1. Tâm lý con người ta kể ra cũng lạ: có những chuyện, người này xem “bình thường như cân đường hộp sữa”, chẳng khác gì đã sống phải thở, đói thì ăn, có gì lạ đâu? Ngược lại, người kia lại lấy làm cực kỳ quan trọng, đón nhận trong tâm trạng âu lo, hồi hộp hoặc tận cùng sung sướng. 

Chẳng hạn, suốt cả tuần nay, khi hay tin con sắp được dự lễ tổng kết và phát thưởng kết thúc năm học, nhất là bé nhóc học lớp Mầm, hẳn không ít phụ huynh trong lòng “trống giong cờ mở”. Với họ, ngày ấy dù thế nào đi nữa, dù có bận bịu, bận rộn đến cỡ nào cũng thu xếp, gạt qua một bên để cùng con đi đến trường tham dự buổi lễ trọng đại đó. 

Nghe nói thế, tôi thoáng nghe đâu đó vọng lại tiếng cười như trêu chọc: “Ối dào, vẽ chuyện. “Chuyện nhỏ như con thỏ” mà cứ “trầm trọng vấn đề”. Các bé nhóc học lớp Mầm thì có gì để học? Bất quá chỉ là bước chuyển tiếp từ chỗ gửi nhà trẻ đến trường mẫu giáo. Vào lớp, chỉ chơi rồi ăn, rồi ngủ cho phụ huynh rảnh tay làm việc, chứ có gì ghê gớm đâu?”. Này bạn ơi, nghĩ như thế là nhầm… đứt đuôi con nòng nọc. Mà, cũng không tranh cãi bởi vì nhận xét đó không phải của “người trong cuộc” - là những ai đang đồng hành cùng con trong từng ngày bắt đầu khai tâm, mở trí. 

Từ thuở lọt lòng mẹ đến giờ, bé chỉ quanh quẩn trong nhà, chưa bao giờ xa tầm quan sát, vòng tay yêu thương của ba mẹ. Nay, tự bé đến sinh hoạt chung trong thế giới xa lạ, không ai thân quen. Thử hỏi, bé thực sự hào hứng, rạo rực niềm vui hay canh cánh âu lo? Nhưng rồi, mỗi đứa trẻ phải lớn lên, phải đi học, phải tự mình học hỏi, làm quen với môi trường mới. 

Và, ngay cả các bậc phụ huynh dù đã ý thức, dù tin tưởng vào trường lớp, vào cô giáo nhưng tâm trạng cũng ngổn ngang… Vì thế, từ ngày tháng đó, họ luôn động viên, thậm chí năn nỉ từ mỗi sáng đưa con đến trường, mỗi chiều đón về. Không một ngày lơi lỏng. Không một phút trễ nải. Thoáng đó, mới ngày nào bé nhóc lúc đến trường khóc nhè, ba mẹ phải ẵm bồng, dỗ dành… thì nay chững chạc hơn nhiều. 

Tôi (tác giả) rất xúc động khi dự ngày lễ tốt nghiệp lớp Mầm của con
Tác giả (hàng sau, rìa phải) xúc động khi dự ngày lễ tốt nghiệp lớp Mầm của con

2. Rồi đến ngày làm lễ tổng kết và phát thưởng. Đánh dấu một chặng đường nhà trường cùng phụ huynh đã đồng lòng hợp tác vì tương lai của con. Một chặng đường đã qua, dù ngày sau vẫn còn đi nữa, còn lâu dài lắm nhưng nay nhìn lại thì ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm.

Buổi sáng hôm ấy, ba mẹ và con thức dậy thật sớm, trong lòng thư thái, hãnh diện và… ăn mặc đẹp hơn mọi ngày. Khi đến trường, tôi đã thấy nhiều phụ huynh cũng đã có mặt, các cô giáo niềm nở tiếp đón. Tự trong lòng mọi người đã reo lên âm thanh rộn ràng cực kỳ đáng yêu hát cùng các bé: “Ai hỏi cháu cháu học trường nào đấy. Bé vừa ngoan lại múa hát thật hay. Cô là mẹ và các cháu là con. Trường của cháu đây là trường mầm non”. Cái hay của ca khúc này còn là ở chỗ câu kết được “chế” thêm cho phù hợp với “người thật việc thật”, tùy vào tên gọi của trường, chẳng hạn: “Trường của cháu đây là trường Sơn Ca 5”. Nghe gần gũi, thân thiện quá.

