Ngày hôm nay ba chứng kiến nhiều cặp vợ chồng chia tay quá, nhiều hơn hẳn ngày hôm qua, mặc dù kinh tế gia đình dư giả, không còn bị ám ảnh về sự khốn khó thiếu thốn của thời bao cấp như 30 năm trước.

Trong những số phận không bình yên đó lại có con gái của ba mẹ. Thật buồn.

Tốt nghiệp đại học năm 2006 con muốn vào làm việc ở một ngành đang “hot” là ngân hàng. Ba mẹ đồng ý và chỉ lưu tâm rằng nếu con học trường tài chính ngân hàng thì sẽ thuận lợi hơn. Không sao, con sẽ học tiếp trong thực tiễn, miễn là mình xin được việc làm theo ý muốn. Làm việc cũng cần có niềm vui mà trước hết là thực hiện được ý định.

Ước muốn của con thành hiện thực, vậy là con đã có công ăn việc làm ở một ngân hàng nước ngoài.

IMG_0498

Cha theo sát từng bước đi của con

Một chiều đông thứ bảy năm 2007, con xin phép ngồi thưa chuyện với ba. Cùng ngồi với con là người bạn trai, học trò đã theo học ba được 7 năm.

Vấn đề rất nghiêm túc, các con xin phép tổ chức đám cưới. Con giữ mối tình của mình quá kín đáo, chưa hề có lời chính thức để ba mẹ biết. Mỗi thanh niên muốn đến với một gia đình, nhất là gia đình như nhà 99 cần có bước đệm của thời gian để hiểu biết và xây dựng sự thiện cảm với gia đình, họ hàng. Có như vậy cuộc sống sau hôn nhân mới được mọi người hỗ trợ. Con cũng cần như thế với gia đình bạn trai.

Vậy nên, khi nghe các con trình bày ý định hôn nhân ba không chấp nhận ngay mà gia hạn thêm 1 tuần. Các con cần trả lời câu hỏi ba đặt ra: Đây có phải là người mang lại hạnh phúc cho mình không? Những điểm hạn chế trong tính cách ở con người đó là gì? Nghe có vẻ kỳ quặc và cũng ít bậc cha mẹ nói chuyện như vậy, nhưng có lẽ bây giờ con đã hiểu: Ba muốn các con lường trước những chuyện xảy ra trong cuộc sống vợ chồng để vượt qua trong tương lai.

Đến hẹn các con gặp ba và cùng khẳng định đã tìm đúng người chung sống hạnh phúc. Ba mời bố bạn trai con đến trao đổi. Thực ra hai bác đã là bạn của ba mẹ trước khi con chào đời.

Sau cái bắt tay và nụ cười giữa những người bạn, ba đi vào vấn đề: “Anh ạ, 7 năm trước khi con trai anh thi đỗ đại học, anh bỏ công tìm thầy dạy vì nó là đứa cháu trưởng của dòng họ. Đến gặp nhiều thày cuối cùng anh chọn tôi gửi gắm. Tôi đã nhận lời. Bây giờ tôi trao trả lại nó cho anh với lời nhận xét: Nó không đánh được ai vì tôi không dạy đánh người, còn ai đánh nó thì khó đấy, bên cạnh đó là sự ứng xử nhã nhặn tế nhị chứ không xô bồ cẩu thả như lứa thanh niên ngoài đời!”.

Rồi để kết thúc, ba hỏi: “Vậy bây giờ cha con anh tính “sổ” thế nào với tôi đây?”. Đây là câu hỏi vừa vui nhộn, tình cảm giữa những người cha, vừa cho chồng tương lai của con biết bổn phận cần ghi nhớ.

Ba không nhận được câu trả lời, thay vào đó là lời đề nghị rất chân thành: “Anh ạ, tôi thấy bọn nó xin cưới mừng quá, anh đồng ý đi!”.

Ba cười, sai bạn trai con lấy chai rượu thuốc để mời khách, kèm theo câu nói: “Nếu bọn nó tìm thấy hạnh phúc thì mình ủng hộ, làm cha mẹ cũng chỉ mong con cái được như vậy, anh ạ”.

Chuẩn bị cho đám cưới hai nhà nội ngoại và các chú học trò của ba đều mỗi người một tay giúp cho con những điều kiện và ưu đãi tốt nhất, con gái đầu của ba mẹ mà.

