Chị Út Tịch (Mẹ vắng nhà) – người mẹ anh dũng thời chiến

“Mẹ vắng nhà” là bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Chuyện lấy nguyên mẫu chị Nguyễn Thị Út. Cả 2 vợ chồng chị đều là những chiến sĩ trinh sát dũng cảm và mưu trí, tham gia kháng chiến, lập được nhiều thành tích trong việc tiêu diệt và tịch thu vũ khí của giặc.

Câu chuyện về chị Út Tịch được thể hiện trong bộ phim "Mẹ vắng nhà"

Dù vướng 9 con nhỏ nhưng chị Út Tịch vẫn không để chuyện gia đình ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu. Như thấu hiểu công việc của cha mẹ, các con của chị Út đều sớm có tinh thần tự lập, chăm sóc, bảo ban lẫn nhau để cha mẹ an tâm công tác.

Người xem có thể bắt gặp ở nhân vật chị Út Tịch, hình ảnh những người mẹ Việt Nam giàu tình yêu thương, kiên cường và quả cảm

Trong trận oanh kích bằng máy bay B52 của Mỹ vào ngày 27/11/1968 xuống vùng Tân Châu, Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang), chị Út Tịch và người con gái thứ 3 không may tử thương. Khi đó cô con gái út của chị mới được 14 ngày tuổi.

Khi chuyển thể tác phẩm cảm động này thành phim, đạo diễn Nguyễn Khánh Dư giữ nguyên được hồn cốt, tinh thần và thu hút được sự yêu mến của khán giả.


“Mẹ vắng nhà” nêu bật được tình yêu thương của người mẹ dành cho các con, đồng thời, nói lên lòng trung thành và tình yêu quê hương đất nước của người phụ nữ dũng cảm. Chị Út Tịch – người mẹ trong “Mẹ vắng nhà” không chỉ là tấm gương sáng, là niềm tự hào của các con mình mà còn là đại diện tiêu biểu của rất nhiều người mẹ thời chiến.

Chị Sứ (Hòn đất) – hình ảnh nữ du kích miền Nam kiên cường

“Hòn Đất” (1983) được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh Đức, bắt nguồn từ câu chuyện có thật về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân miền Nam trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt.

“Hòn Đất” là một thiên sử thi bi tráng với các tuyến nhân vật được xây dựng công phu và trở nên nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, trong đó, nổi bật nhất là nhân vật chị Sứ.

Nổi bật trong bộ phim là hình tượng chị Sứ – người nữ du kích đằm thắm, dịu dàng nhưng vô cùng bất khuất, ngoan cường trước kẻ thù

Bộ phim mô tả cuộc chiến ác liệt đầu năm 1961 giữa 1 bên là những du kích Hòn Đất chỉ với những vũ khí thô sơ và bên kia là đội quân Sài Gòn cùng các cố vấn Mỹ hùng hậu, sở hữu nhiều vũ khí tối tân. Trong cuộc đối đầu ấy, mất mát, hy sinh là không tránh khỏi nhưng những chiến sĩ Hòn Đất dũng cảm vượt qua tất cả để chiến thắng mọi mưu đồ thâm hiểm nhất của kẻ thù.

Nổi bật trong bộ phim là hình tượng chị Sứ – người nữ du kích đằm thắm, dịu dàng nhưng vô cùng bất khuất, ngoan cường trước quân địch. Bị địch bắt, tra tấn, hành hạ dã man nhưng chị Sứ vẫn cắn răng, không khai nửa lời về đồng đội. Hình tượng chị Sứ được xây dựng từ nguyên mẫu nữ anh hùng Phan Thị Ràng – người con vùng đất xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

Hình tượng chị Sứ được xây dựng từ nguyên mẫu nữ anh hùng Phan Thị Ràng – người con vùng đất Kiên Giang

Hình ảnh người con gái Kiên Giang với suối tóc dài chấm gót bị kẻ địch dùng dao chém, gậy đâm khiến bao thế hệ người xem ứa nước mắt và sôi sục lòng căm thù quân địch bất nhân, tàn độc. Cuối cùng, chị Sứ chấp nhận bị giặc chặt đầu để bảo toàn sự sống cho đồng đội, bảo vệ lý tưởng cách mạng mà chị nguyện suốt đời đeo đuổi.

Vai chị Sứ, nữ anh hùng trong phim được giao cho cô giáo Ngô Thị Hiệp Định (sinh năm 1954), khi đó đang là giáo viên dạy sử của trường Trung học sư phạm TP. HCM. Do sinh vào lúc hiệp định Geneva được ký kết nên bà có tên là Hiệp Định. Sau vai diễn để đời này, bà quay lại với nghề dạy học dù nhận được không ít những lời mời đóng phim khác.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Đừng đốt) – cô gái Hà Thành can trường

Năm 2005, cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” tạo nên hiện tượng văn học trong giới trẻ chỉ sau vài tuần phát hành. Qua những trang viết còn sót lại của nữ bác sĩ, chiến sĩ Đặng Thùy Trâm, công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm hiểu, thấm thía và cảm phục tinh thần chiến đấu, hy sinh của thế hệ cha anh thời bom đạn.

Chuyển thể từ cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, "Đừng đốt" tạo tiếng vang lớn trong nhiều liên hoan phim quốc tế

4 năm sau đó, đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa cuốn nhật ký này lên màn ảnh, lấy tên “Đừng đốt”. Cũng giống như nguyên bản văn học, bộ phim tạo nên tiếng vang lớn trong nhiều liên hoan phim quốc tế khắp 5 châu.

