Nhiều đứa trẻ không quan tâm tới suy nghĩ và cảm xúc của người khác - Ảnh minh họa

Đứa con gái 14 tuổi của tôi liên tục hối tôi chở đi mua thứ dầu gội mà con cần trong khi tôi đang sốt.

“Con không thấy mẹ đang bệnh hay sao?”, tôi bực bội. Con gái nhìn tôi rồi nói tỉnh bơ: “Nhưng con hết dầu gội mà mẹ!”.

Chắc không ít phụ huynh từng gặp cảnh tương tự. Chúng ta cũng không ít lần tự hỏi tại sao trẻ tuổi teen dường như chỉ biết nhu cầu của bản thân chúng và vô cảm đối với người khác. Dường như rất khó để lôi kéo các cô cậu ở độ tuổi này tham gia vào các hoạt động không mang lại lợi ích trực tiếp cho chúng.

Thời gian gần đây, có một số nghiên cứu với kết quả cho rằng giai đoạn phát triển vị thành niên là những năm mà trẻ chỉ chú tâm đến nhu cầu cá nhân hay quan điểm của bạn bè trang lứa mà không ưu tiên nghĩ đến nhu cầu của người khác.

Thế nhưng thực tế vẫn có nhiều trẻ vị thành niên rất biết cảm thông và chia sẻ. Bởi vì sự đồng cảm hay khả năng hiểu và cảm nhận cảm xúc của người khác, là điều có thể học được.

Theo các chuyên gia tư vấn về sức khỏe tâm thần, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm không chỉ giúp củng cố các mối quan hệ của chúng ta với người khác, mà cũng giúp ích cho chính chúng ta. Người không có suy nghĩ nhân ái dễ tự chỉ trích bản thân. Hơn nữa, điều này có thể dẫn đến trầm cảm hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Biết cảm thông thực ra là một kỹ năng thiết yếu và có giá trị lớn với con bạn khi chúng trưởng thành và bước vào đời. Khả năng đồng cảm không chỉ khiến trẻ cư xử tốt với người khác mà còn giúp trẻ thành công trong cuộc sống.

Nếu không có sự đồng cảm và tôn trọng, mọi người rất dễ hành động theo những cách làm tổn thương người khác và dẫn đến những hành vi xấu như bắt nạt, cư xử ích kỷ.

Có nhiều cách để con bạn có thể nhận được điều chúng cần mà không gây tác động tiêu cực đến người xung quanh và điều quan trọng là cha mẹ phải giúp chúng học các kỹ năng để làm điều này.

Học cách thấu cảm ở một số khía cạnh giống như học ngôn ngữ hoặc thể thao. Nó đòi hỏi sự thực hành và hướng dẫn và sau đây là vài gợi ý từ các chuyên gia tâm lý và giáo dục.

Cha mẹ là tấm gương

Nếu bạn muốn dạy một kỹ năng cho trẻ, bạn cần phải làm gương. Cha mẹ cần thể hiện sự đồng cảm và chia sẻ với con. Trẻ rất khó đối xử tử tế với người khác nếu không cảm thấy được yêu thương, cảm thông.

Trẻ cũng sẽ nhìn vào những việc làm xuất phát từ lòng nhân ái của cha mẹ như nấu ăn giúp cho một người bạn, người hàng xóm đang bệnh, chăm sóc ông bà...

Trao đổi cởi mở về những cảm xúc của con

Giúp con nói chuyện cởi mở về cảm xúc thay vì gạt bỏ hoặc chôn vùi chúng. Khi trẻ có thể hiểu và gọi tên cảm xúc của trẻ, chúng cũng có khả năng xác định cảm xúc tương tự ở người khác. Hãy cho phép con bạn có cơ hội bày tỏ cảm xúc, ngay cả những cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn hoặc thất vọng.

Trò chuyện với con về những tình huống gây xúc động trong cuộc sống và trên phương tiện truyền thông với câu hỏi như: “Con cảm thấy như thế nào?”. Bằng cách này, bạn có thể giúp trẻ hiểu được cảm xúc của người khác và của chính mình.

Trao đổi về ảnh hưởng của một hành vi

Giúp con nhận thức được mức độ ảnh hưởng do hành vi của chúng gây ra đối với người khác. Thành thật mà nói, trẻ có thể không nhận thức được rằng chúng có thể làm bạn bè, anh chị em hoặc thậm chí cha mẹ khó chịu đến mức nào.

Ngay cả việc đơn giản như đăng một bức ảnh lên mạng xã hội cũng có thể tác động đến người khác theo những cách mà trẻ có thể không nhận ra. Ví dụ: Con bạn có thể đăng ảnh một bữa tiệc mà không nhận ra rằng người bạn không được mời tham dự bữa tiệc đó có thể bị tổn thương.

Tạo điều kiện để con giúp đỡ người khác

Dù sở thích của con bạn là gì, bạn nên tìm cách đưa sự đồng cảm, tử tế vào “bộ kỹ năng” của trẻ.

Nếu trẻ yêu chó, mèo, sao không gợi ý để con tham gia hoạt động tình nguyện cho một trung tâm cứu hộ động vật hoặc tổ chức quyên góp thực phẩm và vật dụng cho những nơi tạm trú của động vật bị bỏ rơi vào dịp sinh nhật của trẻ?

Nếu con bạn nhăn mặt trước thùng rác nằm ngổn ngang trên vỉa hè, hãy dành 10 phút cùng nhau gom những vỏ chai, bao nilong.

Khen ngợi khi con biết đồng cảm

Hãy luôn khen ngợi con khi thấy chúng cư xử tử tế, biết đồng cảm, chia sẻ. Chúng ta thường quên rằng phản hồi tích cực quan trọng như thế nào đối với các cô bé, cậu bé của chúng ta.

Theo phunuonline