Ngân, cô gái Việt có tình yêu và sự nghiệp thành công tại nước Anh - NVCC

Học Cambridge rồi kết hôn, sinh con, trong hơn 8 năm làm dâu ở nước Anh, đây không phải là lần đầu tiên mà Ngân - cô gái Việt nhận được hoa từ mẹ chồng Tây.

Lần nào tới thăm nhà vợ chồng con trai, bất kể ngày thường hay ngày lễ, bà cũng mang một bó hoa tươi tới tặng con dâu. Bố chồng, ngoài việc sẵn sàng làm những món bánh thơm ngon cho cả nhà, ông luôn vào bếp giúp con dâu rửa chén bát hay nấu nướng, chơi với cháu. Sự nghiệp thành công, tổ ấm hạnh phúc, cô gái Việt có bí quyết gì?

Cô gái Big4

Nguyễn Thị Thu Ngân (32 tuổi), quê Hải Phòng, tới Anh từ năm 17 tuổi khi nhận học bổng 50% tại trường Bellerbys College tại thành phố Cambridge. Học sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô nhận thêm học bổng bán phần vào Cambridge cho khóa ĐH và thạc sĩ.

Tốt nghiệp thạc sĩ, cô được học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ 3-4 năm chuyên ngành nghiên cứu kinh tế, tuy nhiên, thời điểm đó cô quyết định chuyển lên London bắt đầu công việc trong ngành tài chính tại PwC, một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (Big4). Tính tới thời điểm này, cô đã chuyển việc được ba lần, và hiện làm ở bộ phận tài chính một cơ quan thuộc Chính phủ Anh.

Cô gái Việt làm việc tại Big4 - ẢNH NVCC

Ngân gặp Simon, chồng cô, khi mới chuyển đến London đi làm, hai người gặp nhau tại nhà thờ ngay trong trung tâm tài chính của London. Hơn một tháng hẹn hò, Simon đã cầu hôn Ngân. Và đám cưới của họ diễn ra 5 tháng sau đó (lúc này cô có tên Ngân Jones, theo họ của chồng). Tới nay, cuộc hôn nhân của họ đã trải qua hơn 8 năm hạnh phúc, tổ ấm ngày càng nhiều tiếng cười hơn cùng với cô con gái nhỏ đã 5 tuổi.

Ngân cho hay chồng cô rất tuyệt vời. Anh chăm lo cho từng cái ăn, cái ngủ, cái mặc của con, rất tâm lý dạy dỗ cho con học và dành thời gian chơi với con.

“Một lần, sau một ngày vác ba lô đi khắp chốn đồng quê Anh Quốc mệt nhừ, về tới phòng khách sạn, điều duy nhất tôi muốn làm là ngồi trên giường thả mình vào trong những dòng chữ, vào trong thế giới riêng. Còn chồng tôi, sau một hồi lục đục mang vác hành lý, liền bắc ghế ngay trước cửa… nhà vệ sinh ngồi đọc sách. Từ trong nhà vệ sinh, tiếng đứa con nhỏ đang nghịch nước líu lo ríu rít liên hồi”, cô gái Việt kể lại một trong những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình.

Chồng Ngân rất tâm lý, thường dành nhiều thời gian chơi cùng con, dạy con học... - ẢNH NVCC

Gia đình hạnh phúc của Ngân Jones - ẢNH NVCC

Hay mới đây nhất, khi mà Ngân nói về tuổi 32 của mình, chồng Ngân nói về 5 mục tiêu anh đang theo đuổi, mục thứ 5 là dạy dỗ con gái như tưới một cái cây và mục thứ 4 là “trưởng thành cùng em”. Ngân ngạc nhiên, “anh muốn trưởng thành về mặt gì cùng em?”. Chàng Tây Simon đáp: “Tất cả mọi thứ. Anh muốn dành thời gian nhiều hơn với em. Anh cảm thấy dù mình đang làm việc cùng ở nhà, nhưng cả hai đều bận rộn với công việc, cảm thấy không dành đủ thời gian với nhau”.

Ngân cho hay, ở nước Anh, cô luôn thấy ấm áp vì bố mẹ chồng yêu thương mình như bố mẹ đẻ. Ở cách vợ chồng con trai 2 tiếng rưỡi lái xe, ông bà thi thoảng xuống thăm con cháu và lần nào cũng mua hoa tươi, bánh tự làm xuống tặng con dâu. Những lần vợ chồng Ngân tới nhà chơi, bà vào bếp nấu nướng, Ngân phụ bà làm, ông chơi với cháu hoặc có khi ông cũng chạy vào rửa chén bát, lau bát cùng con dâu để mọi người cùng nói chuyện với nhau nhiều hơn.

