"Chân có bị làm sao không?", luôn là câu hỏi đầu tiên của chồng mỗi khi thấy cô giáo Lê Thị Hồng Thắm trở về nhà. Người vợ lại vén quần qua mắt cá chân, chỉ vào những vết tím bầm trên bắp chân - "di sản" của những lần ngã xe, va đập trên đường từ trung tâm xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát lên điểm trường Séo Phìn Than - nơi cô và một nữ đồng nghiệp nữa cắm bản.

Điểm trường mầm non - công trình khang trang nhất ở Séo Phìn Than. Ảnh: Anh Tuấn

 

"Không xa đâu, chỉ 12 km thôi, nhưng chao ơi đường đi khó đâu mà khó. Em chưa từng thấy nơi nào đường đi khó như vậy", Thắm tổng kết lại sau 11 năm đi cắm bản. Cô giáo 34 tuổi, nét người cũ kỹ, nhưng hay cười, da sạm đi sau một thập niên ăn đời ở kiếp cùng những đứa trẻ người Mông, người Dao dọc bản làng biên giới phía Bắc.

Chiếc xe máy cà tàng của cô đã đi đủ loại đường, vượt suối vào Nậm Sài, leo dốc Sa Pa... nhưng tất thảy đều "thua" đường lên Séo Phìn Than, nơi cán bộ cơ sở truyền tai nhau câu chuyện "có cô giáo lên tới nơi nản quá, chào rồi xin về xuôi luôn". Con đường dốc đá vốn dựng đứng như đi lên trời, lại thêm khúc cua tay áo.

Xã Cốc Mỳ có 17 thôn bản thì 4 thôn vùng biên giới, 537 trên tổng số 1.060 hộ thuộc diện nghèo. Séo Phìn Than là thôn xa nhất, cách trung tâm xã 17 km, chỉ có dân tộc Mông sinh sống trên những mỏm đất cao nhất vùng.

Đứng từ sân của điểm trường mầm non trung tâm, một cán bộ xã chỉ ra ngọn núi nấp trong mây phía trước mặt: "điểm trường ở kia kìa". Mấy người trong đoàn công tác từ đồng bằng cười lớn, tưởng anh nói đùa. Gần 2 giờ ngồi sau xe máy, cổ tay đỏ lựng, rã rời vì bám người ngồi trước qua những cung đường bửa đôi, ngổn ngang đá cục, đoàn công tác mới tin anh nói thật.

Ở Séo Phìn Than, trường mầm non và tiểu học được đặt ở khu đất cao nhất bản, chênh vênh ven sườn đồi. Điểm mầm non là một tổ hợp công trình, gồm phòng học, phòng ở của hai cô giáo và bếp ăn bán trú. Gian chính rộng 32 m2, vừa là lớp học, phòng ngủ bán trú và cũng là sân chơi cho 37 đứa trẻ người Mông từ 3 đến 5 tuổi.

Theo thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hồi tháng 5, mỗi điểm trường phải có khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em; mỗi nhóm, lớp có một phòng, bao gồm các phân khu chức năng: khu sinh hoạt chung để tổ chức các hoạt động học, chơi và ăn ngủ; phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật, sân chơi được lắp đặt các thiết bị và đồ chơi ngoài trời theo quy định. Đối chiếu với quy định này, Séo Phìn Than không đạt một tiêu chí nào.

Sĩ số lớp mầm non thường xuyên tăng vọt lên 42, khi nhiều anh chị địu em dưới hai tuổi đến lớp. Đến bữa ăn, cô Thắm, cô Hiền phải lấy thêm thìa thêm bát.

Các thầy cô giáo vùng cao vẫn quen "khuyến học sai nguyên tắc" như thế, chỉ để bọn trẻ đi học ổn định. Tuần trước, có bà mẹ người Mông, tay dắt díu con chị, lưng địu cậu em đang ngủ say, ra lớp gửi cô trông. Nhưng cô giáo đành lắc đầu, vì lớp đã quá tải. Dự kiến năm sau, số học sinh chính thức sẽ lên 43.

