Tọa đàm do CLB Ban Chấp hành YBA các thời kỳ (Hội Doanh nhân trẻ TPHCM) phối hợp cùng Doanh nghiệp xã hội An (An Space) tổ chức tối 13/7.

Tham dự tọa đàm còn có TS. Lý Thị Mai, ông Nguyễn Phương Nam (Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Robot) và ông Đặng Trọng Ngôn (Chủ tịch Tập đoàn KTG, nhà sáng lập An Space).

Tọa đàm thu hút khá đông chủ doanh nghiệp ở TPHCM tham gia.
Ông Nguyễn Phương Nam (bìa trái), TS. Lý Thị Mai và ông Đặng Trọng Ngôn chia sẻ tại tọa đàm

Sống chung nhà vẫn... xa mặt cách lòng

Đó là tình trạng chung trong gia đình các doanh nhân. Một khách mời chia sẻ, những người đứng đầu các công ty thường bận rộn trong giờ hành chính và sau giờ làm thường phải đi kết nối, giao lưu để tạo mối quan hệ. Mỗi ngày, một doanh nhân trò chuyện với vợ (chồng) và con cái tầm 30 phút. Bởi ai cũng đi sớm, về trễ nên thường không ăn sáng, ăn trưa với người thân. Thậm chí rất hiếm khi ăn tối cùng nhau. 

Trừ thời gian ngủ và sinh hoạt cá nhân, nhiều người chỉ có cơ hội gặp bạn đời và con cái trong thời gian ít ỏi vào cuối ngày. Nhưng lúc đó, người thì cầm điện thoại, người lại xem TV, người thì chơi game nên ít trò chuyện với nhau. Khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình cứ dài ra, xa mặt cách lòng vì hầu như không giao tiếp với nhau” dù sống chung nhà.

TS. Lý Thị Mai nhận định, ở những đô thị có nhịp sống gấp gáp như TPHCM, việc vợ chồng, con cái được gặp nhau 30 phút cũng đã là xa xỉ và đáng quý. Nhiều gia đình thậm chí không có đến 30 phút để giao tiếp với nhau. Rõ ràng, ai cũng biết, có nói thì người khác mới hiểu, có hiểu thì mới thương, nhưng "sống trong hoàn cảnh không nói, không nghe, không hiểu thì thương kiểu gì đây!".

Lại có trường hợp, do truyền thông sai cách, dẫn đến các cuộc giao tiếp đứt gãy, sau đó, người trong cuộc ngại giao tiếp và không khí im lặng kéo dài.

Có mặt tại tọa đàm, một nữ doanh nhân rơi nước mắt khi bộc bạch: “Tôi có hai cô con gái, vì chia tay chồng từ sớm nên việc dạy con chủ yếu do tôi lo. Ở công ty, tôi quen với cách điều hành nhanh gọn, dứt khoát và quyết liệt để công việc chạy tốt. Về nhà, tôi vô tình áp phong cách giao tiếp đó với các con. Nhớ có vài lần, tôi đi làm về trong mệt mỏi và căng thẳng, vừa nghe con gái rụt rè chia sẻ vấn đề cá nhân, tôi nói với con: “Con nghĩ như vậy là sai từ đầu rồi, nghe lời mẹ, dẹp chuyện đó đi. Chính xác vấn đề đó là phải thế này… phải thế kia… Mẹ là người có trải nghiệm nên con chỉ cần nghe mẹ là được". Sau đó, cháu ít chia sẻ với mẹ. Một thời gian sau, tôi ân hận và đau đớn khi phát hiện con bị trầm cảm, phải chữa trị”.

Các vị khách mời và chủ tọa đàm đều thừa nhận, thiếu thời gian, thiếu không gian trong giao tiếp, giao tiếp theo lối áp đặt là những vấn đề nghiêm trọng khiến việc truyền thông trong gia đình các doanh nhân bị đứt gãy, từ đó hạnh phúc lung lay.

Tạo không gian để các thành viên giao tiếp

Ông Đặng Trọng Ngôn thừa nhận, nếu các thành viên trong gia đình thoải mái sinh hoạt theo nhu cầu cá nhân thì rất dễ “vỡ”. Cá nhân ông điều hành một tập đoàn lớn, công việc căng thẳng và mệt mỏi. Sau giờ làm, thường ông sẽ ngồi với bạn bè, đối tác để hàn huyên hoặc đi chơi golf. Sau một thời gian sinh hoạt thường nhật theo sở thích cá nhân, ông thấy cần thiết lập chế độ sinh hoạt gia đình để tăng cường gắn kết.

Gia đình ông chọn ngày thứ Sáu hàng tuần để tất cả các thành viên gặp nhau. Trừ việc bất khả kháng như ma chay, hiếu hỉ, ông và vợ cùng các con không hẹn ai khác mà cùng ăn tối vào mỗi thứ Sáu.

“Con trai tôi cùng vợ chủ động gửi cháu cho ông bà ngoại khi cần, để cả hai vợ chồng về ăn tối cùng đại gia đình vào mỗi thứ Sáu. Hẹn nhau một ngày trong tuần - điều này nghe đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Bởi cứ đến thứ Sáu là có nhiều “cám dỗ” từ những lời mời mọc. Dù vậy, chúng tôi đã thực hiện được mấy năm nay”, ông Ngôn kể chuyện nhà mình.