"Tôi phải học ở Cambridge”

Ngân chia sẻ, ngay từ khi ở Việt Nam, cô đã tự nhủ phải đi du học Cambridge và từ đó luôn nỗ lực cho giấc mơ này. “Cambridge là mối tình đầu của tôi từ cái ngày đẹp trời khi được nghe hai bác ngồi quán nước nói chuyện về ngôi trường hàng đầu thế giới sản sinh ra những cuốn từ điển xinh đẹp thơm tho”, Ngân kể.

Ngân đã có 15 năm sống và làm việc tại Anh - ẢNH NVCC

Ngân cho biết, cô đi qua nhiều bỡ ngỡ khi mới sang Anh mà điều sốc nhất là “nhận ra sự thật phũ phàng về khả năng nói tiếng Anh dở tệ của mình”. IELTS 5.5 nhưng khi mới sang Anh, người ta nói chuyện Ngân không hiểu, Ngân nói người ta cũng nhíu mày nhăn mặt. “Yellow” - màu vàng, tôi cứ nói nghe như “jellow”. Âm ngắn âm dài của tiếng Anh (ví dụ sheep hay ship), tôi không phân biệt được. May mắn, tôi ở cùng với gia đình bản địa rất tốt bụng và thân thiện, được họ hướng dẫn sửa cho cách phát âm rất nhiều”, cô kể lại.

Cô gái Việt cũng cho hay thực tế khi mới chuyển sang một quốc gia khác để học tập và làm việc, không phải dễ dàng để hòa nhập ngay được. Trên thực tế phần lớn các bạn trẻ đi du học trong một vài năm đầu thường rơi vào trạng thái tâm lý không biết mình thuộc về đâu.

Kinh nghiệm của Ngân - cô gái Việt tự lập ở nước Anh từ năm 17 tuổi - là người trẻ muốn đi khám phá sinh sống, học tập và lập nghiệp ở vùng đất mới cần chịu khó trau dồi tiếng Anh, chủ động bắt chuyện, xây dựng các mối quan hệ, tìm kiếm những hoạt động hay cơ hội để giao lưu với người khác. Và đặc biệt, không chạnh lòng hay bỏ cuộc nếu không nhận được phản hồi tích cực từ đối phương.

Từ quyết tâm học ở Cambridge, Ngân đã có sự nghiệp và gia đình hạnh phúc tại Anh - ẢNH NVCC

“Nhiều khi nói chuyện trong nhóm, khi ở trường chẳng hạn, bạn thấy người nói không nhìn vào mắt mình như thể mình không tồn tại. Bạn đừng buồn lòng vì chuyện đó vì có thể họ chưa học cách giao tiếp với những người từ văn hóa khác như thế nào, chứ không phải vì họ không thích mình", Ngân chia sẻ.

“Dấu yêu Cambridge” của cô nàng kiểm toán         

Học kinh tế, bây giờ làm trong ngành kế toán kiểm toán cũng tràn ngập những con số, Ngân chưa bao giờ nghĩ tới chuyện mình sẽ viết một cuốn sách của riêng mình. Nhưng mọi thứ thay đổi từ năm 2015, khi cô sinh em bé và nghỉ thai sản 2 năm, cô bắt đầu viết lách. Từ blog “Chuyện của Ngân” ghi lại những trưởng thành của mẹ và con, Ngân càng yêu thích viết hơn. Nhận được những bình luận cảm ơn vì những điều tích cực, cô hiểu ra rằng viết lách không chỉ giúp mỗi người khám phá bản thân mình mà còn mang những điều tốt đẹp cho người khác.

Từ viết blog, Ngân chuyển sang viết truyện. "Dấu yêu Cambridge" là cuốn sách đầu tiên Ngân Jones mới ra mắt (NXB Kim Đồng). Cô cho hay, phần lớn các nhân vật bạn bè thầy cô trong truyện đều dựa trên những người bạn, người thầy. Khó khăn mà nhân vật đi qua cũng là những khó khăn cô trải nghiệm. “Dù là một câu chuyện hạnh phúc, tôi không hề “quá tay” biến tấu để biến nó thành một câu chuyện màu hồng không thật. “Dấu yêu Cambridge” là một Cambridge rất trọn vẹn trong ký ức thời thanh xuân của tôi”, cô gái Việt bộc bạch.

Theo thanhnien