leftcenterrightdel
 

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà ở phố Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không lâu sau khi Nữ tướng Nguyễn Thị Định qua đời. Nơi đây, bà Nguyễn Thị Định đã sống và làm việc từ những năm sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Góc trang trọng nhất của ngôi nhà đặt bàn thờ nữ tướng quân. 

Tôi như nghe có tiếng chân ai nhẹ nhàng bước vào nhà. Tôi ngước lên. Không, không có ai cả. Chỉ có bức di ảnh bà Nguyễn Thị Định trên bàn thờ. Bát hương đã đầy. Những thẻ nhang cháy đã cong và những thẻ hương mới được thắp lên... Bức di ảnh của bà chìm khuất trong làn khói mỏng nhẹ, quấn quít. Bà có một vẻ đẹp phúc hậu và sâu thẳm đến kỳ lạ. Đôi mày thanh của bà hơi chau lại như đang nghĩ đến một điều gì đó, đôi mắt dưới làn kính trắng nhìn vào một cõi xa xăm. Một chiều sâu tâm linh ẩn chứa trong gương mặt tròn phúc hậu. Bà hiện ra trước mắt tôi, vừa đường bệ vừa gần gũi. Dường như những tấm huy chương, huân chương lấp lánh, đầy trên ngực áo dài của bà không chút khái niệm gì đến nét buồn sâu kín, đằm thắm trên gương mặt của một vị phó Tổng tư lệnh tiếng tăm lừng lẫy...

Đó là một ngày đầu tháng 7, vào lúc 12 giờ trưa, chị Trương Mỹ Hoa lúc ấy là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam dự một phiên họp quan trọng trở về nhà... Chị nghẹn ngào nhắc đến những kỷ niệm về bà Nguyễn Thị Định mà cái tên thân mật "Dì Ba" đã đi vào lòng người: "Ngày nhận huy chương 50 năm tuổi Đảng, dì Ba thức dậy rất sớm. Hôm ấy, dì không mặc quân phục mà chọn cho mình bộ quần áo dài trắng khiến tôi rất ngạc nhiên…".

Tôi thầm nghĩ: "Phải chăng đó là ý thích của bà. Bà chuộng sự giản dị, trong sáng, cũng như tấm lòng yêu nước, khao khát độc lập, mang lại sự phồn vinh cho Tổ quốc. Nỗi khao khát ấy cũng chính là sức mạnh tiềm ẩn trong con người giản dị của bà, để từ một cô gái xinh đẹp, hiền lành của xứ dừa, bà đã làm nên những kỳ tích khiến cả thế giới phải khâm phục, sững sờ".

leftcenterrightdel
Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ khóa V gồm 109 ủy viên do bà Nguyễn Thị Định làm Chủ tịch ra mắt Đại hội (5/1982). Ảnh: TTXVN 

Gần bảy năm trời, chị Trương Mỹ Hoa đã làm việc bên cạnh bà Nguyễn Thị Định. Chị nói đó là khoảng thời gian quý báu của cuộc đời chị. Trước mặt chị, bà Nguyễn Thị Định là một tấm gương trong đời sống, để chị cảm nhận một cách sâu sắc cái giá của những ngày hoà bình, hiểu thêm trọng trách đè nặng lên vai chị trong cương vị của một người kế tục. Chị Trương Mỹ Hoa rưng rưng kể: "Tôi không sao quên được hình ảnh dì Ba trong một lần vào Nam. Hôm ấy tôi tiễn dì Ba đi. Dì Ba thức dậy rất sớm. Dì Ba bước ra xe, trên vai, một bên là bọc hài cốt của đứa con trai yêu, một bên vai là gói hài cốt của đứa con trai của một đồng chí mình. Dì Ba đã cho bốc mộ hai đứa con miền Nam đã chết ở miền Bắc, đưa các anh trở về quê hương xứ sở khi nước nhà đã thống nhất. Hành lý của dì Ba vào Nam sau khi giã từ chức vụ chỉ có vậy. Dì Ba lầm lũi bước ra xe trong tiết trời buốt giá. Tôi không hiểu lòng người mẹ đau đớn, lạnh lẽo đến mức nào. Nước mắt tôi trào ra. Bóng dì Ba mờ dần. Phải chăng suốt cuộc đời dì ba, cái còn lại quý giá nhất trong đời riêng là hai gói hài cốt oằn nặng trên đôi vai... Đó là hình ảnh của dì ba đã để lại ấn tượng không bao giờ nhạt phai trong tâm trí tôi. Cứ nhớ đến hình ảnh đó của dì Ba là lòng tôi lại quặn lên một nỗi đau.…"

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thị Định thăm mộ con trai Nguyễn Ngọc Minh tại nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội) năm 1974 

Một ngày cuối tháng 8 năm 1992, người chị của đội quân tóc dài, Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã ra đi vĩnh viễn. Bà ra đi thanh thản trong bộ quần áo dài trắng như trong buổi đi đón huân chương. Những tấm huy chương lấp lánh trên nền ngực áo dài trắng của bà. Bà giống như một bà tiên sau khi đã hoàn thành những sứ mệnh trần gian, chính trên đất nước Việt Nam này. Chất anh hùng của bà ngấm vào đời sống sau khi bà ra đi.

