Ông Sadiman bên cánh rừng của mình - Ảnh: ODD

Ông Sadiman là nông dân sống tại ngôi làng ở huyện Wonogiri, tỉnh Trung Java, Indonesia. Trong nhiều thập niên, làng của ông phải chiến đấu với gió lùa và nạn đói sau khi một trận cháy rừng đã tàn phá những cánh rừng ở khu vực phía nam núi Lawu, biến nó thành những đồi trọc khô cằn. 

Lúc đó, ông Sadiman là người đầu tiên nhận ra việc thiếu cây trồng xung quanh ngôi làng đã gây ra gió lùa, khiến việc tiếp cận nước ngọt trở nên khó khăn. Không may, trong một thời gian dài, ông là người duy nhất chú ý đến vấn đề này vì chính quyền và người dân địa phương đều không quan tâm. 

Thời gian đầu, thậm chí Sadiman phải bán bầy gia súc của mình để đổi lấy cây non. Mọi người gọi ông là kẻ điên vì chẳng hiểu ông làm điều đó với mục đích gì. Mặc cho nhiều người chế giễu, ông Sadiman vẫn tiếp tục trồng cây. Hằng ngày, ông miệt mài trồng cây trên những ngọn đồi cằn cỗi xung quanh làng của mình. Ông chọn cây đa và cây si vì hai loài cây này có khả năng giữ nước rất tốt; khi rừng đủ lớn sẽ giúp dân làng của ông không còn phải đối mặt với hạn hán, gió lùa.

Người ta ước tính rằng, ông Sadiman đã trồng được hơn 11.000 cây trong vòng 25 năm. Khi hàng ngàn cây non mà ông trồng trưởng thành, các loài thực vật khác bắt đầu phát triển và chẳng bao lâu, những vùng đất cằn cỗi, đầy nắng được thay bằng rừng rậm. Những cơn mưa cũng xuất hiện nhiều hơn.

Giờ đây, người dân huyện Wonogiri bắt đầu có lại nguồn nước dồi dào, đảm bảo có thể thu hoạch 2-3 vụ mùa mỗi năm. Ông Sadiman hiện được người dân trong làng ca ngợi là anh hùng. Ông còn được trao tặng giải thưởng Kalpataru cao quý nhất dành cho công dân Indonesia có đóng góp giữ gìn môi trường và giải Kick Andy Heroes vào năm 2016.

Qua nhiều năm, khu rừng rộng 25ha tươi tốt, được gọi là rừng Sadiman, đã trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng nhất ở Indonesia dành cho khách du lịch yêu thiên nhiên. 

Theo phunuonline.com