Trước năm 1975, trong trí nhớ của tôi, dân Sài Gòn một số gia đình khá giả đã biết xài nồi cơm điện chính hiệu Nhật Bản National, nấu thức ăn bằng lò gas. Những gia đình thu nhập trung bình xài lò dầu.

Khi gas không còn, xăng dầu khan hiếm, than nấu khá đắt so với thu nhập của một gia đình, người ta bắt đầu nấu ăn 
bằng củi.

Ở quê, người ta có chái bếp, tức nơi nấu củi tha hồ cho khói bay lên cao. Khói màu lam thật lãng mạn buổi chiều quê. Với dân Sài Gòn, nhà cửa san sát, mỗi lần đun củi nấu cơm khói bay đầy nhà chẳng lãng mạn nổi.

Khói tạo bồ hóng, mạng nhện và làm đen tường nhà quét vôi trắng sang trọng. Khói cũng đóng làm đen những chiếc nồi nhôm trắng sáng. 

Ảnh minh hoạ

Gia đình tôi khi ấy đem bán ve chai cái lò gas, bình gas và mua một lò củi về nấu. Khổ nỗi củi dài thường rớt xuống sàn. Sàn bằng gạch chỉ sợ nồi cơm hay nồi canh, nồi cá kho chín dở vì củi rơi mất.

Thế là một ngày chị Hai tôi đi chợ mang về một chiếc cà ràng. Miệng lò rộng và kéo dài phía trước, có thể an tâm củi không rớt xuống sàn, hơi nóng tỏa ra dù từ bên ngoài cũng có thể làm nóng món ăn bên trong nồi.

Người Sài Gòn vốn quen với những bộ nồi nhôm trắng tinh, nay đóng đầy lọ nồi thật khó chịu. Đồ chùi xoong khá mắc so với thu nhập của một gia đình mà mọi người đều không có việc làm ổn định.

Tôi dùng miếng giẻ nhỏ, đổ tro củi ra và chùi những chiếc nồi sau khi nấu xong, chùi đến rã rời cả tay. Người ta nói chùi riết nhôm xoong sẽ mỏng đi. Thế là chị Hai lại đi mua cái vỉ, có nơi còn gọi là cái nòng, để bảo vệ thành nồi. 

Đít nồi đen, ăn cơm dễ làm dơ bàn ăn hoặc sàn nhà. Thường người ta lót báo. Báo thời bao cấp cũng là hàng xa xỉ phẩm của dân lao động. Lần nữa chị Hai tìm mua cái rế lót nồi.

Trong bữa cơm, thường có hai cái rế cho nồi cơm và nồi canh. Muốn mua rế người ta thường vào hợp tác xã. Tôi nhớ rế tròn, ở giữa có lỗ tròn để móc vào từng xâu treo bán.

Khi nhà nấu bằng củi, khói bay mịt mù, phòng khách, phòng ăn đều đóng bụi bồ hóng. Nặng nhất vẫn là nhà bếp. Cái gạc-măng-giê (garde manger) gỗ sơn màu vàng nhẹ không mấy tháng đóng thành màu vàng đậm loang lổ.

Một lần đến nhà bạn chơi trong con hẻm thuộc quận 3, tôi ngạc nhiên với căn nhà có hàng chữ tổ hợp may tre sản xuất rế. Người chủ tổ hợp được mọi người gọi cái tên thân mật là Bà Ba Rế.

Theo lời nhỏ bạn kể, bà đan rế từ trước năm 1975, rồi bỏ mối cho các ghe dưới miền Tây. Sau năm 1975, nhu cầu rế tăng cao, bà dạy nghề cho những thanh niên thất nghiệp, cho các bà nội trợ nhận hàng về nhà đan gia công. Bà bỏ mối các chợ nên thu nhập của công nhân trong tổ hợp của bà rất khá.

Đất nước mở cửa, ngay cả thôn quê, đa số người dân cũng xài gas và nồi cơm điện sau khi mạng lưới điện phủ khắp toàn quốc. Những chiếc lò, cà ràng hay cái vỉ, cái rế giảm dần trong các căn bếp gia đình hôm nay. Ngay cả cái gạc-măng-giê cũng nhường chỗ cho những tủ kính sạch sẽ, sang trọng để đựng chén bát sành sứ sáng ngời.

Một lần ngang qua con hẻm thăm lại cô bạn cũ, tôi biết tin Bà Ba Rế đã xuất cảnh, tổ hợp xưa giờ là một nhà trẻ. Tôi chợt bâng khuâng buồn. Bà Ba Rế bỏ nghề, sum họp cùng con cái nơi xa. Chắc nơi bà định cư cũng không ai xài cái rế đội nồi cơm, nồi canh… 

Theo  phunuonline.com.vn