Ba lần thi IELTS đều đạt từ 8.0 trở lên, nhưng Linh luôn cảm thấy chưa tự tin ở kỹ năng viết. Sau lần thi đầu tiên được 6.0, Linh nhận ra mình chưa tập trung ôn luyện, chưa tích lũy nhiều từ vựng học thuật và chưa biết kiểm soát thời gian.

Những lần thi sau, điểm viết của Linh đã lên 7.0 và 7.5. Tự đánh giá điểm viết chưa tốt nhưng với Linh đó là bước tiến dài. Cô gái 9X chia sẻ kinh nghiệm cải thiện kỹ năng viết.

Hiểu format bài thi và tiêu chí chấm điểm

Cũng như kỹ năng nói, trước khi thi bạn cần hiểu cách ra đề cũng như tiêu chí chấm điểm của band điểm mà bạn hướng tới là gì. Ví dụ: Bài thi gồm những phần gì? Có các dạng câu hỏi ra sao? Để tới được band 7.0 cần các yếu tố gì?

IELTS là bài kiểm tra trình độ tiếng Anh, nhưng vẫn là bài thi nên bạn cần hiểu cách viết trước khi thi.

Bạn nên tìm thông tin trước khi bắt đầu luyện tập; hoặc nếu đăng ký thi của British Council bạn nên xem các video hướng dẫn trong gói Road to IELTS mà họ gửi kèm. Trong đó có nhiều mẹo và hướng dẫn cụ thể về tiêu chí chấm điểm.

                     Linh hiện là giáo viên dạy IELTS tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Viết chất lượng thay vì số lượng

Linh thừa nhận ngại viết bài nên trong cả năm ôn tập chỉ viết được số bài ít ỏi. Tuy nhiên, với những bài đó, cô nhờ nhiều giáo viên, đồng nghiệp đã có kinh nghiệm và điểm thi Writing tốt chữa kỹ càng. Cô bám theo cách sửa đó mà cải thiện từng điều nhỏ, từng điểm yếu và lỗ hổng kiến thức.

Với kỹ năng viết, Linh khuyên nên tìm người có trình độ và sẵn sàng "soi" tỉ mỉ lỗi để giúp chữa bài và nhận ra lỗi sai. Nhờ có người chữa, Linh sửa được nhiều lỗi về tư duy của Task 2. Cô cũng rút ra không nên viết bài tràn lan mỗi ngày mấy bài, vì việc này giúp bạn quen tay, viết nhanh hơn hoặc nhớ được từ vựng hơn nhưng ít khi giúp cải thiện chất lượng bài viết.

Thay vào đó, bạn nên đào sâu, học kỹ mỗi ngày rồi dồn hết tinh hoa mới đó vào một bài viết thật chất lượng (có thể hai ngày viết một bài thay vì một ngày hai bài) rồi chữa kỹ.

Học từ vựng

Linh đúc kết được hai điều sau khi đã học tiếng Anh và tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nhật, đó là học từ vựng cần trong ngữ cảnh (theo ví dụ đầy đủ). Học trong ngữ cảnh để biết chính xác cách sử dụng từ, bởi có nhiều từ tuy dịch ra tiếng Việt nghĩa giống nhau, khi vào câu tiếng Anh lại khác nhau. Bạn nên tra từ điển Anh - Anh từ các nguồn chuẩn và tin cậy, có ví dụ, cách giải thích ngắn gọn, dễ hiểu.

Khi tra từ điển, Linh thường đọc ví dụ bởi từ được đặt trong ngữ cảnh nên rất dễ phân biệt. Ngoài ra, cô còn chăm đọc bài mẫu để học thêm từ vựng.

Theo Linh, học từ vựng cần lặp đi lặp lại. Nếu đi học và hôm sau không ôn lại ngay, bạn sẽ quên ít nhất 70% kiến thức đã học. Nhưng mỗi ngày chỉ cần 10 phút nhắc lại, sau một tuần bạn có thể nhớ được lượng từ lớn.

Để học tốt từ vựng, Linh có một cuốn sổ ghi từ. Cô ghi từ mới thật to và rõ ràng ở một bên, bên còn lại là nghĩa và ví dụ, liên tục cập nhật thêm từ vựng mỗi ngày.

Mỗi ngày trước khi đi ngủ khoảng 15 phút (hoặc nhiều hơn tuỳ mỗi người), Linh giở sổ ra và đọc một lượt từ cũng như cách sử dụng một lần. Sau khi đọc một lượt, cô quay lại từ đầu, nhưng lần này che phần nghĩa và ví dụ. Lúc này cô sẽ có khoảng một vài từ đã nhớ qua nghĩa.

Linh quay lại từ đầu lần nữa, vẫn che phần nghĩa và những từ nào nhớ sơ sơ rồi sẽ lướt qua nhanh, chỉ ngó lại nghĩa xem nhớ đúng không. Lặp đi lặp lại như vậy đến khi chuẩn bị đi ngủ, cô sẽ chỉ còn một vài từ chưa nhớ.

Sau đó mỗi ngày, cô đều lặp lại quy trình trên một lần trước khi ngủ. Một tuần sau, Linh đã nhớ được đáng kể từ vựng. Linh khuyên vẫn cần đưa từ vựng học được vào luyện viết bài, thay vì chỉ học từ không.

Theo vnexpress