Tham vọng của nhiều bậc cha mẹ muốn biến con cái thành ngôi sao đã thúc đẩy ngành công nghiệp mỹ phẩm cho trẻ em phát triển - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH ASIAONE

Đối với cô bé 8 tuổi Minh Minh - học sinh tiểu học ở Thượng Hải, son môi và phấn mắt cũng thân thuộc như sách giáo khoa và đồ chơi. Từ khi bắt đầu học mẫu giáo, cô bé đã làm một người mẫu nhí bán thời gian và xuất hiện trong nhiều quảng cáo cũng như chương trình thời trang. Khi tham gia các buổi chụp hình hoặc sự kiện, cô bé thường phải trang điểm.

Mẹ của em, cô Candice Dương cho biết cô thích trau dồi gu thẩm mỹ cho con gái mình và “con gái chắc chắn nên học cách trân trọng vẻ đẹp từ lúc còn nhỏ”.

Đi ngược chuẩn mực xã hội

Các gia đình như mẹ con bé Minh Minh đã góp phần làm gia tăng đáng kể mức tiêu thụ mỹ phẩm dành cho trẻ em ở Trung Quốc.

Xu hướng này đi ngược hoàn toàn với các quy chuẩn khác của xã hội, chẳng hạn như các trường học thường thực hiện những quy định nghiêm ngặt về ngoại hình, và đặt ra các tiêu chuẩn về kiểu tóc của học sinh, theo tờ South China Morning Post.

Theo hãng bán lẻ hàng nhập khẩu Kaola, vào tháng 5.2020, doanh số bán đồ trang điểm cho trẻ em của công ty đã tăng hơn 1.200% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tổng doanh số bán hàng tính đến tháng 7 năm ngoái gấp 3 lần so với năm trước đó.

Một lớp người mẫu nhí tại Trung Quốc - AFP

Ông Trữ Triều Huy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Giáo dục quốc gia (Trung Quốc), cho biết chính tham vọng của nhiều bậc cha mẹ muốn biến con cái thành ngôi sao đã thúc đẩy ngành công nghiệp mỹ phẩm cho trẻ em phát triển.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều gia đình trung lưu ở Trung Quốc đầu tư mạnh vào các hoạt động ngoại khóa như ca hát và khiêu vũ, vốn thường đòi hỏi phải trang điểm.

Theo ông Trữ, khi các nền tảng truyền thông xã hội phát triển mạnh, nhiều người nổi tiếng nhờ phát video trực tiếp. Nhiều cha mẹ hy vọng con mình cũng trở nên nổi tiếng như vậy. Vì thế, họ cho con mặc đồ đẹp và trang điểm.

"Chung quy, tôi nghĩ đây là một việc tốt đối với Trung Quốc. Chúng tôi đã quá chú trọng vào kết quả học tập của học sinh, vì vậy sẽ rất tốt khi chúng được phép tham gia vào các hoạt động khác, để cuộc sống thêm đa dạng. Tuy nhiên cũng nên có một ranh giới cho việc này. Vì nếu mọi thứ đi quá giới hạn, bọn trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian và trở nên quá chú trọng vào ngoại hình", ông Trữ nói.

Nguy cơ cho sức khỏe

Đối với cô Dương, mẹ của Minh Minh, sự an toàn của các thành phần là một mối bận tâm lớn hơn. Cô nói rằng: "Những chuyên gia trang điểm trong các buổi biểu diễn thời trang dành cho trẻ em thường sử dụng các nhãn hiệu chất lượng cao. Tuy nhiên, chúng chủ yếu được chế tạo cho người lớn. Dẫu biết điều đó không tốt, nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác".

Tại Trung Quốc, mỹ phẩm trẻ em dành cho đối tượng từ 12 tuổi trở xuống. Hàng chục thương hiệu và hàng ngàn sản phẩm thuộc danh mục này được bán rộng rãi trên các nền tảng thương mại điện tử lớn với nhiều mức giá. Bên cạnh đó, nhiều loại mỹ phẩm dành trẻ em được bán dưới dạng đồ chơi và trên nhãn không ghi rõ thành phần.

Theo ông Lộ Dao, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Trung ương Phụ nữ và Trẻ em Thành Đô, vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6, ông đã tiếp nhận một số bệnh nhân nhỏ tuổi bị dị ứng với đồ trang điểm.

Ông cho biết trẻ em dễ bị nhiễm các thành phần có hại trong đồ trang điểm vì hàng rào bảo vệ da, hệ miễn dịch, hệ thống nội tiết của chúng còn non nớt và có xu hướng lây nhiễm từ tay miệng.

Bác sĩ Lộ cho rằng trang điểm có hại cho trẻ em hơn người lớn nhưng dựa trên các nghiên cứu hiện có trên toàn cầu, nếu trẻ em sử dụng các sản phẩm đủ tiêu chuẩn trên các vùng da nhỏ ít hơn một lần một tháng thì vẫn sẽ an toàn.

Theo thanhnien