Hôn lễ của các con thật đặc biệt. Các bác và các chú từ trong Nam bay ra dự, ai cũng nhận xét đó là đám cưới hiếm có. Ba mẹ không phải quan chức, nhà mình không có nhiều tiền, vậy mà mọi người đến rất đông, có nhiều khách rủ thêm huynh đệ hoặc nghe tin kéo đến chỉ vì muốn góp vui cho hội hôn của nhà mình.

Ngoài vai chủ hôn, ông Tích, người thầy của ba, người ông thân quý của các con đã hát tặng bài “Giả cưới nàng hầu” của Nguyễn Công Trứ với giọng sang sảng theo lối cô đầu. Ba nói đùa ông là ca sỹ nhiều tuổi nhất Hà Thành lên sân khấu ở tuổi gần chín mươi.

Các ca sỹ nổi danh Minh Đức, Quang Thọ, Thanh Vinh, Quang Huy mời đến dự cưới cũng “say nghề” lên sân khấu hát tặng các con những bài hát kinh điển làm cho hai nhà dâu rể vỗ tay tán dương phấn khích, đúng là một hội hôn tưng bừng ở thành phố. Anh Hiển lấy mấy can rượu thuốc “thần tửu” ở nhà mình cho cánh “cao bồi già Hà Nội” uống say lướt khướt mà không ai muốn về nhà, rời xa không khí thân tình. Đám cưới kéo dài 5 tiếng, đến 10 giờ đêm ba lái xe đưa bố chồng con về.

Vào nhà, khi các con đã lên phòng nghỉ, ba và bố chồng con uống chén rượu cuối ngày cho riêng hai con. “Anh thấy đám cưới ta tổ chức cho tụi nhỏ có điều gì còn chưa hài lòng không?” ba hỏi, “tôi thấy mỹ mãn quá rồi”.

Toàn bộ tiền mừng bên nhà mình ba mẹ tặng hết cho vợ chồng con làm vốn sống trên chặng đường mới. Con số thì hữu hạn, chỉ vài trăm triệu và vài ngàn đô la, nhưng tấm lòng của gia đình, họ hàng, bạn bè của ba mẹ thì vô cùng. Các con sẽ không “tay trắng” như ba mẹ mà khởi đầu đã có lộc!

***

Tháng 4 năm 2009, con chịu đựng một con trở dạ kéo dài, các cụ vẫn bảo không đau gì bằng đau đẻ, cuối cùng bác sỹ sản mới ra y lệnh mổ. Cũng may thai bị tràng hoa cuốn cổ, nếu cứ cố đẻ thường thì lành ít dữ nhiều.

Con đã làm mẹ. Cũng như khi con chào đời, bé Gấu Trúc là con đầu cháu sớm của cả hai bên nội ngoại nên được yêu quý như cục vàng. Tình thông gia của hai gia đình thêm khăng khít.

20.04

Hạnh phúc của con mang lại niềm vui cho cha

Ở đời niềm vui thường chẳng tày gang. Có bé Gấu Trúc được 2 năm thì bố chồng con lâm bạo bệnh rồi ra đi ở tuổi 58. Tiễn người bạn thông gia về nơi an nghỉ cuối cùng, ba chỉ tiếc chưa thực hiện được dự kiến 2 gia đình ngồi với nhau ở khách sạn Nikko 5 sao, ba muốn thết ông một bữa hải sản Nhật cho đúng sở thích.

Các con đi đến một quyết định mới để thử sức vươn lên trong cuộc sống. Các trường đại học trong nước chỉ có thể dạy sinh viên ra trường làm việc trong môi trường hình chữ S, còn hôm nay sự giao thoa quốc tế cho phép người ta làm việc ở bất kỳ quốc gia nào nếu đủ kiến thức năng lực.

Hồ sơ của con đã được trường Penn tiếp nhận (University of Pennsylvania) kèm theo 10.000 đô la học bổng. Trường xếp hạng thứ 7 trong 10 trường đứng đầu nước Mỹ. Đây là một niềm hãnh diện vô giá, khẳng định năng lực tiếp nhận tri thức của con ở một nước hàng đầu thế giới. Nhưng ba mẹ khuyên con học tiếp cao học ở trường Ballstate nơi mà chồng con được nhận để vợ chồng sống bên nhau. Cuộc sống đôi khi cũng cần có sự hy sinh cho nhau.