Phòng nghỉ của hai cô giáo rộng chừng 10 m2, kê một cái giường và hai cái ghế con. Buổi trưa, các cô khuân những tấm phản từ căn phòng này sang phòng học, rồi nằm một góc trông trẻ ngủ.

Kết cấu thô sơ ấy, cũng đã là một trong những nỗ lực cộng đồng lớn nhất của bản Mông này. Trưởng bản Lầu A Và nhớ dịp cuối năm 2012, những người đàn ông mạnh khỏe nhất Séo Phìn Than khi đó được giao lên rừng đẵn vầu, nứa về dựng lớp học mới cho trẻ con trong thôn. Điểm trường cũ cách chừng 1 km, chung một khu với tiểu học, vách tường bằng tre, mái lợp lá vá chằng chịt, dấu tích của những mùa bão đi qua.

Năm ấy, bão làm tốc mái lớp mầm non. Dân bản họp bàn, quyết định di dời cả hai khối mầm non lẫn tiểu học lên một khu đất mới, cao nhất, phẳng nhất trong thôn này. Lớp học dựng trong nửa năm, vẫn là bức vách toóc xi, khung vầu, chỉ có mười hai cột trụ được dựng bằng sắt.

Người đàn ông 20 năm làm trưởng bản, nói năm đó theo chương trình phổ cập, thì trường phải được xây bằng vật liệu kiên cố. Nhưng ôtô không vào nổi. Người trong bản phải chở xe máy từng bao xi măng, vần từng cột sắt lên núi.

"Mái trường vách nứa mới đã là một bước tiến lớn rồi", vị trưởng thôn vò đầu. Cả thôn có 58 hộ, thì 23 hộ nghèo. Kinh tế quanh quẩn cây lúa với ngô, không buôn bán được gì vì "đường khó đi quá". Cả bản hơn 300 dân, thu nhập bình quân đầu người chưa nổi 1 triệu đồng mỗi tháng.

Lần họp phụ huynh vào cuối tháng 9, cô Thắm nhớ những bà mẹ người Mông, ngồi cho con bú, nghe cô giáo thông báo khoản đóng góp hơn trăm nghìn. Phụ huynh gật đầu, rồi để đó, khóa cửa, đi nương. Các cô tìm đến nhà, thấy cửa đóng then cài, chặc lưỡi, rồi lại bỏ tiền lương ra đóng thế.

Nhiều hôm tối trời, thấy bóng phụ huynh dắt con về khuất sau rặng núi, cô Thắm ứa nước mắt nhớ con mình. Con gái lớp Năm, con trai lớp Hai đều gửi học dưới Cốc Mỳ. Chồng làm công nhân mỏ đồng, sáng đi tối mịt mới về. Việc học của con trông cậy vào đồng nghiệp và những cuối tuần về kiểm tra sách vở. "Con mình gửi đồng nghiệp, mình lại đi trông con cho người khác", cô giáo cười, đôi mắt ươn ướt.

Màn đêm rủ xuống khoảnh đất vùng biên, cả vùng đồi núi ắng lặng, Séo Phìn Than vẫn chưa có điện. Điện thoại có đầy bài nhạc, cô Thắm cũng không mấy khi dám mở ra nghe.

Buổi tối muộn, khi dọn xong lớp học, cơm nước xong xuôi, trở về với căn phòng giáo viên 10 m2, cô Thắm mới lần mở cái điện thoại, chạy lên khu đất cao cạnh trường tiểu học, "hứng" sóng điện thoại, gọi về nhà cho con.

"Một bao gạo, một túi rau, thịt và chiếc điện thoại sạc đầy pin" là hành trang không thể thiếu của 2 cô giáo mầm non mỗi lần tranh thủ về qua nhà. Những mùa khai giảng đến, đằng sau xe cô Thắm, cô Hiền còn có thêm ít giấy màu, mấy lá cờ Tổ quốc và đôi gói kẹo.

Những vết vá víu trên mái của ngôi trường, lâu hơn cả tuổi nghề của Thắm và những mảng tường ố quanh, không ngăn được bàn tay hai cô giáo chăm chút cho lớp học và biến nó thành ngôi nhà xinh đẹp nhất cung đường vào bản.

