Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất mặc áo dài đối với nam giới - Ảnh: Quochoi.vn

"Tại sao nữ được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc comple?"

Chiều 29-3, các đại biểu tiếp tục thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ với nhiều ý kiến tâm huyết. 

Nữ đại biểu Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh đề xuất việc nam giới mặc áo dài. Bà Khánh cho biết khi đi tiếp xúc cử tri, mọi người hỏi đại biểu Quốc hội tại sao cứ bảo mặc lễ phục nhưng nữ thì được mặc áo dài, nam giới lại phải mặc comple.

Do đó, bà Khánh đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng dần Luật nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa. Mục đích của đạo luật này, theo đại biểu Khánh, là để nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống, kế thừa truyền thống của ông cha vì những trang phục này rất đẹp và kín đáo.

Lỡ hẹn chỉ tiêu 1 triệu doanh nghiệp

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đóng góp kiến nghị để Chính phủ khóa tới tiếp tục đổi mới, gặt hái hơn nữa những thành quả kế thừa từ nhiệm kỳ này.

Trong đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhắc lại kế hoạch có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 còn... lỡ hẹn. Theo ông Lộc, cơ chế xin - cho dù đã giảm nhưng thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, tiếp tục gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. 

Ngoài ra, chính sách tiền tệ trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa, và điều này tiềm ẩn nỗi lo về khả năng lạm phát cũng như nợ xấu trong tương lai.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng đầu tư công còn kém hiệu quả do dàn trải và cơ chế huy động sức dân, đầu tư phát triển còn nhiều vướng mắc - Ảnh: Quochoi.vn

Đối với chính sách tài khóa và thu ngân sách, ông Lộc cảnh báo thu ngân sách nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào thu từ đất đai, từ tài nguyên nên thiếu tính bền vững. Tỉ lệ chi ngân sách thường xuyên còn lớn vì bộ máy còn cồng kềnh, đầu tư công còn kém hiệu quả do dàn trải và cơ chế huy động sức dân, đầu tư phát triển còn nhiều vướng mắc. 

"Những hạn chế này nếu không được khắc phục kịp thời thì hiện tượng quá tải về cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất, cản trở yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới đây", ông Lộc nhấn mạnh.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) lại mong muốn Chính phủ và Quốc hội đầu tư cho giao thông miền Nam như với giao thông miền Bắc, đặc biệt là giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước, nơi sản xuất và lưu thông hàng hóa lớn nhất nước. 

"Mong Chính phủ và Quốc hội đầu tư cho miền Nam như tình cảm mà Bác Hồ đã trao gửi miền Nam trong trái tim Người", đại biểu Bích Châu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch, kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với vùng kinh tế trọng điểm TP.HCM, Đông Nam Bộ.

Trách nhiệm người đứng đầu còn dửng dưng, thờ ơ!

Đánh giá việc thực hiện các lời hứa trước Quốc hội của các bộ trưởng, trưởng ngành, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) nhận xét hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm chưa cao.

"Vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, các cấp xem ra đôi khi còn dửng dưng, còn thờ ơ, mà như lời của Thủ tướng cũng có thường nói là trên bảo dưới không nghe, trên nóng, dưới lạnh", ông Giang nói và dẫn chứng có những vướng mắc ở các sở, ban ngành của các cấp gửi lên cho các bộ có liên quan nhưng vẫn còn chậm xử lý, và nếu không nhắc tới thì "xem như là trôi vào quên lãng".

Ông Giang đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới xem xét lại việc lấy phiếu tín nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành, cần thiết phải có những phiên giải trình riêng làm rõ các vấn đề.

"Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội khóa tới đánh giá thật sâu sát và cần phải xem đó là một giải pháp căn cơ để làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành", ông Giang nói.

Theo tuoitre