Đầu tháng 4, các đại học Mỹ nhận được lượng hồ sơ tăng đột biến. Đại học Harvard nhận được 57.435 hồ sơ của học sinh khắp thế giới nhưng chỉ nhận 1.968 người, tương đương 3,4%. Con số này khiến Harvard trở thành trường khó vào nhất trong nhóm Ivy League năm nay.

Hai năm trước, tỷ lệ chấp nhận 4,6% được coi là mức thấp nhất của Harvard nhưng đã bị tỷ lệ năm nay soán ngôi. Trong khi đó, lượng hồ sơ trường nhận được tăng tới 43% so với năm ngoái.

                     Anhr: Shutterstock

Đại học Columbia ở New York là trường khó vào thứ hai trong nhóm Ivy League. Trường nhận được 60.551 hồ sơ ứng tuyển, nhưng chỉ 2.218 người được nhận, tương đương 3,7%, giảm gần 3% so với năm trước.

Cùng nhận 4% ứng viên, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Princeton lần lượt giảm 3,3% và 1,6% so với tỷ lệ chấp nhận của năm ngoái.

Trong mùa tuyển sinh năm nay, Đại học Yale chỉ nhận 2.169 ứng viên, tương ứng 4,6% trong tổng 46.905 hồ sơ. Số người nộp vào trường tăng 33% so với mùa tuyển sinh 2019-2020. Vào năm trước khi Covid-19 xảy ra, trường Yale nhận 6,5% tổng số ứng viên.

Tại các trường khác, tỷ lệ trúng tuyển lần lượt là 5,7% (Đại học Pennsylvania), 6,2% (Đại học Dartmouth).

Ngoài các trường Ivy League, một số đại học top đầu khác tại Mỹ cũng có tỷ lệ chấp nhận thấp kỷ lục. Đại học Duke (top 12 Đại học quốc gia) nhận 5,8% ứng viên, thấp hơn 2,3% so với năm ngoái.

Ông Christoph Guttentag, đại diện Hội đồng tuyển sinh Duke cho biết "10% trong tổng số sinh viên nhập học năm nay đã được nhận vào trường năm ngoái. Các em đã bảo lưu kết quả và quyết định nhập học muộn một năm. Vì vậy, chỗ trống dành cho học sinh nộp hồ sơ năm nay giảm so với mọi năm".

Với Đại học New York (top 10 Đại học quốc gia), trường nhận hơn 100.000 hồ sơ nhưng chỉ cho phép nhập học được 12,8% trong số đó. Đây cũng là mức thấp kỷ lục của trường.

Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chính khiến số lượng hồ sơ nộp vào các đại học Mỹ tăng đột biến là nhiều trường bỏ yêu cầu bắt buộc có SAT hoặc ACT. Trong thời gian Covid-19, việc tổ chức thi chuẩn hóa bị ảnh hưởng và hàng trăm đại học Mỹ, trong đó có nhiều trường danh giá, đã bỏ yêu cầu bắt buộc với hai loại chứng chỉ này. Ngoài ra, như Christoph Guttentag đã nói, tỷ lệ trúng tuyển năm nay giảm do nhiều học sinh bảo lưu kết quả từ năm ngoái.

Một hiện tượng khá đặc biệt của năm nay là lượng hồ sơ tăng vọt ở các trường tên tuổi, nhưng lại giữ nguyên hoặc giảm ở các trường ít được biết đến. Theo chia sẻ của ông Bill Conley, người sáng lập và điều hành Enrollment Intelligence Now, những đại học tên tuổi dường như được hưởng lợi từ việc tuyển sinh, có nhiều lựa chọn thí sinh trong khi các trường phía dưới đang chật vật.

Bà Trần Phương Hoa, chuyên gia 15 năm kinh nghiệm về du học Mỹ và là thành viên Hiệp hội du học đại học quốc tế, đánh giá mùa tuyển sinh cuối năm 2020, đầu 2021 là "khốc liệt" nhất bà từng chứng kiến. Việc chọn trường đóng vai trò quan trọng, một phần quyết định thành công của thí sinh. "Nếu chọn quá rủi ro ở vòng ED1/REA (các vòng nộp hồ sơ sớm) và không có nhiều lựa chọn đỗ, nhiều thí sinh tốt có thể không còn cơ hội ở RD (vòng tuyển sinh thường). Khi đó, tỷ lệ chọi tăng lên quá cao và các trường không còn nhiều chỉ tiêu, nhất là khi sinh viên quốc tế cần nhiều hồ trợ tài chính", bà Hoa nhận xét.

Nữ chuyên gia dự đoán mùa tuyển sinh 2021-2022 sắp tới cũng không dễ dàng, thí sinh nên chuẩn bị từ sớm, lên chiến lược chọn trường thông minh và xây dựng hồ sơ ấn tượng với các đại học top đầu.

Theo vnexpress