Ngày ấy, anh đang ở với gia đình tôi, chuẩn bị hết hè là đi học thì má anh về dẫn đi. Hoàn cảnh thế nào mà anh không được đi học. Đã vậy lúc nhỏ, do một lần anh chạy theo chiếc xe bò, một tay bị cuốn vào bánh xe, thành tật. Lâu lâu má anh cho anh về nhà tôi 1 lần.

Anh ở với má và ba dượng anh tại một ngôi làng dưới chân núi. Xa khu dân cư, xa trường học, điều kiện sống thiếu thốn vô cùng. Từ nhỏ anh đã theo ba dượng đi rừng, làm mướn. Rồi má anh sinh em, anh một tay bị tật, một tay bế em phụ má. 

leftcenterrightdel
 Tác giả (bìa trái trên cùng) cùng em trai và em gái mình, thường trò truyện với anh Phi (ảnh dưới), người anh không cùng huyết thống nhưng thân như ruột thịt

Ở trên núi, chỗ anh ở có một ngôi chùa. Khách thập phương và dân trong vùng đến vào ngày rằm lớn rất đông. Những lần đi chùa, tôi lại gặp anh đang giữ xe cho khách. Rồi ai nhờ cõng, khuân vác gì lên chùa anh cũng làm. Mỗi lần gặp anh lại hỏi thăm sức khỏe ba anh và má tôi, rồi bảo tôi và đám bạn để xe đó anh giữ cho. Đám bạn tôi vui vẻ, hí hửng vì không phải mất tiền gửi xe.

Khi tôi học cấp III thì hay tin má anh bệnh mất. Ba dượng anh vì buồn khổ mà rượu chè nhiều hơn. Anh lại vất vả hơn vì 2 em còn quá nhỏ. Ai mướn gì anh cũng làm. Đi rừng, phụ hồ, bốc vác... Năm tôi đang học đại học ở thành phố thì anh cũng vào phụ việc cho người quen. Anh không biết chữ mà đi giao hoa kiểng tận nhà cho khách. Miễn có người dẫn anh đi một lần là hang cùng ngõ hẻm nào anh cũng giao được.

Đi trên đường, anh hay để ý mấy ký hiệu, đặc điểm nhận dạng dễ nhớ của con đường đó, rồi lần sau anh đi. Anh nhiệt tình bê đỡ vào tận nơi khi giao hoa cho người già hoặc khi khách yêu cầu nên khách hàng yêu thương, quý mến anh. Có khách nhờ bê chậu cây lên tới sân thượng, anh vẫn vui vẻ làm.

Mỗi lần gặp tôi, biết tôi đi học mà còn đi làm thêm để có tiền trang trải; móc trong túi được vài chục ngàn đồng anh cũng cho tôi, bảo tôi cố gắng mà học cho thành tài, chớ mù chữ như anh thiệt thòi lắm. Anh đi làm xa, cũng mong muốn 2 đứa em ở quê được đi học, biết chữ như người ta.

Rồi ba dượng anh cũng mất. Gánh nặng trách nhiệm trên vai anh lại nặng thêm. Người thân, ai cũng khổ, không ai giúp gì được cho anh ngoài lời động viên anh cố gắng.

Tôi luôn xem anh như người anh cả - người anh không may mắn được ăn học như tôi. Tôi có học hành, có kiến thức, vậy mà lập gia đình, mưu sinh còn vất vả. Còn anh, một chữ bẻ đôi không biết thì cuộc sống của anh còn cực khổ biết chừng nào. Anh hiền lành, sống lương thiện, lao động chân chính để mưu sinh. Tôi luôn thầm mong anh có được mái ấm hạnh phúc.

Trời không phụ lòng ai, người tốt như anh rồi cũng gặp người hiền. Chị dâu vốn lỡ 1 đời chồng, có 1 đứa con riêng. Chị thương anh và anh cũng thương chị. Người ta bảo: “Mày trai tân mà lại đi lấy gái lỡ thì”, anh đáp: “Miễn người ta thật lòng thương mình là được”.

Giờ đây, anh đã có mái ấm cho riêng mình. Chị dâu sanh thêm 2 đứa con, dễ thương, ngoan ngoãn. Mấy cháu gọi má tôi bằng bà nội, theo dìu đỡ má tôi lên chùa. Mỗi lần gọi điện hỏi thăm, mấy cháu lại ríu rít bi bô đánh vần bên cạnh. 

Anh hỏi thăm cuộc sống gia đình tôi, hỏi thăm sức khỏe 2 cháu, rằng “Mùa này anh thất nghiệp nên đi làm phụ hồ thêm, có tiền nuôi mấy đứa cháu mày đi học. Vài bữa giỗ má anh, anh về. Rồi ghé thăm ba má (ba anh và má tôi) luôn. Chừng nào em và mấy cháu về thì ghé nhà anh chơi”. Trùng hợp là quê chị dâu cũng là quê chồng tôi nên mỗi khi về quê chồng, tôi lại ghé thăm nhà anh chị và mấy cháu.

Đi rừng có ít măng khô hay mùa trái say chín rộ, lúc nào anh cũng dành phần cho tôi. Anh cả của tôi, hơi cục mịch nhưng hiền lành, chân thành và tốt bụng. Cảm ơn anh, người anh không cùng huyết thống, nhưng yêu thương em như em ruột. 

Theo phụ nữ TPHCM