Cùng nổi lửa nào. A, cái trứng này to quá!

Buồn chán là tâm lý chung của trẻ em trong những ngày không được đến trường vì dịch bệnh. Trẻ dưới 10  tuổi là nhóm đối tượng dễ stress hơn vì các em chưa đủ năng lượng để kiểm soát cảm xúc, chưa biết tự điều phối và hướng mối quan tâm của mình vào các kế hoạch cá nhân với mục tiêu, hoạt động cụ thể.

Hãy cho con những ngày vui bằng tất cả sự cố gắng, bằng tấm lòng của những ông bố, bà mẹ.

Gần hai tháng giãn cách, ông bà ngoại tụi nhỏ đã gầy được vườn rau. Cái bếp củi đã ấm lại. Bọn trẻ nhà tôi đã học được cách nhóm lửa để tự chơi đồ hàng.

Giãn cách khiến mọi thứ thay đổi, cuộc sống bình thường trở nên bất thường, từ chủ động sang bị động. Thay vì than vãn, buồn tẻ, chúng tôi bày trò, cố tìm năng lượng tích cực mỗi ngày. 

Sau bốn lần thử nghiệm, các con tôi đã biết tự nhóm lửa, nấu cơm, luộc trứng

Những ngày cuối tháng Tư, khi dịch bùng phát, ngó miếng đất sau nhà ông bà ngoại còn trống, tôi bèn vác cuốc vét vài luống rau. Ông ngoại cứ lắc đầu: “Con nhỏ này cứng đầu, đã nói đất này chai lắm, rau nào lên”.

Ngó cái tướng khó nhọc vét luống của tôi, ngứa mắt, ông bà ngoại giành làm. Từ một, hai rồi ba luống rau, giờ khoảnh đất nhỏ hơn 100m2 đã xanh màu rau non. Mỗi lần nhổ rau non ra trồng, ông ngoại khoái chí cười híp mắt rồi giành tưới, bón phân.

Có hôm ăn tối xong chưa ngủ được, ông còn rủ bà ngoại ra vườn rọi đèn pin bắt ốc sên vì sợ chúng nó “xử” hết đám rau. Nhờ vườn rau mà thời gian giãn cách của ông bà ngoại và chúng tôi trở nên thú vị vì chỉ việc tưới nước, nhổ cỏ, gieo hạt… đã hết nửa ngày.

Vẫn dư thời gian, ông ngoại sửa lại cái bếp củi để bà ngoại nấu cơm cho mấy đứa em tôi đang kẹt trong khu phong tỏa. “Một hạm đội bảy người, nấu từ sáng đến chiều, nếu không có bếp củi thì tiền gas nào chịu cho nổi”, bà ngoại tính.

Cái bếp củi ngày nào cất xó nay hoạt động hết công suất, ba lần đỏ lửa mỗi ngày. Nhờ vậy cả đám tụi tôi được hít hà, ăn ké miếng cơm cháy thơm lừng, giòn rụm; được ăn con cá kho quẹt cay xè còn đượm mùi củi… mà hơn 20 năm mới có dịp thưởng thức lại hương vị này.

Khoái chí không kém có lẽ là đám nhỏ nhà tôi - năm đứa loi nhoi từ ba đến chín tuổi. Chúng tôi bày trò gì cũng chỉ được ít hôm chúng lại chán, rồi khóc lóc xin điện thoại, iPad. Tức quá, tôi lục bộ đồ chơi bằng đất sét cho tụi nhỏ nấu ăn. Mấy đứa nhỏ hả hê lắm vì được “nấu thiệt chứ không giả bộ”.

Hai, ba ngày đầu, tôi dạy chúng cách nhóm lửa, rồi kêu chúng đi tìm cây khô, tự vo gạo, luộc trứng… Sau bốn lần thử nghiệm, tụi nhỏ đã biết tự nhóm lửa. Dù vụng về, mặt lấm lem lọ nồi nhưng đứa nào cũng sung sướng, vui ra mặt.

Vậy là anh em mình sắp có bữa ăn ngon lành...

Giãn cách phòng, chống dịch là thời gian khó khăn đối với rất nhiều người. Chủ động bày trò, tìm năng lượng tích cực sẽ giúp ta quên đi thời gian. Tôi tin rằng, thời gian giãn cách không chỉ tạo cơ hội cho tay chân hoạt động; giảm mức độ sử dụng điện thoại, máy tính cho bọn trẻ mà còn giúp gắn kết tình cảm gia đình.

Nói có sách, mách có chứng, “thành tích” của gia đình tôi trong thời gian giãn cách là vườn rau, là cái bếp củi còn “thành tích” của nhà hàng xóm tôi là người chồng đã biết phụ vợ đút cơm, tắm rửa cho con. Cô bạn tôi thì nhờ gia đình quấn quýt nên có thêm đứa nữa rồi. 

Theo phunuonline