Những mảng toocxi đã lở, được cô Thắm, cô Hiền dùng giấy hoa dán che lại, hoặc vẽ đè lên bằng hình những cái cây, bông hoa, con gà, con vịt, con mèo. Ngoài cửa lớp, bốn chục đôi dép nhựa, ủng nhựa, đôi nào cũng bé nhỏ, lọt vừa lòng bàn tay, đôi nào cũng lấm đầy bùn đất, đánh dấu những hành trình vượt núi đến trường của bọn trẻ, được xếp thành từng hàng trên giá. Khoảng vườn trước hiên lúc nào cũng có một thứ hoa đang nở...

                                                                                     Cô Thắm và các bé trong lớp học rộng 32 m2 dựng trên những thân tre già và bùn trát vách, cũng là căn nhà duy nhất được quét vôi trong bản. Ảnh: Anh Tuấn

 

Lũ trẻ ở Cốc Mỳ, nhiều đứa lớp 2, lớp 3 vẫn chưa nói sõi tiếng Kinh, viết thạo chữ Kinh, nhưng bài hát nào cô Thắm dạy từ ngày mầm non, đều thuộc hết. Cô Thắm bảo dạy học ở đây, được cái không phải đi "dân vận" nhiều, vì đứa trẻ nào cũng thích đi học, địu thêm cả em đi cùng. Bố mẹ chúng sáng ngủ dậy, lắm khi chỉ cho ăn, chưa kịp rửa mặt, buộc tóc cho con, đã vác gùi vác cuốc lên nương đến tối mịt, phó mặc con cái cho trường.

Ở lớp, cô Thắm, cô Hiền, vì thế, sẽ vừa dạy chữ, dạy hát, vừa tranh thủ mặc lại cho chúng cái áo bị ngược, rửa tay, cắt móng sạch sẽ, chùi sạch vết mũi bám quanh má, rồi rửa mặt, mới cho ăn cơm, đi ngủ. Nhiều bữa tối mịt, phụ huynh chưa kịp đi nương về, các cô lại châm đèn dầu, vừa lúi húi thổi cơm, vừa trông 4, 5 đứa nhỏ chưa ai đến đón.

Từ ngày có điểm trường, những cặp vợ chồng ở Séo Phìn Than bớt cảnh vừa đi làm, vừa thắc thỏm bỏ con ở nhà, con trẻ ê a biết hát và biết vẫy tay, "chào cô" mỗi sáng đến lớp, ra về hay gặp cô Thắm trên đường.

11 năm trải qua ngày 20/11, chưa lần nào nhận một bó hoa, lời chúc, nhưng nhớ lại những ngày mưa lũ phải ở lại bản, bếp không một hạt gạo, bó rau, cô Thắm lại ứa nước mắt biết ơn phụ huynh. Nhà họ cũng chả có gì ăn, nhưng thi thoảng bế con đến lớp, vẫn dúi vào tay cô đôi quả trứng, bắp ngô với miếng thịt lợn của nhà, mưa gió là chạy ra trường, xem các cô cần giúp gì không. "Bọn em chỉ cần được động viên như thế, mà họ cũng chẳng có gì hơn thế", cô Thắm tâm sự.

Nhưng sau gần mười năm, Séo Phìn Than xứng đáng có thêm một bước tiến bữa, là một mái trường khang trang trên khu đất rộng hơn. Các cô giáo chỉ ao ước phòng học rộng hơn; phòng bếp rộng hơn một chút, để được nhiều củi hơn mỗi mùa đông đến; một khoảnh sân nho nhỏ, để trồng mấy rặng hoa quanh trường.

Một lớp học rộng rãi, kiên cố ở mức cơ bản nhất, cũng sẽ giúp các cô không phải "khuyến học sai nguyên tắc" như trước nay vẫn làm. Hoặc chí ít, cũng không phải lắc đầu từ chối những đứa trẻ địu thêm cả em đến lớp. Vì mọi trẻ em, đều có quyền học tập.

Theo vnexpress