Ban đầu, bộ phim được mang tên “Đừng đốt, trong đó đã có lửa”. Đây là lời nói của Huân – sĩ quan Việt Nam Cộng hoà, trước khi trao cuốn nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm cho Frederic Whitehurst, người lưu giữ nó trong suốt mấy chục năm. Sau đó Đặng Nhật Minh, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn quyết định rút ngắn tên phim lại thành 2 từ đơn giản “Đừng đốt”.


Nhân vật chính trong phim là liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm. Phim tái hiện những tháng ngày, cô gái Hà Thành sống, công tác tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi. Khi lệnh sơ tán khẩn cấp được ban bố, các bác sĩ và thương binh di chuyển hết, chỉ còn bác sĩ Trâm cùng 2 y tá được phân công ở lại chăm sóc những thương binh quá nặng.

Ðồng đội ra đi với lời hẹn 3 ngày sau quay lại đón. Nhưng họ bị bỏ quên giữa chiến trường, trên đầu là máy bay, bom đạn và những trận mưa rừng nhiệt đới, xung quanh đầy biệt kích. Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu, nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu, nữ bác sĩ trẻ Hà Thành ghi lại những trận bom và cả nỗi đau cô phải chứng kiến lên trang nhật ký.

Qua cuộc chiến của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, công chúng, đặc biệt là người trẻ thêm hiểu, thấm thía và cảm phục tinh thần chiến đấu, hy sinh của thế hệ cha anh thời bom đạn

Nhưng thật đau xót, cô gái tài năng, bản lĩnh ấy phải vĩnh viễn nằm lại nơi trận địa ác liệt trước khi giấc mơ hòa bình trở thành hiện thực. Năm 1990, tức 20 năm sau ngày chị mất, gia đình mới được đón chị trở về với mảnh đất Thủ đô yêu dấu.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi công chiếu, “Đừng đốt” nhận nhiều giải thưởng danh giá như giải khán giả bình chọn của Liên hoan phim Fukuoka ở Nhật Bản, giải Bông sen vàng, Cánh diều vàng và được công chiếu tại nhiều nước trên thế giới.

Mây (Người trở về) – người phụ nữ thời hậu chiến

“Người trở về” (đạo diễn Đặng Thái Huyền) lấy ý tưởng từ truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Phim xoay quanh câu chuyện về nhân vật Mây (Lã Thanh Huyền đóng) – cô thiếu nữ sinh ra ở đồng bằng Bắc Bộ. Tuổi trẻ của cô là những ngày tháng bôn ba trên khắp nẻo đường Trường Sơn. 1 năm sau ngày giải phóng, Mây khoác ba lô trở về bến sông Châu với niềm vui đoàn tụ gia đình và gặp lại San – mối tình thề hẹn trước ngày ra trận.

Số phận người phụ nữ thời hậu chiến được phản ánh đầy cảm động trong "Người trở về"

Trớ trêu thay, ngày Mây về lại là ngày cưới của San. Đồng thời, gia đình cũng đang chuẩn bị làm đám giỗ khi nhận được giấy báo tử của cô tròn 1 năm trước. Không muốn thêm 1 người phụ nữ nữa đau khổ, Mây từ chối ý định “cùng nhau làm lại từ đầu” của San. Không chỉ hàng ngày chứng kiến hạnh phúc gia đình mà Thanh – vợ San cố phô bày; sự dằn vặt, dùng dằng của người yêu cũ mà những vết thương, sự ám ảnh chiến tranh, hy sinh của đồng đội cũng hiện về đêm đêm ám ảnh Mây trong từng giấc ngủ. Để tránh khó xử cho cả 3 người, Mây rời nhà ra bến đò, sống cô độc, cho đến ngày Quang tìm về tận bến sông Châu tìm cô.

Chiến tranh qua đi nhưng vết thương về cả thể xác và tinh thần vẫn ám ảnh người phụ nữ

Người lính trinh sát miền Nam ở chiến trường năm ấy, vì những cơ duyên nơi chiến trận rong ruổi khắp nơi tìm cô y tá ngày nào chỉ với địa chỉ mơ hồ “ở bến sông Châu”. Quang nguyện ở lại, dùng tấm chân tình, yêu thương, chăm sóc cô suốt cuộc đời này. Nước chảy thì đá cũng mòn, nhưng ngày Mây quyết định lấy Quang cũng là ngày cô biết được sự thật: vết thương thời chiến đã lấy mất đi khả năng làm mẹ.

Không muốn Quang phải chịu thiệt thòi, Mây hắt hủi, xa lánh Quang và nói dối rằng, cô vẫn còn yêu San tha thiết. Một đêm mưa gió, cám cảnh phận đời mình, Mây ra bến sông, bỏ làng, thả thuyền trôi theo dòng sông Châu vô định. Và trong mù mịt gió mưa, Quang xuất hiện, băng qua dòng nước lũ để tới được thuyền của Mây. Cả 2 cùng con thuyền trôi xuôi về dưới hạ nguồn…

Câu chuyện giản dị, nhân văn về hành trình của người lính tìm lại hạnh phúc sau cuộc chiến chắc chắn sẽ khiến người xem cảm động

Câu chuyện về những người lính trở về từ cuộc chiến và phải đấu tranh, vất vả kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình cũng từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm điện ảnh trước đây. Song với “Người trở về”, đạo diễn Đặng Thái Huyền đưa tới người xem những góc nhìn mới, mềm mại, giản dị, nhân văn nhưng vẫn không thiếu phần sâu sắc. “Chúng tôi chỉ muốn mang đến cho khán giả một câu chuyện về số phận người phụ nữ thời hậu chiến – qua cách nhìn, qua cách kể chuyện của những người rất trẻ như chúng tôi”, đạo diễn 8X tâm sự.

Ra rạp dịp 2/9 vừa qua, phim gây xúc động cho nhiều khán giả.

Theo Báo Thời đại