leftcenterrightdel
 Nguyễn Minh Châu (thứ hai, từ phải sang) trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.

Tháng 10 tới, Minh Châu sẽ tới xứ sở sương mù, bắt đầu chương trình thạc sĩ tại ĐH Cambridge.

Nữ sinh ấp ủ ý định du học từ lâu, nhưng phải đến giữa năm thứ ba đại học, Châu mới bắt đầu lên kế hoạch thực hiện. Thời điểm biết kết quả, mặc dù chưa tốt nghiệp, Minh Châu đã nhận được thư mời nhập học chương trình thạc sĩ Luật tại một trong những đại học hàng đầu thế giới.

Đầu tháng 8, nữ sinh tiếp tục nhận tin vui giành được học bổng thạc sĩ Sir David Williams của trường.

"Trị giá học bổng không quá lớn nhưng mức độ cạnh tranh cao. Vì vậy, khi có thông báo, mình rất bất ngờ, không tin vào mắt mình. Hiện tại, mình đang mong đợi ngày tới Anh, tham gia học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, bản thân cũng có chút lo lắng khi có nhiều thử thách đang đón chờ", Minh Châu chia sẻ với Zing.

Thủ khoa không đồng nghĩa là người giỏi nhất

 Vốn là học sinh chuyên Anh, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhưng Minh Châu có tới hai năm nằm trong đội tuyển Văn của trường. Đam mê ngôn ngữ, Minh Châu lo lắng khi bản thân quá đắm chìm vào những tác phẩm, quên mất thế giới thực tại.

Năm 2018, nữ sinh quyết định đăng ký và trúng tuyển khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội. Bốn năm sau, trong lễ tốt nghiệp, Minh Châu được vinh danh thủ khoa đầu ra, tốt nghiệp loại xuất sắc cùng những thành tích học tập, hoạt động phong trào nổi bật.

“Thời điểm đó, mình cảm thấy học Luật có tính ứng dụng cao. Bất kỳ điều gì trong cuộc sống đều liên quan đến luật pháp. Mình suy nghĩ bản thân đã học Văn, có thể phân tích 'nhãn tự' trong một câu thơ, như vậy, việc phân tích cách dùng từ trong một văn bản pháp luật cũng sẽ làm được”, Minh Châu chia sẻ về lý do học Luật.

Bước chân vào cánh cổng đại học, Châu đặt ra mục tiêu phải lấy bằng giỏi. Nữ sinh đề cao việc học có hiệu quả, tích lũy được nhiều kiến thức, đồng thời tận hưởng quá trình học, tránh áp lực nặng nề cho bản thân.

“Bốn năm học của mình vui lắm. Vì không muốn bỏ lỡ lời giảng nào, đa số tiết học, mình đều ngồi bàn đầu. Mình cảm thấy đó là nơi tiếp thu được kiến thức nhanh và hiệu quả nhất”, Châu nói.

Cũng vì “chăm” ngồi bàn đầu, điều nữ sinh nuối tiếc nhất là không có cơ hội được tìm hiểu và biết về nhiều bạn hơn.

“Vài lần, đổi chỗ xuống bàn cuối, mình làm quen và nhận ra mỗi bạn lại có câu chuyện riêng, góc nhìn cũng rất khác biệt. Ngoài ra, hai năm học online, mình tiếc vì ít cơ hội được gặp gỡ thầy cô và các bạn”, nữ thủ khoa kể.

Bắt đầu từ năm thứ hai, Minh Châu dành nhiều thời gian hơn vào các hoạt động mang tính chuyên môn. Nữ sinh tích cực tham gia các cuộc thi học thuật như phiên tòa giả định, trao đổi sinh viên, nghiên cứu khoa học.

Đến năm thứ ba, với sự giúp đỡ từ thầy cô, Châu được cùng tham gia và có 3 bài nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành và sử dụng trong hội thảo khoa học.

leftcenterrightdel
Minh Châu trong chuyến đi trao đổi sinh viên giữa ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Bách khoa Ngee Ann, Singapore năm 2019. Ảnh: NVCC. 

Với kiến thức chuyên môn của mình, Châu nhận lời mời thực tập tại công ty luật và tòa án từ sớm. Do đặc thù nghề nghiệp, mặc dù chưa được nhận lương, nữ sinh đánh giá đây là những trải nghiệm quan trọng trên con đường học thuật của bản thân.

Là thủ khoa đầu ra, thành tích “khủng” nhưng Minh Châu lại rất khiêm tốn. Cô không muốn “thần thánh hóa” danh hiệu thủ khoa, nhất là suy nghĩ thủ khoa phải giỏi nhất, thông minh nhất. Nữ sinh nói thêm nếu ai hỏi về lĩnh vực luật mà cô không rõ, cô vẫn cần thời gian tra cứu, không thể trả lời ngay.

Không chỉ về chuyên môn, Châu cũng nhận xét bản thân không hoàn hảo trong nhiều lĩnh vực. Mặc dù đạt IELTS 8.0, khi viết khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh, cô vẫn phải tra cứu từ điển rất nhiều. Hay những lần nói chuyện với người bản xứ, nữ sinh vẫn gặp khó khăn nếu dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành.

“Với mình, mỗi thành tích đạt được giống như cái mác gắn lên người, giật ra là đứt, không thể dùng nó để định hình, biến mình thành người giỏi. Chỉ khi có ích với người xung quanh, khi đó, mình mới thấy bản thân thực sự có giá trị”, nữ sinh khẳng định.

