Ksor H’bLâm là nữ già làng hiếm hoi ở Tây nguyên - ẢNH: T.H

Ksor H’bLâm à? Làm được nhiều việc cho làng lắm! Người làng mình đã không nhầm khi chọn bà làm già làng. Mong già làng luôn khỏe để còn giúp làng, nói lời hay, lời phải                                        

Ông Ralan Bai, một người già trong làng Krông


Song, chuyện hiếm hoi là ở làng Krông, xã Ia Mơr, H.Chư Prông (Gia Lai), già làng chính là nữ giới - bà Ksor H’bLâm.

Chuyện làm già làng (người có uy tín cao trong cộng đồng bản địa) của bà Ksor H’bLâm cũng hết sức ngẫu nhiên, tình cờ. Số là già làng ở làng Krông ra đi trong một cơn bạo bệnh hơn 25 năm trước. Người làng tìm kế vị, nói đến ai cũng chưa vừa tai, vừa mắt. Hàng tháng trời, người già giới thiệu ai cũng nhận được sự im lặng của nhiều người. Nhìn quanh, chỉ có Ksor H’bLâm nói thì nhiều người tin. Cái “duyên” làm già làng của bà đến ngẫu nhiên, hàm chứa sự xác tín của cộng đồng vậy đó!

Biệt lệ nữ già làng

Biên giới Ia Mơr, giáp Vương quốc Campuchia, mùa này nắng bỏng rát. Mùa khô, cái nóng làm cho không khí như đặc quánh lại, khô khốc quấn vào người, vào mỗi nóc nhà, vật nuôi. Mấy con đường làng mùa mưa ngập ngụa là thế mà những ngày này hơi nóng bốc lên hầm hập. Lũ bò nơi đây chống chịu giỏi với khí hậu khó chịu đó, nhưng chỉ tầm trưa là vội chen nhau tới bóng mát. Thi thoảng nổi lên một cơn gió, bụi cuốn mù mịt. Cả một dải dài biên giới nắng nóng như đổ lửa.

Chúng tôi tìm tới nhà Ksor H’bLâm lúc trời đã đứng bóng, sau khi vượt cung đường hơn 100 km từ phố thị Pleiku. Bà nói rằng mới đi loanh quanh mấy nhà trong xã, dặn đi bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cho đầy đủ, chớ quên! Ở tuổi 76, bà vẫn hoạt bát, đi lại nhanh nhẹn và khá dí dỏm: “Không đi được nhiều như ngày trước nữa. Mấy bệnh người già làm khổ mình quá, hễ trở trời là đau nhức, khó chịu. Vậy mà chuyện làng cũng phải biết để còn có gì nói với tụi nhỏ. Ngày trước mà có ai thương thì giờ có người bóp chân, bóp tay cho lúc trở bệnh rồi”.

Bà Ksor H’bLâm vẫn lặng lẽ một mình. Chuyện đời cũng tréo ngoe khi ông tơ bà nguyệt chưa kịp “ban” cho bà một bờ vai đàn ông vững chãi dù xuân sắc của bà có tiếng trong thôn bản. Với lại, đằng đẵng bao năm lo chuyện xã hội, khi nghĩ đến chuyện mình thì tóc đã điểm bạc. Vậy rồi thôi!

“Ai biết đâu, người làng cứ chỉ mình làm già làng. Họ như bàn bạc với nhau hết, mình chưa kịp từ chối thì chuyện như ấn vào tay rồi. Không làm không được! Thôi, bà con tin thì mình nhận. Cứ nghĩ chắc khó như đi đánh giặc là cùng. Ai ngờ lắm chuyện phải nghĩ, phải làm! Đêm khuya có ca đẻ khó cũng gọi. Chuyện nhà ai hục hặc cũng kêu. Mấy đứa nhỏ lười đi học, cô giáo tới nhờ giúp một tay cũng phải đi đến rẫy, đến nhà vận động. Chuyện làng, đủ cả vui buồn. Thôi, làm được gì cho làng, cho bà con thì làm”, bà Ksor H’bLâm chia sẻ.

Ksor H’bLâm lúc trẻ

Dắt làng bước qua lời nguyền

Cộng đồng làng luôn có những chân giá trị xác tín với nhiều phong tục đậm phong vị văn hóa đặc sắc cao nguyên. Vậy nhưng cũng từ nơi ấy, nhiều lệ tục “đen” khiến không ít thân phận bao phen lao khổ. Đó cũng là khoảng tối của cộng đồng.

Ngày trước, nhiều nơi của người bản địa tồn tại tục chôn chung. Hễ có người nào mất là họ đem đến nghĩa trang chung của làng, quật nắp quan tài người đã mất trước đó lên, bỏ thi thể người mới mất xuống rồi đậy lại.

Nhiều khi quan tài đã có sẵn vài thi thể, mọi người phải hò nhau nén xuống. Già làng Ksor H’bLâm quyết tâm xóa bỏ hủ tục này bằng được. Lúc đầu, mọi người lắc đầu: “Tục ông bà rồi, sao bỏ được!”. Bà Ksor H’bLâm kể: “Mình nói mãi, nói mãi, nhẹ nặng có cả. Rồi cái phải cũng xuôi tai mọi người. Nói đơn giản vậy chớ phải cả thời gian dài làng mới nghe”.

Giờ thì không chỉ có làng Krông mà cả xã Ia Mơr cùng nhiều cộng đồng làng nơi biên giới đều không tồn tại lệ tục “đen” này nữa. Công bà Ksor H’bLâm trong chuyện này không hề nhỏ khi góp phần xóa bỏ được cả một hủ tục cố cựu bao đời.