Đưa em út nhập học xong, ba mẹ liền đến chỗ các con xem điều kiện ăn ở học tập cho yên lòng. Bé Gấu Trúc ở nhà với ông bà để các con có thời gian ổn định tập trung cho việc đèn sách. Năm sau con mới về đón cháu sang ở cùng bố mẹ. 2 năm trôi thật nhanh, các con đã hoàn tất chương trình cao học, chồng con xin được việc làm để chờ cấp thẻ xanh cư trú lâu dài, còn con được nhận làm tiếp chương trình Tiến sỹ ngôn ngữ mà không phải đóng tiền.

Giáo dục Mỹ cũng sòng phẳng, họ chẳng cho ai không. Con làm tiến sỹ đồng thời phải nhận dạy mấy lớp sinh viên cho trường. Ai cũng nói chương trình làm tiến sỹ ở Mỹ rất nặng phải học, đọc, viết, dự hội thảo, đăng bài trên tạp chí rất nhiều... còn dạy sinh viên thì phải soạn bài giảng cập nhật kiến thức mới, một bài luận phải góp ý để sinh viên viết đi viết lại 4 - 5 lần... Quả là khối lượng khủng khiếp cho mỗi ngày, trong từng tuần! Nhưng nếu con đi qua chặng này thì kinh nghiệm và kiến thức nghiên cứu, giảng dạy đã thu nạp được rất nhiều.

***

Giá cuộc sống đừng nghiêng ngả để con người đỡ khổ.

Con vẫn cố gắng vươn lên trong việc giảng dạy và học tập, thu xếp cho bé Gấu Trúc học hành sinh hoạt theo nề nếp, chuẩn bị sẵn đồ ăn cho chồng đủ một tuần để chồng con không phải nấu nướng. Cuối tuần, chồng về với con và Gấu Trúc sau 2 giờ lái xe, sáng thứ hai đi sớm. Chi phí sinh hoạt được chia sẻ giữa hai vợ chồng, ba mẹ đỡ đần để con khỏi bận tâm. Thế là ổn thỏa.

Nhưng rồi những “cơn gió” khác biệt về quan niệm, nhận thức và hành vi cư xử đã nổi lên. Nếu biết giải quyết những mâu thuẫn một cách triệt để thì cuộc sống không chao đảo, còn nếu cứ để tích tụ thì nhiều gió thành bão! Và những cơn bão đã ập xuống gia đình của con dồn dập.

Những bất đồng đã hiển hiện, trở thành xung đột thông qua ngôn ngữ thô tục, hành động thô bạo và những hành vi quá tầm thường. Khi ba biết được những điều này thì đã quá muộn. Tuy nhiên ba là người duy nhất trong vai thầy thuốc kê những kỳ phương để trị liệu cho số phận “hôn nhân” này. Những căn bệnh gọi là nan y ta vẫn có thể chữa được với điều kiện đừng để quá muộn và bệnh nhân cũng phải quyết tâm cùng thầy thuốc. Thể xác “hôn nhân” này gồm 2 phần âm - dương mà con chỉ là một nửa có thể nghe lời và hiểu ba, còn nửa kia thì không.

Vậy là sau hơn 10 năm cuộc hôn nhân này đã chấm dứt mà ngay từ đầu ba đã muốn các con lường trước. Người xưa bảo người tính không bằng trời tính, quả không sai!

***

Chuyện đã xong. Ba tâm sự đôi điều.

Cuộc sống gồm hai mặt Vật chất và Tinh thần. Tinh thần càng thanh thoát, hào sảng con người càng lớn hơn về nhận thức, nhìn mọi hiện tượng rõ ràng, ý chí vững vàng hơn, niềm vui càng nhiều. Vật chất là nền tảng, khi con có năng lực và phương pháp làm việc tốt, vật chất sẽ đến, cải thiện tốt hơn điều kiện sống, nó giúp cho tinh thần thăng hoa gấp bội. Biết cái tinh thần cao đẹp trong cuộc sống mà học tập, cái kết quả lao động vật chất quý giá mà trân trọng, nhưng đừng bao giờ lệ thuộc vào vật chất và tinh thần ở người khác. Hãy làm chủ.

