Mong muốn lớn nhất của chị là đem niềm tin, nghị lực đến với cộng đồng người khuyết tật ở Việt Nam và trên thế giới.

Không đầu hàng số phận

Tại một vùng quê yên bình ở Nghệ An, năm 1978, Vân cất tiếng khóc chào đời trong một cơ thể khỏe mạnh. Nhưng vài tháng sau, Vân được chẩn đoán mắc chứng bệnh teo cơ tủy sống. Khi bạn bè lớn dần lên thì cũng là lúc cơ thể Vân lại càng nhỏ lại. Cô vô tư lớn lên trong tình yêu thương của mẹ cha và các anh chị em trong gia đình mà không hề hay biết về căn bệnh của mình.

Mọi thứ thay đổi khi Vân đến tuổi tới trường. Vân dần hiểu ra sự khác biệt của bản thân và bạn bè đồng trang lứa: "Khi còn đi học, cô giáo dường như chưa bao giờ gọi tôi lên kiểm tra bài cũ, cũng không hiểu tại sao những đứa trẻ khác được học tất cả mà tôi lại chỉ được học tập viết và cộng trừ." Cô trở nên cô lập vì các bạn không chơi với mình.

Nữ Giám đốc khuyết tật và hành trình thực hiện sứ mệnh yêu thương - Ảnh 1.

Vài năm sau đó, ở lứa tuổi mộng mơ của người con gái, Vân thương xuyên chạnh lòng vì những câu hỏi có phần vô tư của nhiều người: "Nhìn mặt mũi cũng xinh không biết có lấy được chồng không?" hay "Nhìn mặt mũi sáng sủa như thế này nhưng không biết có biết chữ không?". Vân bảo lúc đầu cũng buồn, sau lại thành quen. "Giờ mình không chấp nhận khiếm khuyết của mình thì ai người ta chấp nhận cho". Vân nói.

Học hết lớp 9, Vân quyết định nghỉ học. Thế nhưng, sự học không mất đi. Nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Trường học sẽ không còn là điểm đến mỗi ngày của Vân, hay vào đó, cô tập trung trau dồi tiếng anh và tin học trong chính ngôi nhà của mình. Sau 3 tháng, Vân thành thạo tin học văn phòng. Vốn ưa thích thiết kế, Vân tiếp tục mày mò thêm về đồ họa nữa.

Cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời Vân diễn ra vào mùa hè năm cô 15 tuổi. Từ Di Lộc (Nghệ An) Vân xin phép gia đình cho sang huyện Diễn Châu lập nghiệp. Cô mở một tiệm Internet và trực tiếp quản lý. Cô chia sẻ: "Ngày ấy, mạng Internet chưa phổ biến theo kiểu nhà nào cũng có như bây giờ, thế nên quán mình có một lượng khách ổn định". Cứ thế, Vân chủ động nguồn tài chính để trang trải cuộc sống và gửi về hỗ trợ gia đình. Không những thế, cô còn dành dụm một số tiền để chuẩn bị cho những hành trình trong tương lai. Gắn bó với tiệm Internet một thời gian, Vân nghĩ đã đến lúc để bắt đầu một hành trình mới. Cô chuyển lại máy móc và thiết bị cho anh trai quản lý.

Bước ngoặt xảy ra khi một thầy hiệu trưởng ở trường cấp ba dân lập gần tiệm Internet đến gặp Vân. Thầy ôn tồn bảo: "Em nên xem xét việc quay trở lại trường học. Thầy sẽ miễn phí tiền học cho em, nếu em không đi được thầy sẽ bảo các bạn đến đón em". Những lời chân thành đó đã khiến Vân thay đổi. Khát khao được đến trường trỗi dậy mạnh mẽ, cô quyết định tiếp tục chinh phục con đường học vấn.

Nữ Giám đốc khuyết tật và hành trình thực hiện sứ mệnh yêu thương - Ảnh 2.

Dưới sự giúp đỡ của thầy cô bạn bè, 3 năm cấp ba của cô trở thành chuỗi ngày tràn ngập niềm vui. Như chú chim gặp bầu trời lớn, năng khiếu tin học, tiếng anh được rèn dũa trong môi trường sư phạm đã thúc đẩy sự phát triển nội lực của cô gái khuyết tật.

Sau những ngày tháng chịu đựng sự miệt thị từ xã hội, Vân đã mạnh mẽ hơn. Giờ đây, những giọt nước mắt cô nuốt vào như chuyển hóa thành nghị lực. Vân vững vàng trên con đường tìm tòi tri thức của mình.

Hành trình tìm kiếm giá trị của bản thân

Lý giải cho cá tính có phần mạnh mẽ, quyết liệt, dám nghĩ dám làm của Vân có lẽ nên bắt đầu từ chính gia đình cô. Vân là người con thứ ba trong gia đình thuần nông. Ngoài chị thứ hai phát triển toàn diện cả về mặt thể chất lẫn trí tuệ, Vân và anh cả là Nguyễn Công Hùng đều là người khuyết tật. Người xưa có câu: không trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Tuy khiếm khuyết nhưng cả hai anh em cô đều rất thông minh.