Rồi hủ tục con chôn chung theo mẹ, ai sinh đôi phải bỏ một con cũng khiến già làng Ksor H’bLâm đau đầu. Nói quá, khéo người làng lại nghĩ: “Hay già làng H’bLâm cái bụng nó nghĩ khác rồi, không nghĩ chuyện cho làng nữa”. Vậy là phải nghĩ cách để thuyết phục mọi người.

Nhớ một tối cách đây hơn 20 năm, một người làng hớt hải đập cửa nhà bà H’bLâm: “Con H’lôt sinh rồi, được hai đứa. Người nhà đang chọn bỏ đi một đứa”. Chưa kịp ăn tối, bà H’bLâm vội bỏ chén, chạy ngay đến. Lúc này cả nhà H’lôt đang vây quanh hai mẹ con, bàn tính. Người mẹ trẻ mới sinh xong, nhợt nhạt vì yếu mệt, nằm ôm hai bé trai kháu khỉnh. Nghe mọi người đang nói chuyện phải bỏ đi một trong hai đứa con trai mới lọt lòng, nước mắt H’lôt cứ vậy chảy dài. Lệ làng mà, không dám cãi...

Gạt đám người đứng xung quanh, bà H’bLâm bước vội tới nói chuyện với sản phụ, đoạn quay ra quả quyết: “Để lại cả, không bỏ đứa nào! Yàng cho con thì cũng không bao giờ lấy con của ai cả. Ai lấy đi đứa nào thì làng phạt vạ đấy! Mình sẽ hỗ trợ giúp nó nuôi con”. Mọi người im lặng. Già làng đã “phán”, ai dám cãi. Vậy là xong! Cũng từ đấy, lệ tục “đen” này cũng chấm dứt.

Bà Ksor H’bLâm vốn là bộ đội, được đào tạo chữ nghĩa nên hiểu chuyện. Ngày trước người làng hễ có ai đau là mời thầy cúng. Khi mới “chấp chính” già làng, bà đã gạt ngay. Đau thì phải kiếm gì ngon ăn cho lại sức, phải ra trạm xá, nặng thì lên bệnh viện. Nhờ đấy, đã cứu người làng nhiều phen thập tử nhất sinh.

Ông Ralan Bai, một người già trong làng nói: “Ơ, Ksor H’bLâm à? Làm được nhiều việc cho làng lắm! Người làng mình đã không nhầm khi chọn bà làm già làng. Mong già làng luôn khỏe để còn giúp làng, nói lời hay, lời phải”.

Trụ vững nơi biên cương

Theo cách mạng từ thuở đôi mươi, trải qua bao gian khổ, hiểm nguy thời chiến, rồi khi hòa bình lập lại, bà Ksor H’bLâm về H.Chư Prông công tác. Nghỉ hưu rồi nhưng vì uy tín nên xã Ia Mơr mời bà làm thêm một thời gian nữa mới cho nghỉ. Xong việc nhà nước, bà khăng khăng về làng ở với suy nghĩ đơn giản nhưng chất chứa cả nỗi niềm: “Sinh ra ở rừng, chỉ muốn về rừng. Rồi cuối cùng gửi thân già này ở rừng thôi”.

Xã Ia Mơr có 31,5 km đường biên, giáp với tỉnh Rattarakiri (Campuchia). Nơi đây có 2 đồn biên phòng giúp giữ gìn an ninh biên giới. Bà Ksor H’bLâm cũng có công không ít trong phong trào vận động người dân không nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép, làm những việc trái pháp luật. Hễ người làng thấy điều gì khả nghi là đến tìm bà kể ngay.

“Còn nhớ tháng 1.2001 có hai đối tượng vào làng tuyên truyền trái phép. Mình nghe người dân báo đã cho người làng giữ chân chúng, rồi bí mật đi báo cho bộ đội biên phòng và công an xã bắt giữ kịp thời. Mình đã cùng chính quyền địa phương, đồn biên phòng luôn tuyên truyền vận động đồng bào yên tâm sản xuất, không nghe, không làm theo kẻ xấu”, bà Ksor H’bLâm nói.

Điều bất ngờ đối với chúng tôi là xã Ia Mơr chỉ có gần 600 hộ với gần 2.700 khẩu, phần nhiều là người Jrai, có gia sản đáng nể. Đó là đàn bò hơn 1.600 con. Với điều kiện thuận lợi về đồng đất, đàn bò của người dân tăng đều theo từng năm. Chuyện làm nhà, lo ăn ở của người dân phần nhiều cũng nhờ vào đàn bò “khủng” này. Cả 5 làng: Klă, Krông, H’nap, Khôi, Ring, cuộc sống người dân đã có nhiều khởi sắc.

Nhà già làng Ksor H’bLâm lúc nhiều nhất có đàn bò đến 30 con. Tiền bán bò, tiền lương hưu gần 6 triệu đồng/tháng bà giữ lại một phần hỗ trợ cho các cháu bà con và cho người làng mượn. Bà nói: “Nhiều nhà thiếu tiền mua phân bón, mua giống hay cần gì gấp cũng hay tới tìm mình. Món thì cho mượn, túng quá thì giúp luôn”.

Nhắc về già làng Ksor H’bLâm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơr, nói: “Già làng Ksor H’bLâm luôn đi đầu trong nhiều phong trào, góp phần giúp bà con xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự nơi biên giới. Già là điển hình trong số các già làng uy tín trong cộng đồng bản địa”.

Theo thanhnien