IMG_0493

Gia đình luôn là nguồn hạnh phúc

Ở đời, người ta hay nhìn khái quát theo cách cụ thể: Nghèo - hèn (bần - tiện) và giàu - sang (phú - quý). Đây là những cung bậc giúp ta xác định hạng người. Ba vẫn nói từ bàn tay trắng bước vào đời lúc đó chưa có gì, đó là Nghèo. Nhưng ta có tự trọng, có phẩm cách tốt, nhân cách đàng hoàng thì mọi người nể trọng, đó là không Hèn. Bằng lao động chân chính, có học thức, có trí tuệ, có ý chí chúng ta ngày càng vươn lên, thành quả lao động sẽ đến. Cái sang trọng của học vấn, tri thức, tinh thần tạo ra vật chất, đồng tiền trong một cuộc sống cao quý. Vậy có thể chưa Phú nhưng phải Quý, nên khi đã Quý thì Phú sẽ theo.

Con thấy rất nhiều người lao vào cuộc mưu sinh, kiếm tiền miệt mài, sở hữu 3 - 4 ngôi nhà trong phố, cái chăm chỉ đó tốt nhưng chưa đủ. Phú là dành cho bản thân, còn Quý là được cộng đồng, xã hội thừa nhận. Người xưa có nói phải Phú ít nhất 3 đời mới có thể Quý là vậy.

Trở lại với cuộc sống gia đình, đây là một linh địa của mỗi con người. Ta phải biết sẻ chia niềm vui nỗi buồn, cùng gánh vác những gánh nặng về vật chất hay tinh thần, biết đỡ đần động viên nhau những lúc quỵ ngã, bao dung an ủi nhau những khi lỗi lầm yếu đuối. Nhìn thấy cái đẹp, điều tốt ở người bạn đời của mình mà người khác không có để ta trân trọng tự hào. Biết nhường nhịn, bỏ qua những khi nóng giận xung đột để ngồi lại khi đã điềm tĩnh, người xưa vẫn nói khi nồi cơm sôi trào thì rút bớt củi ra là vậy.

Ba mẹ nhìn thấy con gái của mình xinh xắn đáng yêu đã rất cố gắng khi về làm dâu, được bố mẹ chồng và họ hàng yêu quý. Với chồng con đã giúp đỡ hỗ trợ rất nhiều, không chỉ là người vợ mà là người bạn đích thực để chia sẻ các bước đi trong học tập nghề nghiệp, là người mẹ chăm sóc bao dung lúc xa nhà. Con đã dạy dỗ bé Gấu Trúc dần trở thành một người đàn ông chân chính. Trước khi hai mẹ con xa nhau, con đã dạy “con trai phải dũng cảm, mạnh mẽ” lúc bé Gấu Trúc mới có 4 tuổi và đến hôm nay Gấu Trúc vẫn nhắc lại nguyên vẹn khi được ông ngoại hỏi. Với xã hội dù Mỹ hay Việt Nam con luôn chủ động hòa nhập và trở thành một điểm sáng hấp dẫn trong học thuật và ứng xử. Tố chất “đại ca” đó con thừa hưởng từ ông bà nội và ba mẹ. Đối với một người con gái, một phụ nữ khó có thể đòi hỏi hơn những gì con đã có.

Ngồi viết những dòng này, ba biết con đang trải qua những nỗi đau của chuyện “hậu ly dị”. Đó là những dư chấn tất yếu mà tất cả những người sống có trách nhiệm, đủ bổn phận phải chịu đựng trước cái ngớ ngẩn của cuộc đời.

Với ý chí, nghị lực và bản lĩnh của mình con sẽ vượt qua sự đau khổ. Bằng tư duy trong trẻo, hiểu biết thiện tâm, nhân cách bao dung luôn nhìn thấy cái đẹp con sẽ tìm thấy cái mình cần ở phía trước. Còn khi nào thấy mệt mỏi buồn chán hãy tìm về ba mẹ, chỗ dựa tin cậy đầy bản lĩnh và trí tuệ của các con. Con hãy “dũng cảm, mạnh mẽ” như lời dạy bé Gấu Trúc, con gái yêu của ba mẹ.

Theo giadinhonline.vn