Trong ngôi nhà bà Nguyễn Thị Định từng sống ở đường Pasteur (TPHCM), chị Mẫn - từng là người thư ký riêng cũng là cháu ruột bà Nguyễn Thị Định trao cho tôi những dòng bút tích của bà. Tôi vô cùng xúc động khi cầm trên tay tờ giấy đã ố vàng, cũ kỷ ghi những dòng bút tích đầy trăn trở, tâm huyết của bà, hình như đó là thư bà gửi cho lãnh đạo một cơ quan làm nhiệm vụ chính sách: "…tác phong thái độ của cán bộ, có số chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm và tình thương đối với quần chúng đối tượng, cửa quyền rấy rà hơn là giải thích chính sách. Cách giải quyết chế độ chính sách còn máy móc, chưa vận dụng có tình, có lý, đồng chí chú ý giáo dục anh chị em ngành Thương binh xã hội nhận thức rõ là cơ quan thay mặt Đảng bộ thể hiện tình nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn, có như thế mới củng cố chỗ dựa cách mạng vững chắc, dù kẻ thù lắm mưu nhiều kế cũng không làm gì ta được. Khi xây dựng các ngành cơ quan ta cũng phải có phương pháp luôn phải đề cao ưu điểm, nói lên yêu cầu chức năng nhiệm vụ, từ đó anh chị em liên hệ thấy chỗ nào còn thiếu sót phải khắc phục, không nên nói ai phát hiện, ai nói, ai phê phán đâm ra rắc rối thêm không sửa chữa được. Đây cũng là nghệ thuật lãnh đạo. Tôi tin rằng đồng chí là người tiếp thu nhạy bén tình hình mới và hay lắng nghe ý kiến anh chị em cán bộ của quần chúng, tình nghĩa cũng thủy chung, đó là mặt mạnh của đồng chí, tin rằng đồng chí sẽ phát huy tốt hơn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mong đồng chí luôn giữ gìn sức khỏe cho tốt, thư này vừa tình đồng chí cũng là tình chị em, mong đồng chí thông cảm cho".

30 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bia lưu niệm trụ sở Cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam được dựng lên giữa cánh rừng Tây Ninh. Hàng ngàn đại biểu khắp mọi miền đất nước gặp nhau, cùng bồi hồi xúc động, như còn thấy rõ dấu chân của đồng chí Nguyễn Thị Định - Hội trưởng, vị tướng của đội quân tóc dài, người đã sáng tạo ra chiến pháp đặc sắc "Ba mũi giáp công" để phụ nữ miền Nam sử dụng hiệu quả nhất trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tất cả đều rơi nước mắt. Hình bóng "Dì Ba Định" dường như vẫn còn lẩn khuất đâu đây, thấm trong máu thịt của những người đang sống.    

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho bà Nguyễn Thị Định (tháng 3/1990). Ảnh tư liệu 

Hiếm có người phụ nữ nào vinh dự nhận được sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân như bà Nguyễn Thị Định. Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: "Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta". Năm 1982, bà được bầu Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế; năm 1986, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Nhân dân Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội) đã rước bát hương thờ bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền Hai bà Trưng với niềm tự hào, ngưỡng mộ về một nữ tướng thời đại Hồ Chí Minh. Ở Cuba, có một làng mang tên Nguyễn Thị Định. Tên của bà được nhiều phụ nữ trên thế giới hâm mộ đặt tên cho con mình. Hình ảnh bà khi xuất hiện ở nước ngoài làm nổi bật vị thế Việt Nam . Nhưng đằng sau vinh quang, huyền thoại Nguyễn Thị Định là nỗi đau, nước mắt… Sau 30 năm bà đi vào cõi vĩnh hằng, một trăm năm hay nhiều năm sau nữa, người đời sau đồng cảm, trân trọng, yêu mến, ngưỡng mộ biết bao những nỗi đau, mất mát, những giọt nước mắt bà đã lặng lẽ giấu kín trong đêm trước cuộc cách mạng. Những giọt nước mắt ấy đã trở thành châu ngọc tỏa sáng, soi đường cho thế hệ sau tiếp bước…

Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 – 1992)

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước.

Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938) bà được kết nạp Đảng.

Năm 1940, bà lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước)

Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8-1945. Bà là một trong những người đầu tiên vượt ngàn trùng hiểm nguy và mọi sự kiểm soát gắt gao của địch, cùng anh em cảm tử mở đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vũ khí, đạn dược tiếp viện cho phong trào đấu tranh ở Nam bộ, dấy lên ngọn lửa Đồng Khởi – Bến Tre.

Năm 1961, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam

Năm 1965, bà được cử làm Phó Tổng tư lệnh lực lượng võ trang giải phóng miền Nam Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1974, bà Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), bà là Ủy viên BCH Trung Ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ LĐTB&XH). Từ Tháng 6/1980 đến năm 1992, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (1982-1992), Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam – Cuba, Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới, Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Bà được tặng thưởng nhiều Huân chương và Huy chương: Huân chương Chiến công hạng nhất; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy hiệu Bác Hồ, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin; Được Đảng và Chính phủ Cuba trao tặng Huân Chương HiRon và nhiều Huân chương khác.

Ngày 26/8/1992, sau một cơn bệnh tim đột ngột, bà Nguyễn Thị Định đã ra đi vĩnh viễn, thọ 72 tuổi.

Ngày 30/8/1995, bà đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhà văn Trầm Hương