leftcenterrightdel
 

Hồi còn nhỏ, tôi nhớ không nhầm chỉ khoảng cấp 1 thôi, cứ đến hè là tôi được bà ngoại đóng gói gửi về Hải Phòng ở với cụ cố cả tháng trời.

Mẹ tôi là con trưởng trong gia đình, lấy chồng sớm nên tôi cũng ra đời khá sớm. Sau đó vì mải mê làm ăn kinh tế, cũng là cờ đến tay ai người ấy phất, nhiều khi cơ hội hay bước ngoặt cuộc đời chỉ đến có vài lần, thành hay bại đều là do có biết nắm bắt hay không. Chính vì vậy khi nhận thấy bố mẹ tôi có cơ hội thay đổi cuộc đời, ông bà ngoại sẵn sàng cố gắng hết sức để hỗ trợ chăm sóc con cái cho.

Cũng may ông bà ngoại tôi cũng còn trẻ khỏe nên vẫn chăm được cháu. Khổ cái ông bà cũng đang trong độ tuổi lao động nên bình thường tôi đi học thì chẳng sao nhưng cứ đến hè là trung tâm rắc rối của cả nhà.

Tuy là con gái nhưng tôi nghịch ngợm không thua kém bất kỳ thằng con trai nào trong khu. Cứ nghỉ hè là rủ đám trẻ con đi phá làng phá xóm. Đi đến đâu là gây tội vạ đến đó. Cuối cùng ông bà ngoại hốt quá, cứ đến dịp tôi nghỉ hè là gói ghém hành lý tống ngay về Hải Phòng với cụ cố.

Thời đó để về được Hải Phòng thì hầu như mọi người sẽ chọn đi tàu hỏa. Gia đình thì cũng không khá giả gì nên tôi hay được bà ngoại dắt lên toa hàng ngồi. Bà đưa về với cụ thì ở lại vài hôm thăm cụ rồi lại một mình về Hà Nội để bán hàng. Tôi chỉ đợi có thế là cứ như con ngựa đứt cương, trong đúng 1 buổi chiều là quen cả cái xóm luôn được rồi.

Tôi là con đầu cháu sớm nên cũng là đứa duy nhất được gần cụ nhiều. Hồi đó khi mới bị tống về quê tôi cũng không chịu đâu, nhưng sau đấy thì phát hiện ra về quê với cụ sướng hơn ở thành phố nhiều. Thậm chí, hết hè phải về thành phố để đi học, bố mẹ tôi còn phải tìm con mờ cả mắt vì tôi trốn tiệt nhất định không chịu theo bố mẹ về nhà.

leftcenterrightdel
 

Trong ký ức của tôi về gian nhà của cụ cố là một không gian khá tối và nồng nặc mùi thuốc bắc. Đấy là mùi bột hương thuốc bắc, mỗi lần phơi khô cụ sẽ mang vào trong nhà để tránh mưa. Lâu dần cái mùi ấy nó bám chặt vào không gian trong nhà. Với một đứa trẻ con, mùi thuốc bắc chẳng có gì thơm tho hết, tôi không ưa cái mùi ấy chút nào. Nhất là mùi hè nóng nực, nhìn từ ngoài sân vào trong nhà chỗ nào cũng có bột hương que hương cụ nắn, nhiều khi chả có chỗ mà nhảy dây.

Nhưng nhớ nhất với tôi phải là bát canh cù kỳ của cụ. Lần đầu thấy cụ mang về cát mẹt có mấy con giống con cua nhưng tròn trùng trục trông dễ thương vô cùng, tôi đã cười đến mức lăn lê bò toài ra sân vì biết cái tên của nó. Từ đó mỗi lần nhắc đến con cù kỳ, cụ lại đùa đùa chọc lét tôi một lúc đến khi tôi cười đỏ hết cả mặt mũi mới thôi.

Mấy con cua dễ thương đó về sau cụ nấu thành canh với rau đay cho tôi ăn, ăn xong thì bị dị ứng nổi mề đay khắp người. Bình thường nếu là ở Hà Nội chắc là ông bà ngoại sẽ lo ngay ngáy, có khi lôi ngay con cháu nhập viện cấp cứu mất, ấy thế nhưng cụ cứ kệ, bảo ăn ít ít thôi, khi nào quen thì ăn nhiều sau.

Khổ nỗi tôi hồi bé ham ăn lắm, người cứ béo lẳn ra nên cứ thấy ăn là mê rồi, ngứa chút không sao. Thế là sau ba bữa canh cù kỳ rau đay, quả thật tôi không bị ngứa ngáy gì nữa.

Tôi thật ra không thể nhớ nổi cụ đã chế biến con cù kỳ như thế nào, đến tận sau này nhiều khi nhớ da diết bát canh của cụ nhưng dù cố gắng thế nào tôi cũng không nấu ra được bắt canh có mùi vị như thế. Chỉ biết rằng để giã được giống cua cứng như cù kỳ để mang đi lọc lấy gạch lấy thịt nấu canh, cụ chắc chắn sẽ mỏi tay lắm.

Lần cuối cùng tôi về Hải Phòng với cụ là năm lớp 5. Trước khi về cụ buộc một con cù kỳ vào sợi dây dù cho tôi dắt lên Hà Nội. Về đến nơi, bọn trẻ con hàng xóm đứa nào cũng lác mắt vì “pet cưng” độc lạ, có một không hai của tôi. Đặc biệt là kể từ lúc dắt pet cưng đi chơi, bọn trẻ con không đứa nào dám lại gần vì sợ bị cù kỳ cắp.

Những ký ức của tôi mơ hồ dừng lại ở đó. Học kỳ II lớp 5, tôi nhận được tin cụ mất.

Căn nhà của cụ ở Hải Phòng sau này ông bà ngoại đã bán đi nên mọi thứ liên quan đến căn nhà đầy mùi bột hương thuốc bắc cũng giữ y nguyên như hồi nhỏ. Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành tôi vẫn hay về Hải Phòng dù rằng ở đấy đã không còn bất kỳ người thân quen nào nữa rồi.

Một lần lang thang ở chợ Cát Bi, tôi thấy một bà cụ ngồi bán cua, chồng tôi tò mò hỏi con đấy là con cua gì vậy nhưng tôi thì làm sao mà quên được con cù kỳ gắn liền với nhiều năm tuổi thơ của mình cơ chứ…

Mạn Ngọc