Theo hướng dẫn của cô giáo, các bé ngồi vào vị trí lớp của mình, đâu ra đó, cứ như thể đàn chim non ríu ra ríu rít. Mà, dù đang ngồi yên nhưng có bé cứ nhẩp nhổm nhìn về phía sau như ngơ ngác thầm hỏi: “Ủa, ba mẹ ngồi đâu ta?”. Có nhiều bé cầm bình sữa trên tay bú ngon lành rồi bất ngờ lại khóc òa lên: “Mẹ ơi mẹ!”. Thương gì đâu. Chưa bao giờ tôi được dự một buổi lễ mà các “nhân vật chính” lại nhộn đến thế, chỗ này cười, chỗ kia khóc, chỗ nọ cô giáo ẵm bồng dỗ dành, chỗ kia, vỗ tay hát… Tất cả tạo nên cuộc hòa âm rôm rả xen lẫn giai điệu âm nhạc du dương… 

Khi nhìn con gái mình ngồi cùng các bạn và cô giáo, vợ chồng tôi thực sự xúc động và cảm thấy các gương mặt ấy đều thân quen lắm. Bạn nhớ lại xem, có phải bé nhóc đi học về là líu lo kể chuyện ở lớp? Vâng, đúng vậy. Nhờ vậy, các phụ huynh mới dần dà biết tên bạn của con mình như Gia An, Như Ý, Minh Nhật… biết tên của các cô như cô Lan, cô Ngọc, cô Hiếu… Và, từ lúc nào các cô giáo, các bạn của con đã là thành viên trong ngôi nhà của mình? Thì đó, lúc bé nhóc cứ nằm ườn trên giường dù đã đến giờ chuẩn bị đi học, ba mẹ bé liền méc: “Cô Lan ơi, bé còn ngủ nướng nè”, lập tức bé dậy ngay; hoặc: “Cô Ngọc ơi, bé không chịu tự cầm đũa ăn cơm nè”, lập tức bé vâng lời ngay…

Buổi sáng hôm ấy, ấn tượng nhất với các phụ huynh vẫn là các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các bé biểu diễn. Trời đất ơi, các bé nhóc dẻo tay dẻo chân, múa máy tay chân nhịp nhàng đến thế kia à? Trên sân khấu, các bạn đang múa nhịp nhàng, đi đứng ngay hàng thẳng lối nhưng có bé lại đứng yên một chỗ rồi… khóc ngon lành. Thế giới của trẻ con đó. Và, thương yêu nữa còn là lúc các bé được nhà trường phát phần thưởng; giấy khen mà trong đó có ghi dòng chữ đỏ thắm: “Đã đạt thành tích Bé khỏe - Bé ngoan năm học 2021 - 2022”.

Hoan hô nỗ lực phi thường của các bé.

3. Lần đầu tiên trong đời được tham dự buổi lễ tốt nghiệp lớp Mầm của con, tôi lại nhớ đến bài học thuộc lòng ngày xưa trong sách giáo khoa - trích từ tác phẩm Tâm hồn cao thượng của nhà văn Edmondo De Amicis, qua bản dịch Hà Mai Anh. Đó là lúc dẫn con vào trường mẫu giáo, người mẹ đã nhắn nhủ: “Con ơi! Trường học ví như người mẹ, người mẹ đã rứt con khỏi tay ta khi con nói chưa sõi để trả lại ta một đứa con khỏe mạnh, tử tế và siêng năng. Con đừng quên vị ân nhân ấy. Mai sau con nên người, con sẽ du lịch trong thế giới, con sẽ thấy những thành thị hoa lệ, những đài các nguy nga nhưng con phải nhớ đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đấy là nơi những bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nảy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in sâu vào ký ức cho đến lúc tàn sinh, cũng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng cái nhà cũ kỹ mà ở đấy mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con”.

Với tôi, đó chính là vẻ đẹp của sự biết ơn. Biết ơn nhà trường cùng các cô giáo, bảo mẫu đã dạy dỗ cho con mình năm tháng đầu đời, từ lớp Mầm. Dấu ấn này chắc chắn đọng lại ấm áp trong ký ức. Không phai theo năm tháng. 

Theo phunuonline.com.vn