Hãy luôn đứng thẳng và ngẩng cao đầu khi giao tiếp. Ảnh: Shutterstock.

Ngôn ngữ hình thể rất quan trọng

Jordan khuyên mọi người: Hãy luôn đứng thẳng và ngẩng cao đầu khi giao tiếp. Tư thế và thần thái của một người có ảnh hưởng rất lớn đến ấn tượng và đánh giá đầu tiên của người khác về bạn. Khi hình thức, tư thế của bạn không được chú trọng, não bộ không tiết đủ serotonin, gây ra cho bạn cảm giác uể oải, buồn chán, không dám tự bảo vệ mình. Vì thế, đừng buông thõng vai, đừng cúi đầu khi giao tiếp. Khi đứng thẳng và hơi ưỡn ngực, các đường dẫn thần kinh của bạn có thể chứa đầy serotonin cần thiết, cho bạn sức mạnh và sức ảnh hưởng khi giao tiếp.

Nhà tâm lý học xã hội Amy Cuddy, trong cuốn sách nói về ngôn ngữ cơ thể cũng từng khuyên: Hãy để tư thế của bạn quyết định bạn là ai.

Chọn bạn mà chơi

Khi một người có ý thức thấp về giá trị bản thân, hoặc vô trách nhiệm với cuộc sống của chính mình, họ sẽ chọn làm bạn với những người tương tự.

Việc chọn những người bạn có động lực, mang lại lợi ích tích cực cho mình hoàn toàn không phải là một phép chọn lựa ích kỷ, mà đây là cách "làm cho nhau tốt hơn". Người bạn tốt sẽ khuyến khích bạn đối xử tốt với bản thân và người khác, đồng thời thúc đẩy bạn vào thực hiện mọi việc một cách nghiêm túc. Ngược lại, người bạn xấu sẽ "đưa điếu thuốc cho người đã bỏ thuốc, rót rượu cho người đã cai rượu", thậm chí sẵn sàng từ bỏ sự ủng hộ và đồng hành của mình vì ghen tị với nỗ lực và thành công của bạn, thậm chí có khi còn "chơi xấu" bạn.

Đối xử tốt với bản thân

Trong thời nguyên thủy, con người hiểu thế giới từ quan điểm sinh tồn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, con người xác định vị trí của mình trong thế giới bằng giá trị bản thân. Khi biết yêu thương bản thân, mới có thể yêu thương được những người xung quanh mình.

Theo Jordan, đối xử tốt với bản thân chính là việc trân trọng giá trị của chính mình. Điều đó đồng nghĩa với việc xác định giá trị bản thân, trau dồi nhân cách, chọn mục tiêu cụ thể cho chính mình.

Nhà triết học Friedrich Nietzsche, thế kỷ 19 từng nhận định: "Một người biết bản thân mình sống vì điều gì thì có thể tồn tại trong mọi hoàn cảnh".

Không ngừng so sánh bản thân của hôm qua với hôm nay

Một số người khi đặt ra mục tiêu, sai lầm phổ biến nhất là so sánh mình với những người khác. Cách đúng phải là: "Tôi của ngày hôm nay phải tốt hơn một chút so với hôm qua".

Sau khi so sánh, bạn sẽ cần đặt ra câu hỏi: "Tôi có thể làm gì và sẵn sàng làm gì để đạt được mục tiêu?". Khi bạn kiên trì làm điều này, theo thời gian, đường cơ sở so sánh của bạn sẽ cải thiện một cách kỳ diệu. Bền bỉ theo con đường này trong ba năm, và cuộc sống của bạn sẽ hoàn toàn khác.

Để phép so sánh hiệu quả, nên hết sức chú ý đến môi trường thể chất và tâm lý của bạn, lưu ý tới những điều khiến bản thân cảm thấy không thoải mái hoặc bị làm phiền, mà bản thân bạn có khả năng thay đổi và sẵn sàng thay đổi. Để thực hiện điều đó, có thể tự đặt ra cho mình ba câu hỏi: "Thứ làm phiền mình là gì?", "Mình có thể thay đổi được nó không?", "Mình có thực sự muốn thay đổi nó không?".

Cải thiện bản thân tốt hơn là đi chỉ trích

Nếu bạn cảm thấy rằng mình không được trọng dụng, không được yêu mến, thì trước khi chỉ trích hay trách giận, hãy đặt ra câu hỏi: Liệu bạn đã tận dụng tốt những cơ hội mình có chưa? Liệu bản thân bạn có những thói quen đang hủy hoại hạnh phúc của chính bạn hay không?

Nếu câu trả lời là chưa, thì tức là bạn cần phải thay đổi mà không nên chần chờ, trì hoãn.

Theo đuổi ý nghĩa, cự tuyệt cẩu thả

Theo giáo sư Jordan, nên chủ động tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của bạn, thiết lập các quy tắc sống cá nhân và sau đó tuân theo những quy tắc đó. Nhà tâm lý học nhấn mạnh, trong quá trình đó, mỗi người nên giữ cho mình sự khiêm tốn, cẩn trọng, thay vì cao ngạo bởi kiến thức, giá trị của bản thân.

Không nói được sự thật thì cũng đừng nói dối

Việc chạy trốn hay dũng cảm đối diện, nói ra sự thật không chỉ là hai lựa chọn khác nhau, mà còn là hai con đường, hay cách sống hoàn toàn khác nhau.

Ban đầu bạn chỉ nói dối, nhưng sau đó bạn cần phải che đậy bằng những lời nói dối khác. Tiếp theo, bạn phải tìm cách che đậy cảm giác xấu hổ khi nói dối... Những lời nói dối này khi được lặp đi lặp lại, sẽ được chuyển thành hành vi tự động vô thức. Khi dối trá không mang lại kết quả mong muốn, cuộc sống của bạn dần trở nên xấu đi. Thế nên, nếu không nói thật được thì đừng nói dối. Đối mặt với vấn đề và tìm ra nguyên nhân gốc rễ là giải pháp tốt nhất.

Im lặng lắng nghe đôi khi là tốt nhất

Khi bạn lắng nghe người khác, bạn thực sự đang lắng nghe chính mình. Trong một cuộc trò chuyện chân thành, hầu hết thời gian bạn nên lắng nghe, bởi lắng nghe là hiệu suất của sự chú ý.

Khi ai đó trò chuyện với bạn, họ có thể sẽ nói với bạn rất nhiều điều. Đôi khi họ cho bạn biết vấn đề của họ và ý định giải quyết chúng. Điều này, nếu bạn chú ý lắng nghe, cũng có thể giúp bạn giải quyết một số vấn đề của riêng mình.

Trân trọng giá trị tốt đẹp của hiện tại

Trong nỗ lực điều chỉnh bản thân, bạn sẽ nhận thấy giá trị của hiện tại. Với những vấn đề làm phiền đến bạn, hãy dành một thời gian nhất định trong ngày để đối phó với nó, nghĩ về nó, và để phần thời gian còn lại tập trung cho những gì đang cấp thiết trong đời sống.

Đừng vì những mối lo mà quên đi việc tận hưởng đời sống. Đôi khi, chạm vào những điều đơn giản, bình dị của hiện tại, bạn sẽ được bổ sung hạnh phúc. Trong những ngày khó khăn, nó cũng trở thành động lực cho bạn đi tiếp hành trình.

Theo vnexpress