ở cùng. Đây là nơi tôi có thể phát triển bản thân. Khi ba mẹ về già, khám chữa bệnh không cần đi xa. Con cái tôi sau này có môi trường học tập lý tưởng…

Trong khi tôi háo hức với những dự định lớn lao thì ba mẹ lại hoài nghi và không hứng thú. Nhiều lần, tôi đưa ba mẹ lên ở vài ngày để “thực tập” cho cuộc định cư mãi mãi.

Tôi lùng những quán ăn ngon để đãi ba mẹ. Cuối tuần, tôi đưa ba mẹ đi Vũng Tàu, Cần Giờ… để nghỉ dưỡng. Tôi cố chứng minh nơi này đáng sống, muốn gì cũng có.

Ba than thở chỗ gì mà đông người, chen chân không lọt. Mẹ thì xót ruột vì phần cơm ít ỏi mà "mắc tiền quá trời quá đất". Khách sạn gì ngủ 1 đêm bằng ở quê mua được 3 bao gạo… Tôi đưa ba mẹ ra công viên gần nhà tập thể dục. Ba nói đi bộ mà đông người, né qua né lại cực quá. Không khí thì đầy mùi xăng. Ba thấy tội nghiệp những người sống ở thành phố chật hẹp…

Ở vài ngày, ba mẹ nằng nặc đòi về quê. Tôi không bỏ cuộc. Hy vọng ba mẹ rồi sẽ quen thôi. Ba mẹ có mình tôi, để ba mẹ ở quê tôi không yên lòng.

Năm đầu dịch dã, tôi còn sức cầm cự. Năm thứ hai, tôi ngồi nhà suốt nửa năm vì công ty không có việc. Ba mẹ phải gửi gạo, thịt cá từ quê lên. Một năm nay, đơn hàng ở công ty tôi không nhiều như trước. Vật giá thì ngày càng đắt đỏ, mọi chi phí đều tăng. Ba mẹ rầu rầu, khuyên tôi: “Nhắm không trụ được thì về quê nghe con. Cá dưới sông, rau trong vườn… con không phải lo gì đâu”. Tôi bắt đầu hoang mang với kế hoạch bấy lâu…

Bếp củi bình yên nơi quê nhà đủ níu chân những đứa con xa quê (Ảnh minh họa)
Bếp củi bình yên nơi quê nhà đủ níu chân những đứa con xa quê (Ảnh minh họa)

Tết này về nhà, tôi tha thẩn ra vườn cắt bông bí, hái dưa leo, đậu rồng… Ba cầm vợt đi dọc mương vườn vớt cá, tép. Bữa cơm dọn ra bên hiên nhà dưới giàn bầu. Có cá kho quẹt, rau dưa vừa mới hái… tôi nghe vị ngọt thấm từng thớ thịt. Ba thủng thẳng hái mấy trái ớt hiểm mọc kề bên gốc chuối, dầm vào chén nước mắm cá cơm thơm phức. Mẹ xới cơm, nồi cơm nấu bằng bếp củi, có lớp cơm cháy vàng rộm. Tôi hít hà chén cơm thơm mùi rơm rạ, cái mùi đã thấm trong máu tôi từ lúc còn thơ bé…

Cử chỉ chậm rãi của ba mẹ thật thanh nhàn, hài lòng. Tôi chợt nhận ra điều ba mẹ cần không phải cuộc sống tiện nghi hiện đại, mà là bình yên với những điều bình dị quê nhà.

Lần đầu tiên tôi hình dung tương lai mai sau, tôi cũng sẽ về nhà, học cách sống chậm, không bon chen, tranh đấu. Mỗi sáng tôi sẽ theo ba ra vườn cho cá, gà vịt ăn. Theo mẹ đi tưới rau, dọn cỏ vườn... Cuộc sống ấy hẳn sẽ không làm tôi cực lòng. Tôi hiểu ra con người ta phấn đấu đến mấy cũng chỉ là có mái nhà che nắng mưa, ngày ba bữa cơm với những món mình thích, và quan trọng là được ở cạnh mẹ cha. Thì đây, mọi thứ có sẵn chờ tôi quay về.

“Vài năm nữa con thu xếp xong sẽ về quê kiếm việc làm vừa sức để ở hẳn với ba mẹ. Ba mẹ chờ con nghen”, câu đó của tôi khiến mắt ba sáng rỡ. Mẹ thì cười tủm tỉm đầy mãn nguyện.

Phấn đấu từng ấy năm, tôi mới biết điều ba mẹ cần không phải tôi giàu có, thành ông này bà kia, mà cần tôi yên ổn và bình an là đủ. Và điều tôi cần, chỉ là thấy ba mẹ được thanh nhàn, được làm điều mình thích.

Quê nhà, nơi đó luôn bình yên, có ba mẹ sẵn lòng đón tôi quay về.

Theo phụ nữ TPHCM