Cái xưởng may nhỏ xíu, chỉ có 10 thợ phụ nữ. Chị Hảo là thợ chính, chuyên đi truyền đạt kỹ thuật cho 9 người còn lại. Kỹ thuật thì mỗi ngày mỗi khác, tùy theo sản phẩm. Nhưng có một “kỹ thuật” mà chị Hảo truyền suốt năm này tháng nọ, chính là sự tuyệt hảo của anh Thắng - chồng chị.

Chị Hảo khen chồng không biết chán. Từ em thợ may mới vào xưởng ngày đầu cho đến người có thâm niên nhiều năm làm đồng nghiệp của chị đều biết anh Thắng là một người gia trưởng nhưng rất trách nhiệm, nóng tính nhưng… dễ thương, hơn vợ 10 tuổi nhưng “đẹp trai và trẻ măng à”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ngày trước, chị Hảo là nhân viên thu ngân cho một trung tâm giáo dục. Biết vợ có khiếu may vá, anh “định hướng” cho chị học nghề may. Theo anh, nghề may linh hoạt, khi còn trẻ thì làm được cho nhà máy, khi cần chăm sóc con cái thì có thể may tại nhà, tự do tự tại, không phụ thuộc vào thị trường lao động.

Mỗi lần kể chuyện này, chị Hảo luôn nhấn mạnh giai đoạn chị đấu tranh quyết giữ công việc thu ngân để được “quần là áo lượt đi ra với người ta”. Nhưng sự nhấn mạnh ấy cũng chỉ nhằm bồi đắp cho giây phút “chị nhận ra chồng chị sáng suốt”.

“Nhờ đi làm nghề may mà chị chăm được 3 đứa con nhỏ, chẳng bao giờ sợ mất việc, lúc bận thì lương thấp, lúc con lớn chút thì mình tập trung làm, lương cao lên, cứ vậy mà mình làm chủ đời mình”.

“Sự sáng suốt của anh Thắng” còn “thấy rõ” từ việc chốt hạ xem chị ăn tết ở đâu, lo toan giỗ quảy 2 bên thế nào, rồi ngay cả việc chị mặc gì đi dự tiệc cuối năm ở xưởng, cái hẹn nào nên đi, cái hẹn nào không cần thiết… Nói chung, tất tần tật hành vi của chị Hảo chồng đều quyết hết. Mà mỗi lần kể xong một quyết định nào đó của chồng, chị không quên nói thêm: “Ảnh tính lúc nào cũng đúng, không nghe theo thì thiệt thân”.

Kỳ lạ là, ngay cả khi “giận chồng muốn nổ não”, nói xấu chồng tan nát, chị vẫn xây dựng sự tốt đẹp sau cùng của anh Thắng. Có lần, chị chảy nước mắt nói: “Tết năm nay tôi không về thăm má được, anh Thắng nói sắp khủng hoảng kinh tế, thu nhập có thể sụt giảm nên cái gì không quá cấp thiết thì phải cắt giảm để dự trữ tiền bạc”.

Tết năm ngoái lẽ ra chị đã về thăm ba má, nhưng anh lấy lý do ông bà nội đều già yếu nên ưu tiên bên nhà anh, năm nay tới lượt bên ngoại thì anh đòi “dự trữ tiền bạc”.

Quá ấm ức, chị kể ra hàng trăm sự độc đoán của chồng và những chịu đựng, nín nhịn của mình cho hôn nhân. Nhưng ai cũng biết, khi đã trút ra hết những ấm ức và cân bằng cảm xúc trở lại, chị sẽ kết bài bằng lý lẽ muôn thuở: “Nhưng cũng may là ảnh sâu sát mọi thứ, lo cho chị từng việc nhỏ xíu nên chị chẳng phải tính toán gì”.

Có lần, cô bé 9X nghe chị Hảo khen chồng xong thì phán xanh rờn: “Em thấy anh Thắng độc đoán, gia trưởng, ích kỷ chứ sáng suốt nỗi gì. Em mà là chị thì em ly hôn từ cái ngày ảnh bắt em đi làm nghề may rồi”.

Chị Hảo tái mặt. 8 chị em còn lại cũng điếng người khi cô em thẳng tính trót giẫm lên niềm kiêu hãnh lớn lao của chị Hảo. Ai cũng muốn nói gì đó để xoa dịu tình hình. Nhưng… cô bé kia nói đúng ý mọi người quá, nên chẳng ai kịp nghĩ ra lý lẽ để cứu chữa.

Chẳng ngờ, chị Hảo đã bình tĩnh lại, nói: “Ừ, nếu muốn ly hôn thì chắc chị ly hôn một ngàn lần rồi em ạ”. Mọi người vẫn im lặng, chị nói tiếp: “Nhưng chị không muốn ly hôn. Cuộc hôn nhân này cũng có thể gọi là “hạnh phúc” ở mức độ mong muốn của chị. Người khác cần tự do theo ý mình thì chắc họ không chịu anh Thắng. Còn chị biết mình không lo liệu được mọi thứ như anh, nên chọn nghe anh; vì cuối cùng nếu có rủi ro gì về tiền bạc hay sức khỏe thì cũng là anh gánh. Hơn nữa, độc đoán chỉ là cách làm của ảnh, đó cũng là điểm yếu của ảnh, chứ cái tâm ảnh vẫn muốn tốt cho vợ con thôi”. 

Tất cả im lặng. Cô bé 9X kia vẫn chưa thôi: “Chị nói vậy em nghe được đó. Chỉ cần chị biết chị cần gì, vì sao chị chọn như vậy; chứ chị cứ nói anh Thắng tuyệt hảo hoài, em nghe chói tai”.

Chị Hảo cười ngường ngượng, nói sẽ không ca ngợi chồng nữa. Nhưng cố vớt vát: “Mà ảnh phải sao thì chị mới ca ngợi hoài vậy chứ”.

Mấy chị em lại phì cười. Ai cũng chợt thấy sự “nghiện chồng" của chị Hảo lúc này cũng dễ thương. Khó mà dán nhãn cho một cuộc hôn nhân nào đó là nên tồn tại hay nên “ly hôn quách cho xong”. Cuối cùng, hạnh phúc hay không vẫn là câu trả lời riêng tư, chỉ người trong cuộc mới biết. 

Theo phụ nữ TPHCM