Sau này, Nguyễn Công Hùng được vinh danh là Hiệp sĩ Công nghệ thông tin và nhận giải thưởng Dải băng xanh vì tài năng và sự đóng góp cho chính những người khuyết tật. Con người Vân cũng có cách sống, cách nghĩ tích cực như anh trai. Vân chia sẻ: "Mình từng mặc cảm. Mình muốn có một cơ thể khỏe mạnh, được chạy nhảy nô đùa. Sự thật thì vẫn là sự thật, thế nên mình chọn cách sống trọn vẹn từng phút giây".

Nữ Giám đốc khuyết tật và hành trình thực hiện sứ mệnh yêu thương - Ảnh 3.

Vân bắt đầu chặng đường tìm kiếm giá trị bản thân bắt đầu từ câu hỏi: "Làm thế nào để không sống hoài, sống phí?".

Sau khi tốt nghiệp THPT, Vân quyết định Nam tiến. Đây là sự lựa chọn không mấy dễ dàng. Vân nhớ lại: "Tôi không dám nói với bố mẹ rằng chuyến này tôi đi để tìm kế mưu sinh. Tôi sợ bố mẹ sẽ lo lắng và không cho phép đi nữa."

Vậy là cô gái bé nhỏ trên chiếc xe lăn, cùng một người bạn đồng hương lên đường đến mảnh đấy Tiền Giang trù phú. Xa nhà, Vân phải tự mình lo đủ thứ: nhà cửa, đồ ăn, công việc… Cô ở trong một khu trọ giá rẻ, nơi dành cho những kẻ cùng đời mạt hạng. Đàn ông thì làm bảo kê, đàn bà thì đi phục vụ khách làng chơi, người già thì bán vé số, còn người tật nguyền thì đi ăn xin. Ban đầu, Vân cũng rất sợ, cô cố gắng giữ cuộc sống của mình thật kín đáo.

Sau đó không lâu, cô về đến Sài Gòn. Số tiền tiết kiệm của ngày một vơi đi, nếu cô không đi làm thì việc đi tìm kiếm giá trị bản thân chỉ nằm yên trong những giấc mơ. Loay hoay một thời gian, Vân cảm giác khu đang sống vẫn không phải nơi cô thuộc về. Vậy là cô gái nhỏ lại lên đường đến Thủ đô hoa lệ.

Nữ Giám đốc khuyết tật và hành trình thực hiện sứ mệnh yêu thương - Ảnh 4.

Năm 2003, Vân đặt chân đến Thủ đô, Vân cùng ba người bạn khác ở trong khu ký túc xá cửa Đại học Sư phạm Hà Nội. Những người bạn cùng phòng cô rất tốt bụng, họ đã giúp cô trong một số hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Trong căn phòng bé nhỏ đến nỗi không có chỗ để xe lăn, Vân cặm cụi tìm kiếm công việc trên internet. Cô tìm được một số công việc phù hợp như gõ captcha, bóc băng ghi âm… Cô bắt đầu có thu nhập cá nhân. Nhưng chặng đường này có vẻ khó khăn hơn ở nơi Hà thành đắt đỏ. Để tiếp tục hành trình, Vân tiết kiệm từng chút một. Mỗi bữa ăn, trên mâm cơm của cả phòng chỉ có đậu phụ sốt cà chua, lạc rang muối và rau muống xào tỏi.

Vân tâm sự: "Những món ăn đạm bạc ngày đó đã hằn sâu trong tâm trí của tôi. Đó là những ngày tháng vô cùng khó khăn, nhưng tôi biết nếu mình không vượt qua thì sẽ không bao giờ thành công cả".

Không có ai…đơn độc một mình

Vân vẫn thường nói, những gì cô có ngày hôm nay đến từ sức mạnh của tập thể. Cô dành tấm lòng biết ơn đối với những người sẵn lòng đồng hành, hỗ trợ cô trong lúc khó khăn nhất. Điều Vân luôn tâm niệm suốt các hành trình "Tàn nhưng không phế" là sống sao để tạo ra những giá trị cho những người có hoàn cảnh giống như mình.

Khi mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu, Vân nhìn cuộc sống bằng ánh mắt tràn đầy lạc quan, nhiệt huyết dạt dào của tuổi trẻ.

Tuy nhiên, lập nghiệp không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Biết bao nhọc nhằn Vân đã trải qua, trong tâm khảm của cô luôn ý thức được rằng cô không được làm gì để bố mẹ lo lắng. Sau một thời gian, Vân tiết kiệm và thuê một căn chung cư tại bán đảo Linh Đàm cùng 8 người bạn khác. Thế rồi từ đó, một trang sách mới mở ra.