Một vị doanh nhân là khách mời chia sẻ: “Tôi cũng rất bận nhưng nghĩ, cuối cùng thì mình nên ưu tiên điều gì nhất, nếu không phải là gia đình. Tôi có 2 con trai. Chúng tôi lập nhóm tên “Happy family”, hai vợ chồng và các con liên tục hẹn nhau trong nhóm để cùng đi ăn tối, cùng đi xem phim, cùng đi du lịch dù các con có những thú vui trẻ trung và khác bố mẹ.

Tạo được không gian ở bên nhau mới có thể truyền thông gia đình và các thành viên mới gắn kết, thấu hiểu. Tất nhiên, để duy trì được việc đó không đơn giản, mỗi thành viên phải hy sinh thói quen một chút, nghĩ về tình thân nhiều hơn để sát lại gần nhau”.

“Xem ra, trong cuộc sống hiện đại, chỉ còn bữa ăn là cơ hội tốt nhất để các thành viên trò chuyện, thấu hiểu và gắn kết với nhau” - TS. Lý Thị Mai nhận định.

Ông Nguyễn Phương Nam đồng thuận: “Lúc ngồi ăn cùng nhau là cơ hội để tôi trao đổi, dạy dỗ các con. Xưa ba tôi gặp khó khăn trong làm ăn, bất đắc chí, thường uống rượu và hầu như không dạy tôi được nhiều. Tôi nghiệm ra từ câu chuyện của ba mình và thay đổi, chủ động dạy con từng li từng tí. Từ cách “lúc ăn không gắp miếng đầu tiên, không gắp miếng cuối cùng và không gắp miếng ngon nhất” đến việc “gặp ai cũng phải chủ động chào hỏi”.

Dạy con một cách tôn trọng, ân cần chính là cách truyền thông gia đình hiệu quả. Tôi thường mượn dịp được gặp con để tranh thủ truyền đi được nhiều thông điệp, hun đúc niềm tự hào gia đình. Tôi biết, thời nay, được gặp con, được trò chuyện với con không phải dễ, nên phải tranh thủ tối đa”.

Tăng cường “ái ngữ”

Vì cơ hội được trò chuyện không nhiều nên mỗi người cần nâng cao chất lượng khi giao tiếp cùng nhau. TS. Lý Thị Mai chia sẻ: “Truyền thông giữa các thành viên trong gia đình không chỉ bằng lời nói mà còn là cử chỉ. Các anh là chồng, luôn ngủ trước vợ vì vợ cứ lọ mọ những việc không tên rồi mới đi ngủ. Bỗng một hôm, các anh vào phòng mà thấy vợ ngủ trước thì phải nhận ra vấn đề chứ! Có thể cô ấy mệt đấy. Lúc đó, một người đàn ông tinh tế trong giao tiếp sẽ đặt tay lên trán vợ xem cô ấy có ốm không. Đó là truyền thông gia đình - truyền thông điệp yêu thương, sẻ chia, quan tâm”.

Ông Đặng Trọng Ngôn chia sẻ: “Để tăng cường kết nối và thấu hiểu nhau, tôi và bà xã giao ước mỗi tháng người này được yêu cầu người kia thực hiện cho mình một điều khiến mình hạnh phúc. Có hôm, bà xã yêu cầu tôi khen cô ấy 3 lần trong ngày. Tôi khá ngượng nhưng cố gắng làm. Làm xong thấy đáng yêu và vui lắm. Bằng cách này, vợ chồng tôi gắn kết hơn hẳn”.

Ông Ngôn cũng cho rằng, thời nay, không dễ để trò chuyện với con. Thường thì khi đi làm về, người bố sẽ hỏi: “Con hôm nay thế nào nhỉ?”. Đứa con hờ hững trả lời rằng “dạ con bình thường” sau đó lủi thẳng vào phòng riêng. Vì vậy, để tạo cuộc trò chuyện với con, cha mẹ cần tạo ra một cái cớ hoặc một câu chuyện có liên quan đến vấn đề con quan tâm, tránh đặt câu hỏi chung chung.

TS. Lý Thị Mai khuyên: “Tôi tư vấn cho rất nhiều đôi vợ chồng, thấy vấn đề trầm trọng nhất vẫn là thiếu giao tiếp. Giao tiếp là nhìn thấy nhau, chạm nhau về mặt tinh thần, chạm vào thao thức, khát khao của nhau. Vậy tại sao mỗi người không tăng cường “ái ngữ”, tại sao không nói những lời ngọt ngào với nhau, ôm nhau, nắm tay nhau khi ngủ? Nếu không tiếp xúc, không chạm, không khen ngợi nhau thì tình cảm ban đầu có lớn đến mấy cũng có sớm nguội lạnh”.

Chính TS. Mai cũng là người dùng “ái ngữ” với chồng rất nhiều. Bà kể, cả hai vợ chồng đều đi làm mỗi ngày dù đã lớn tuổi. Đến trưa, bà thường hỏi chồng một cách tình cảm: “Sáng giờ anh thế nào? Có gì vui kể em nghe với”.

Buổi tối, đi làm về trễ, bà thường được tặng một bó hoa, bà đem tặng lại bó hoa đó cho chồng và nói “em cảm ơn anh vì đã đợi em về trễ”. Chỉ đơn giản vậy thôi mà vợ chồng bà luôn gắn kết.

Theo phunuonline.com.vn