Tranh mạo danh họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp dự kiến được đấu giá nhưng sau đã rút xuống - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa phát hiện các tác phẩm được cho là của cha mình - họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, dự kiến được đấu giá trong phiên đấu giá của nhà đấu giá Pi Auction House kết hợp với nhà đấu giá Drouot (Paris, Pháp).

Bức tranh lụa của một sinh viên vẽ nhưng lại được ký tên nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương - ẢNH: TƯ LIỆU

Hình ảnh tác phẩm đã được đưa lên trang drouotonline.com để chuẩn bị cho phiên đấu giá vào ngày 10.10. “Lần này thì chắc chắn là tranh giả mạo bố tôi”, ông Hòa lên tiếng trên trang Facebook cá nhân, kèm theo ảnh chụp màn hình trang web của nhà đấu giá Drouot. Ông Hòa phân tích: “Tất cả những ai đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật VN đều có thể nhận ra ngay đây là kiểu bài tập của học sinh trung cấp hay tại chức mỹ thuật. Những lỗi chưa sạch nước cản về dáng, bố cục, tỷ lệ giữa các nhân vật... đều rất rõ. Ngay cả chất liệu cũng sai. Chữ ký nhái tưởng khá giống nhưng hóa ra sai 3 lỗi vì không hiểu thói quen của tác giả”. Bà Nguyễn Quế Hương - một học trò của ông Hòa, sau đó đã thông báo tranh của ông mình - họa sĩ Nguyễn Khang, cũng bị mạo danh trong phiên đấu giá vừa kể ngay trong phần bình luận dưới thông báo của ông Hòa. Nhà đấu giá Pi Auction House sau cùng đã phải hạ những tác phẩm dự kiến đấu giá này xuống.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy việc xác minh tính chân thực của tranh đấu giá hiện có nhiều cái khó. Ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng có 3 điểm không đúng so với chữ ký của cha mình trên tranh nhưng lại không công bố cụ thể. “Nếu công bố rõ ràng, có thể sẽ mở đường cho giả mạo chữ ký. Nhưng nếu không công bố thì cũng rất khó chứng minh đó không phải là tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp”, ông Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), nói.

Thêm vào đó, việc thẩm định tranh hiện tại của các nhà đấu giá được thực hiện kỹ lưỡng thế nào cũng rất khó biết. Vụ việc này cũng gợi nhớ đến vụ bức tranh lụa giả mạo chữ ký họa sĩ Vũ Giáng Hương của nhà đấu giá Chọn hồi tháng 8.2018. Thời điểm đó, Chọn tổ chức gặp mặt báo chí và một người đàn ông đã có mặt, tự nhận là chủ nhân bức tranh, mua nó từ nhiều năm. Tuy nhiên, điều này không thể che giấu được sự thật đây là bức tranh do một nữ sinh viên Đại học Mỹ thuật VN vẽ. Nữ sinh này đã vẽ bức lụa bằng cách chép lại một bức sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đông. Vụ việc cho thấy sự thẩm định của nhà đấu giá nhiều khi cũng rất lơ là.

Trong khi đó, họa sĩ Tô Chiêm đưa ra hiện tượng có những tác phẩm phác thảo, bài tập của sinh viên cao đẳng, trung cấp mỹ thuật từ giai đoạn 1956 -1964 đã được bán ra ngoài. Không loại trừ khả năng chúng đã được ký tên họa sĩ vào để bán cho dễ. Bản thân ông Tô Chiêm từng thấy bài tập của cha mình trên thị trường vì lý do như vậy.

Ông Vi Kiến Thành nhận định: “Việc mua đấu giá tranh hiện tại thực sự rất khó cho nhà sưu tập. Việc phân định tranh thật, giả cần có hiểu biết chứ nếu chỉ trông vào nhà đấu giá thì vẫn có rủi ro. Nói chung, chỉ những người thực sự am hiểu hãy tham gia cuộc chơi này”. T.N

Theo thanhnien