Tết từ trong tâm mới là cái tết ý nghĩa nhất - Ảnh minh họa

Năm nay, vừa qua thời khắc giao thừa, tôi gọi điện chúc tết chị Hương. Gia đình chị kinh doanh khách sạn ở thành phố biển, năm vừa qua thất bát cũng nhiều. Cứ ngỡ sẽ nghe chị than thở, ai dè chị bảo, "con Corona" đã giúp chị sống chậm, bình an, tự tại hơn.

Tuy mất mát về kinh tế, nhưng nhìn lại, chị được nhiều mặt khác. Đợt giãn cách xã hội đầu năm 2020, lần đầu tiên sau nhiều năm chị "bất đắc dĩ" dành thời gian cho bản thân. Khách sạn đóng cửa, chị từ một doanh nhân bận rộn bỗng buộc phải đối mặt với chính mình và câu hỏi: làm gì với thời gian rảnh rỗi?

Cuối cùng, chị quyết định tìm về thú vui trồng cây, chăm sóc hoa mà chị từng đam mê ngày chưa khởi sự kinh doanh. Những ngày vắng khách, không có doanh thu bỗng trở thành những ngày hạnh phúc, thong dong nhất trong cuộc đời chị. "Suýt nữa chị quên mất cảm giác sống chậm, thư thả là như thế nào" - chị hồ hởi.

Lại nhớ, tôi có cô bạn tên Phương học cùng khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Ngoại ngữ. Từ khi ra trường, Phương theo nghề phiên dịch tự do cho các sự kiện, diễn đàn với người nước ngoài. Dịch giã khiến phần lớn sự kiện, hội họp đều được tổ chức online, Phương gần như không có việc kể từ đầu năm 2020.

Vậy mà Phương kể, nhờ biến cố này mà cô có bước ngoặt trong sự nghiệp. Phương yêu thích viết lách đã lâu nhưng bận rộn với nghề phiên dịch để kiếm cơm, nên đành coi đó là một thú vui đã rơi vào quên lãng. Khi nghỉ dài hạn ở nhà, run rủi thế nào Phương biết tới một khóa học về nghề viết tự do và quyết định nộp học phí. Chỉ sau vài tháng, Phương đã có những khách hàng đầu tiên thuê cô viết nội dung trang web, đồng thời cô cũng đang ấp ủ ý tưởng cho một cuốn sách của riêng mình.

Với Phương, COVID-19 là cơ hội để tìm về với đam mê. Ngày mùng Một tết, cô đăng trên trang cá nhân: “Dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta hoàn toàn được lựa chọn cách mình đối diện với nó. Tích cực hay tiêu cực là ở mỗi người”.

Kinh tế khó khăn cũng là cơ hội để người ta thay đổi cách chi tiêu. Năm vừa rồi giảm thu nhập, nhưng gia đình tôi lại tiết kiệm được nhiều hơn những năm trước. Ngày trước kiếm nhiều tiêu nhiều, tôi mua sắm không suy nghĩ, tới nỗi có những chiếc đầm tiền triệu còn chưa mặc một lần.

Quả thực, từ khi thu nhập giảm vì dịch bệnh, vợ chồng tôi học được cách chi tiêu có kế hoạch và hiệu quả hơn. Để phòng xa, chúng tôi quyết định tiền lương hàng tháng nhận về, việc đầu tiên là gửi tiết kiệm 20%, sau đó mới phân bổ cho các khoản chi cần thiết khác. Mỗi món đồ mua thêm phải cân nhắc xem có cần thiết, hữu dụng hay không. Nhờ vậy gia đình tôi không những cải thiện tình hình tài chính mà nhà cửa cũng tối giản, thoáng đãng hơn.

Đường hoa Nguyễn Huệ chưa bao giờ thưa vắng như năm nay - Ảnh : Tam Nguyên

Câu chuyện của chị Hương, cũng như chia sẻ của Phương khiến tôi nghĩ nhiều về cách chúng ta đối diện với thực tại khó khăn. Chưa bao giờ chúng ta ăn một cái tết lạ lẫm như lúc này. Đường hoa Nguyễn Huệ vắng tanh. Bao người ở vùng dịch không thể về đoàn tụ với gia đình. Những em bé đón năm mới trong khu cách ly.

Nhiều người đón năm mới trong tâm trạng không biết điều gì sẽ đến, nghề nghiệp, học hành, tiền bạc sẽ ra sao. Thế nhưng dù trong phải đối diện với những nghịch cảnh gì, chúng ta vẫn có một cái quyền: quyền quyết định tâm thế đón nhận ngoại cảnh.

Thay vì sợ hãi và than trách, chi bằng nhìn ra những điểm tích cực của sự việc. COVID-19 là một hiện thực chúng ta buộc phải đối mặt, nhưng nó cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận và thay đổi lối sống.

Theo phunuonline