Hình tượng người cha rất đẹp trong Train to Busan - Ảnh: NEXT

Từ thập niên 2000, điện ảnh Hàn tạo lập hình ảnh đàn ông - người cha dữ dội, mạnh mẽ, đôi khi bạo lực. Điều này không phải ngẫu nhiên mà nằm trong nỗ lực củng cố vị thế đàn ông - người cha như bản sắc quốc gia của một xã hội nam trị.

Người cha cao thượng do Gong Yoo đóng trong Train to Busan hy sinh thân mình để cứu con gái và những người khác khi bản thân đã biến thành xác sống.

Người cha nghèo (Song Kang Ho đóng) trong Parasite vì một giây mất kiểm soát đã trở nên quẫn trí dẫn đến hành vi bạo lực.

Người cha, nam tính và vị thế quốc gia

Trong nghiên cứu "Sự nam tính của người cha trong điện ảnh Hàn Quốc" (năm 2020), tác giả Gu Mi Young nhìn nhận xu hướng nâng cao, tô đậm vị thế người đàn ông trong điện ảnh Hàn Quốc.

Tác giả viết: "Những chấn thương lịch sử mà Hàn Quốc trải qua đã ảnh hưởng đến hình ảnh những người cha bạo lực và hy sinh trong các bộ phim Hàn Quốc.

Lấy cuộc khủng hoảng Quỹ tiền tệ quốc tế Hàn Quốc (IMF) năm 1997 làm điểm khởi đầu, có thể thấy các nhân vật người cha trong phim Hàn chủ yếu dựa vào khái niệm nam tính trong thời kỳ khủng hoảng".

Từ cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khiến Hàn Quốc bị ảnh hưởng mạnh, điện ảnh Hàn Quốc bắt đầu "công cuộc" xây dựng hình ảnh người đàn ông, người cha mạnh mẽ trong phim.

Giữa thời kỳ khủng hoảng, xã hội cần những chỗ dựa lớn lao về tinh thần. Trong chiến tranh, người ta cần hình tượng những người anh hùng dũng cảm, can trường.

Còn khi kinh tế lao đao, người ta cần những người cha đối mặt với sự đảo lộn gia đình, khủng hoang nam tính như một trong những hình ảnh đại diện của đất nước đang cố gắng vượt qua khó khăn.

Cảnh phim Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 - Ảnh: FINEWORKS

Nghiên cứu của Gu Mi Young chỉ ra rằng tình phụ tử và sự nam tính trong điện ảnh Hàn Quốc có sự liên quan mật thiết đến nhau.

Hình ảnh đàn ông trong điện ảnh Hàn thường gắn với người cha có cá tính đậm đặc, rõ rệt, ấn tượng. Họ rất đa dạng: có người nghèo, quẫn trí, tuyệt vọng, là tội phạm, kẻ giết người nhưng cũng có những người hùng, những người rất hy sinh, yêu vợ thương con.

Đó là người cha nghèo trong Cracked Eggs and Noodles, người cha nội trợ trong Quiz King (Mr. Housewife), người cha tuyệt vọng tìm cách cứu con gái khỏi quái vật trong The Host, người cha xã hội đen trong The Show Must Go On, người cha làm công ăn lương trong Bravo My Life, người cha sát nhân trong My Father, người cha tội phạm trong My Son.

Đó là người cha thiểu năng trí tuệ yêu thương con gái trong Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7, người cha bán máu nuôi con trong Chronicle of a Blood Merchant, người cha cứu con gái khỏi đại dịch xác sống trong Train to Busan (Yeon Sang-ho, 2016), người cha hy sinh tính mạng vì hòa bình giữa Nam và Bắc Triều Tiên trong Ashfall...

The Host của đạo diễn Bong Joon Ho - Ảnh: SHOWBOX

Tác giả Gu Mi Young viết: "Bằng cách này, điện ảnh Hàn Quốc theo đuổi xu hướng củng cố vị thế của người cha, qua đó tăng cường đoàn kết nam giới bằng cách thể hiện khủng hoảng nam tính, đàn ông mất quyền gia trưởng, thể hiện lòng trắc ẩn đối với nam giới.

Không chỉ gần đây, xã hội Hàn Quốc từ lâu đã đề cao quyền của người cha, thể hiện lòng trắc ẩn đối với cuộc đời và số phận của người cha".

Hình tượng đàn ông và bạo lực tàn bạo

Một góc độ khác, trái ngược của hình tượng đàn ông trong điện ảnh chính là bạo lực kinh hoàng. Bạo lực gia đình, bạo lực giới, bạo lực trong xã hội. Khi các gia đình bị rối loạn, trật tự gia trưởng bị xáo trộn, đàn ông trong điện ảnh Hàn có xu hướng sử dụng bạo lực để giải tỏa và khẳng định uy quyền.

Saw the Devil, một phim Hàn với mức độ bạo lực đẫm máu - Ảnh: PEPPERMINT

Các cảnh bạo lực trong phim Hàn Quốc không quá kéo dài nhưng đều ở mức độ dã man, cực đoan và gây ra thương tổn lớn lao về thể xác, tinh thần.

Trong phim Breathless, người cha bị tâm thần phân liệt sau chiến tranh đã liên tục bạo hành gia đình, dọa giết con gái.

Trong Memoir of a Murderer, khi còn là một thiếu niên, nhân vật chính giết người cha bạo hành của mình, sau đó ông ta trở thành kẻ giết người hàng loạt. Qua những hồi ức mù mờ, quá khứ hiện về: vì bị bạo hành, ông tin rằng những kẻ xấu trên thế gian này cần được dọn sạch.

Yếu tố bạo lực gắn liền với "nam tính cuồng loạn" trong phim Hàn Quốc. Sự cuồng loạn thái quá trong biểu hiện nam tính được thể hiện trong các bộ phim của "đạo diễn quái kiệt" Kim Ki Duk với các nhân vật nam thực hiện hành vi hiếp dâm, bạo dâm, hành hạ nữ giới...

Kim Ki Duk, đạo diễn có góc nhìn dị biệt về cả nam giới lẫn nữ giới - Ảnh: GETTY IMAGES

Năm 2004, trong cuốn sách tiếng Anh Tái tạo nam tính trong nền điện ảnh Hàn Quốc, giảng viên đại học tại California (Mỹ) Kyung Hyun Kim chỉ ra rằng điện ảnh Hàn Quốc đã sử dụng phương pháp nam tính để phản ánh những thay đổi chính trị xã hội sâu sắc trong nước.

Kim lập luận rằng bạo lực tàn bạo trong điện ảnh Hàn Quốc thập niên 1980, 1990 là hành trình tìm kiếm lại bản sắc trước khi Hàn Quốc trở nên dân chủ hơn và trao quyền nhiều hơn cho những thành phần xã hội khác ngoài nam giới.

Trước cuốn sách của Kim, vấn đề nam giới trong điện ảnh chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu sắc ở Hàn Quốc. Đây là vấn đề luôn cần được khai thác vì sự phong phú và phức tạp của đàn ông vốn không thua kém nữ giới, chỉ là được điện ảnh khai thác thấu đáo hay không.

Chủ đề nam giới rất phong phú, đa dạng và lâu năm trong điện ảnh Hàn Quốc. Đây là nền điện ảnh lớn nhiều thành tựu nên chủ đề này cũng trở nên rất sâu rộng, từng được ghi nhận trong nhiều công trình nghiên cứu.

Với những thế hệ đạo diễn về sau, chủ đề này có thể tiếp tục được khai thác sâu sắc, đột phá trong thời gian tới.

Theo tuoitre