Cưới chồng đã hơn 5 năm nhưng Thanh chưa bao giờ được nhà chồng xem mình là người trong gia đình. Cô như người ngoài cuộc trong tất cả những chuyện xảy ra ở nhà chồng, không được kể cho biết và nếu đã biết thì không được có ý kiến.

Một thời gian sau, cô biết lý do cho điều ấy là: “Dù gì con Thanh cũng là người ngoài” - lời mẹ chồng đã nói. Thấy mình không được tôn trọng nên ở nhà chồng vài tháng, Thanh bàn với chồng xin dọn ra ở riêng trong ngôi nhà ba mẹ ruột của cô đã cho. Thế nhưng ở riêng cũng không yên thân, những người nhà chồng Thanh vô tư “xâm chiếm” không gian sống của gia đình cô như thể họ chính là chủ nhân của ngôi nhà.  

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Mẹ chồng quyết định bán nhà Thanh không hề hay biết, cho đến khi thấy Huy - chồng cô - đưa bà cùng bàn thờ ba chồng về nhà riêng của mình. Mẹ chồng cô còn có  một người con gái goá chồng đang sống một mình, đáng lẽ bà sống với con gái để mẹ con chăm sóc nhau là rất hợp lý.

Thế nhưng, nhà chồng vẫn muốn đưa bà về sống với vợ chồng Thanh để cô “tròn bổn phận một người con dâu”. Vậy là bỗng nhiên cô bị làm dâu, dù không sống nhờ nhà chồng. Thanh bất ngờ, bởi chuyện lớn vậy mà họ không hề hỏi ý kiến của cô. Lúc thì họ bảo Thanh là người ngoài, khi thì bắt làm tròn trách nhiệm con dâu, cô điên tiết nhưng vì thương ba chồng mất chỉ mới vài năm nên đành nhịn, hằng ngày nhang khói cho ông ấm áp cũng là chuyện tốt.

Lựa lúc chồng vui, cô nhỏ nhẹ: “Chuyện nhà anh thì em không bàn nhưng sau này những gì liên quan đến gia đình mình như việc đưa má và bàn thờ ba về đây, anh nên bàn trước với em”. Thanh không biết chồng có nói gì với những người ở nhà anh không, nhưng mọi thứ chẳng có gì thay đổi.

Tết vừa rồi, gia đình anh chồng gồm bốn người từ Sài Gòn về quê ăn tết, cứ thế xách va-li đến thẳng nhà Thanh ở mà không nói với vợ chồng cô một lời. Một lần nữa Thanh rơi vào thế khó, cận tết mà mời ra ngoài họ biết ở đâu, đành nhịn để yên nhà yên cửa những ngày đầu năm. Nhưng thói đời được đằng chân lân đằng đầu, sự việc này vừa mới lập lại ở dịp giỗ cha chồng.

Đâu chỉ ở mà không gây phiền hà, mới vừa cúng kính xong, vợ chồng họ vì một chuyện cỏn con mà cãi kình om sòm trong nhà Thanh. Con cái họ thường xuyên la hét nhặng xị cả lên và vứt đồ đạc lung tung. Đến nước này cô không nhịn được nữa nên đề nghị họ bình tĩnh, giữ yên lặng trong nhà.

Sẵn dịp đông đủ, Thanh mời cả nhà chồng họp lại, yêu cầu từ nay nếu họ muốn làm gì liên quan đến gia đình cô đều phải hỏi ý kiến. Cô có thể chăm sóc mẹ chồng nhưng không hỏi trước mà dọn đồ vào ở như vậy khiến cô cảm thấy vợ chồng mình không được tôn trọng. Cô sẵn sàng mời gia đình người anh về  nhà mình ở mỗi dịp về quê nhưng không thích kiểu họ ngang nhiên dọn đến mà không một lời hỏi xem vợ chồng cô có cảm thấy phiền hay không.

Nghe cô nói, họ bảo cô nhỏ nhặt, khó chịu. Cô chấp nhận mọi lời phán xét, miễn gia đình mình được yên. Cô không hiểu vì sao họ chẳng bao giờ coi mình như người trong gia đình mà luôn bắt cô phải đối đãi bằng tấm lòng quảng đại. Họ không dành cho cô sự tôn trọng tối thiểu nhưng lại bắt cô phải hết sức lịch thiệp với họ. Bây giờ thì Thanh mặc kệ. Nhà chồng có quyền xem cô là bất cứ thứ gì họ muốn, chỉ cần họ đừng tự tiện dọn đồ vào nhà cô ở, đừng xem căn nhà của gia đình cô đang ở như là nhà từ đường hương hoả của ông bà họ để lại.

Thanh mặc kệ luôn ông chồng hiền lành đến mức bạc nhược, để những người trong nhà muốn làm gì thì làm dù biết anh rất khó xử khi phải đứng ở giữa vợ và những người ruột thịt của mình.

Theo phụ nữ TPHCM