Hiện tại, với tấm bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, nữ thủ khoa chưa ứng tuyển vào công ty nào. Với định hướng nghiên cứu - giảng dạy, Châu cho biết cô sẽ tiếp tục học thạc sĩ thay vì hành nghề luật sư như nhiều người theo đuổi.

Bài luận viết trong hai ngày

 Đầu tháng 8, khi đang tham gia chương trình trường hè khoa học Việt Nam, Minh Châu bất ngờ khi nhận thông báo đã giành được học bổng thạc sĩ tại ĐH Cambridge.

leftcenterrightdel
Dù chưa chính thức tốt nghiệp, Minh Châu đã có trong tay thư mời nhập học chương trình thạc sĩ Luật, ĐH Cambridge. Ảnh: NVCC. 

Nữ sinh nhận định trong quá trình làm hồ sơ du học thạc sĩ, cô chưa có kế hoạch chuẩn chỉnh ngay từ đầu, chưa có kinh nghiệm và không tìm đến các trung tâm tư vấn du học. Vì vậy, cô gặp khá nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, quá trình làm hồ sơ, Châu nhận được sự giúp đỡ từ nhiều thầy cô, các anh chị đi trước. Nhờ đó, từ khi chưa chính thức tốt nghiệp, cô đã có trong tay thư mời nhập học chương trình thạc sĩ Luật, ĐH Cambridge.

Chia sẻ thêm về lựa chọn, Minh Châu cho biết chương trình thạc sĩ Luật tại ĐH Cambridge đáp ứng nhu cầu của sinh viên có định hướng hành nghề lẫn định hướng nghiên cứu. Tại đây, sinh viên được lựa chọn viết luận văn, thay thế cho hình thức thi viết.

Phương pháp giảng dạy của trường giống với phương pháp giảng dạy tại khoa Luật nữ sinh từng theo học. Vì vậy, Châu có thể tiếp cận hệ thống thống luật Anh một cách thuận lợi, bài bản thông qua việc tự nghiên cứu, kết hợp trao đổi với giảng viên.

Theo quy trình, sau khi nhận thư mời nhập học, để được nhận học bổng Sir David Williams do ĐH Cambridge trao, Minh Châu phải viết và gửi bài luận dài tối đa 500 chữ. Cô nàng chỉ có hai ngày để hoàn thành bài luận này.

Theo Châu, ở bài luận, cô không thể dùng công thức chung, đồng thời không thể tham khảo bài mẫu của ai đó, mỗi người sẽ có câu chuyện riêng, cách tốt nhất là kể câu chuyện của bản thân một cách chân thực. Nhớ lại trải nghiệm có được khi thực tập tại tòa án, nữ thủ khoa ứng dụng ngay vào đề tài bài luận.

“Thực tập tại tòa án, mình có góc nhìn so sánh giữa những điều luật, từ góc độ khoa học pháp lý và cách tòa án áp dụng chúng trên thực tế. Trải nghiệm này khiến mình trăn trở về tác động của lỗ hổng pháp luật đối với những người tham gia tố tụng. Đây cũng là vấn đề mình đề cập trong bài luận xin học bổng du học”, Minh Châu chia sẻ.

Châu cũng nhận định điểm mạnh trong hồ sơ của cô là thành tích học tập, thay vì các hoạt động xã hội.

“Điểm GPA cao, có nhiều bài nghiên cứu, tham gia cuộc thi học thuật có thể là lợi thế trong hồ sơ của mình. Dù chỉ đoạt giải ba, chưa có công bố quốc tế, nhưng kết quả trên đã chứng minh sự cố gắng và tích cực của mình trong mọi hoạt động, thay vì chỉ học trên giảng đường”, Châu nói.

 Một số thành tích Nguyễn Minh Châu đạt được trong quá trình học đại học:

- Giải ba cuộc thi Phiên tòa giả định về Mua bán hàng hóa quốc tế theo Công ước CISG (Vietnam CISG Pre-moot) năm 2020.

- Giải ba cuộc thi Phiên tòa giả định về Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI Moot) năm 2020.

- Tham gia trao đổi sinh viên tại ĐH Bách khoa Ngee Ann, Singapore, năm 2019.

- Phối hợp nghiên cứu cùng TS Nguyễn Thị Phương Châm, đưa ra tham luận tại Diễn đàn Luật mùa thu Việt Nam, năm 2021, đề tài Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường: Từ quan điểm của châu Âu và Hoa Kỳ đến bài học cho Việt Nam.

- Phối hợp nghiên cứu cùng TS Nguyễn Thị Phương Châm, viết bài đăng trên Tạp chí Lập pháp, đề tài Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường: Từ góc độ lý luận đến thực tiễn thực thi pháp luật của Việt Nam.

- Phối hợp cùng GS.TS Vũ Công Giao, TS Trần Kiên, nghiên cứu đề tài Tính liêm chính trong nghiên cứu: Nền tảng đạo đức của học thuật.

- Nhận học bổng Vingroup năm học 2020-2021.

- Nhận học bổng Công ty Luật YKVN năm 2021.

- Nhận học bổng Công ty SCIC năm học 2021-2022.

- Đạt chứng chỉ IELTS 8.0.

Theo zingnews