Vân cùng anh trai Nguyễn Công Hùng và một số người bạn thân thiết thành lập Trung tâm Nghị lực sống. Tại đây, dựa vào kiến thức và kinh nghiệm với tin học sẽ đào tạo tin học và hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật.

Những ngày đầu thành lập, học viên còn ít, cả nhóm của Vân đã phải xoay xở rất nhiều để có duy trì được trung tâm. Dù có khó khăn nhưng Vân nhất quyết không đi xin các quỹ từ thiện. Vân tâm sự: "Một trong những định kiến gắn liền với người khuyết tật và là việc nhận từ thiện. Để phá bỏ định kiến đó, tôi và anh Hùng nhất quyết không đi xin bất cứ khoản nào từ các quỹ. Nếu có các đối tác, chúng tôi sẽ đồng ý". Tư tưởng đó xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Trung tâm.

Làm thế nào để người khuyết tật có cơ hội được tiếp cận tri thức, tham gia vào quá trình xây dựng đất nước. Làm thế nào để xóa bỏ rào cản và trao quyền cho người khuyết tật. Đó mới là đích đến cuối cùng của Vân.

Khi trung tâm Nghị lực sống đã đi vào hoạt động ổn định, cô mở thêm công ty đồ họa chuyên làm cho các doanh nghiệp BĐS nước ngoài mang tên Imgator. Tại đây, hơn 50% nhân viên là người khuyết tật. Điều đầu tiên khi thành lập công ty Vân đã xóa bỏ toàn bộ rào cản trong môi trường làm việc, tạo sự bình đẳng và cầu nối giữa hai thế giới, một bên là người khuyết tật, một bên là những người đầy đủ khả năng vận động.

Nữ Giám đốc khuyết tật và hành trình thực hiện sứ mệnh yêu thương - Ảnh 5.

Cho đến nay, cô đã đến hơn 13 nước, cô chia sẻ về câu chuyện của những người khuyết tật tại Việt Nam và thế giới. Năm 2019, cô vinh dự lọt Top 3 người phụ nữa đạt giải thưởng HER ABILITIES (Giải thưởng vinh danh những người phụ nữ khuyết tật có những cống hiến góp phần thay đổi thế giới), cũng trong năm này, Vân được vinh danh là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Cô là người đã góp công lớn trong việc xóa bỏ định kiến đối với người khuyết tật. Khi được hỏi Vân cảm thấy gì khi nhận giải thưởng này, cô bình tĩnh trả lời: "Một phần trong tôi cũng thấy vui, nhưng đây không phải là niềm vui tôi hướng tới". Với cô cảm giác được nhìn các khóa học viên nối tiếp nhau trưởng thành, có công ăn việc làm ổn địch. Đó là món quà lớn nhất của Vân.

Vân tâm sự điều khiến cô luôn tự hào về bản thân mình đó là cô có thể cân bằng giữa gia đình - công việc- sở thích cá nhân. Đây là điều mà không phải ai cũng dễ dàng làm được. Cô dành thời gian để ở bên những người mình yêu thương, sẻ chia giá trị cùng cộng đồng, nhưng cũng không quên yêu thương bản thân. Lúc rảnh rỗi cô đi du lịch, ngày chưa dịch Covid 19 thì một năm sẽ đi 2 lần. Cuối tuần ngồi cà phê trà đá, cắn hạt hướng dương, nhìn ngắm phố phường. Vân bảo: "Tôi cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có. Nếu bất ngờ có biến cố gì đấy, việc đầu tên mình làm là bình tĩnh, hít thở sâu và bước tiếp".

Nữ Giám đốc khuyết tật và hành trình thực hiện sứ mệnh yêu thương - Ảnh 6.

Về chuyện tình yêu, Vân cũng có cho mình một gia đình nhỏ với chàng kỹ sư người Úc, Neil Bowden Laurence. Hai người quen nhau qua facebook, Neil ấn tượng bởi những tấm hình với nụ cười đầy tự tin của Vân. Sau một thời gian đồng hành cùng nhau, Neil ngỏ lời cầu hôn và Vân đã đồng ý. Chia sẻ với chúng tôi, Neil nói: "Tôi yêu Vân vì vẻ đẹp phát ra từ lòng yêu đời của cô ấy. Bên cạnh Vân tôi không cảm thấy đau đầu ". Hai người nhìn nhau đầy trừu mến. Người phụ nữ mạnh mẽ và cũng thật ngọt ngào, chị cười và nói ra một câu mà tôi nhớ mãi: "Trong tình yêu, không ai là thùng rác cảm xúc của ai cả. Hãy dành cho nhau sự tôn trọng và sẻ chia".

Trong tiết trời giao mùa của Hà Nội, Vân ngồi bên bàn làm việc. Bên cạnh cô là những bắp ngô của học sinh ở Trung tâm trồng được mang từ quê lên cho cô. Một nụ cười nở trên môi, đối với tôi cô là một người phụ nữ có nghị lực phi thường, còn đối với cộng đồng người khuyết tật cô là một người truyền cảm hứng.