Hồi ấy quê tôi còn chưa có nước máy, dân trong làng sử dụng nước sông để tắm giặt, nấu nướng. Làng tôi gần đầu nguồn nên dòng nước lúc nào cũng trong vắt, ngọt lịm. Mỗi nhà đều “sắm” cho mình một bến nước phía trước nhà.

Vào mùa mưa, sau một đêm thức giấc, đôi khi tôi ngỡ ngàng vì con sông trước mặt đã lặng thầm thay áo mới. Dòng nước vốn trong xanh trở nên vàng đục. 

Đám trẻ con thì ngạc nhiên vì mấy hôm ấy trời đâu có mưa. Người già chỉ tay về phía núi xa xa bảo do mưa rừng. Nước đầu nguồn đã đổ. Lu nước nhà ai còn chưa kịp trữ đầy, phải nhanh chóng quẩy thùng đi gánh nước giếng.


                                                                         Những ngày trời mưa lâm thâm, mẹ nhìn sông, nhìn trời rồi thở dài, lu nước sau hè đã cạn, đi gánh nước giếng thôi- Ảnh minh họa

Cả làng tôi hồi đó chỉ có duy nhất cái giếng đất ở mé đầu làng, ngay chỗ khe nước nhỏ xíu vắt ngang sân bóng của thôn. Mẹ tôi kể, cái giếng ấy lúc đầu chỉ là vụng nước nhỏ nằm cạnh khe nước chảy từ ruộng ra bờ sông. Người làng thấy nhiều mạch nước ngầm mới nạo vét thành cái giếng. 

Giếng làng được quây bằng đất sét, chỉ cao hơn mặt đất chưa đến gang tay, nước lúc nào cũng lấp xấp trên mặt giếng, trong xanh thấy cả đáy. Mẹ tôi nói, đó là do những viên đá cuội đen nhánh đủ hình thù được người làng nhặt từ khe suối trên rừng mang về đổ vào lòng giếng. 

Những trưa hè oi ả, người đi làm đồng về thường ghé ngang qua giếng làng, ngồi nghỉ chân dưới gốc cây vối cổ thụ. Múc gàu nước giếng mát lạnh, vốc nước lên gương mặt cháy nắng, bao nhiêu oi ả ngày hè tan biến hết.

Nếu chậm rãi uống ngụm nước giếng, cái vị thanh mát nhanh chóng xoa dịu khoang miệng khô, rồi từ từ thấm qua từng thớ da thịt, xoa dịu những nhọc nhằn.

Vào mùa mưa, nước nguồn đục, cái giếng đầu làng trở nên nhộn nhịp. Những chiếc áo mưa xanh đỏ, tựa như mấy chú bướm sặc sỡ chao liệng quanh bờ giếng. 

Những ngày trời mưa lâm thâm, mẹ nhìn sông, nhìn trời rồi thở dài, lu nước sau hè đã cạn, đi gánh nước giếng thôi.

Sáng sớm, gió lành lạnh, mẹ kéo cao cổ chiếc áo len rồi gánh hai chiếc thùng đi về phía đầu làng. Con đường làng ngày mưa trơn trợt. Đôi bàn chân gầy của mẹ bấm sâu vào đất bùn. Một tay đặt trên chiếc đòn gánh cong cong để giữ thăng bằng, một tay đánh nhịp. Hai thùng nước đầy lắc lư theo nhịp chân của mẹ…

Giếng làng đến giờ vẫn còn nguyên. Cây vối già vẫn nghiêng nghiêng. Người trong làng thỉnh thoảng vẫn đến đầu làng hái một nắm lá vối về nấu nước uống thay trà, nhưng chẳng còn ai đi gánh nước.

Mỗi khi ngang qua đầu làng, tôi chợt thấy nhớ tiếng kĩu kịt gánh nước đường xa của mẹ. Nhớ bước chân loạng choạng của bà trên con đường phủ đầy mưa bay, bỗng thấy thương một thời xa ngái.

Theo phunuonline.com.vn