leftcenterrightdel
Bà Ba Định thăm mộ con trai 

Tiễn con đi rồi, bà Nguyễn Thị Định tiếp tục cuộc đấu tranh, buộc địch thi hành Hiệp định Genève. Tên tuổi bà Nguyễn Thị Định gắn liền với cuộc Đồng khởi ở Bến Tre, sau đó lan rộng khắp miền Nam. Nhưng sau này, bà rất khiêm tốn nói rằng chính nỗi bức xúc, tức nước vỡ bờ của nhân dân mà Đồng khởi đã nổ ra. Nó như dòng thác bị bức tường tù ngục Mỹ - Diệm chặn lại gần 4 năm trời, chỉ cần khơi nhẹ là thác lũ tràn bờ. Đó là nỗi bức xúc của nhân dân khi vào cuối năm 1959, Mỹ - Diệm cho xây khu trù mật ở Bến Tre. Ý đồ thâm độc của chúng là gom tất cả gia đình người đi tập kết, cán bộ thoát ly và đồng bào yêu nước vào địa ngục trần gian này.

Luật 10-59 của Mỹ Diệm gieo bao đau thương tang tóc cho người dân. Máy chém lê đi khắp nơi, nhà tù mọc lên khắp miền Nam. Báo chí chính quyền Diệm cổ động "hễ bắt được cộng sản thì xử tại trận, chém không run tay". Những quần chúng ở Mỏ Cày vừa khóc, vừa căm phẫn nói với bà Định: "Chị Ba ơi, phải vũ trang mới sống, không thì anh em chết hết. Lúc này cho vũ trang, chị gọi một tiếng là bà con đi ngay, chớ sống như vầy thế nào nó cũng đốt nhà, giết mình. Mình không có gì chống đỡ, chịu sao nổi!".

Điều mong mỏi tha thiết của bà con cũng là nỗi mong đợi tha thiết của Tỉnh ủy. Nhưng bà và các đồng chí của mình luôn bị giằng xé, giữa một bên là ý thức chấp hành kỷ luật Đảng, một bên là nỗi bức xúc phải vũ trang để bảo vệ nhân dân.

May sao, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời. Từ hội nghị Khu ủy, bà ước mình mọc cánh bay ngay về Bến Tre, phát động vũ trang. Về đến nơi, bà mới biết Tỉnh ủy đã dời đi. Vô cùng vất vả, bà mới tìm được một số thành viên trong Tỉnh ủy, lại không liên lạc được Bí thư. Bà trình bày nội dung Nghị quyết, bức xúc hỏi: "Đợi tìm được đầy đủ Tỉnh ủy thì lỡ mất thời cơ, mà thi hành thì chúng ta chỉ là thiểu số. Vậy chúng ta có gan làm và cùng chịu trách nhiệm không?". Đang sôi sùng sục, "hít" mạnh vũ trang, chợt mọi người im lặng, suy nghĩ dữ dội. Cuối cùng, đồng chí Bảy Hiền - Tỉnh ủy viên - nêu ý kiến: "Dứt khoát phải làm ngay mới kịp. Ta cứ nổi dậy, tức khắc sẽ bắt được liên lạc". Mọi người cùng "có gan làm và cùng chịu trách nhiệm".

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Định cùng các lãnh đạo hội Phụ nữ Giải phóng trong rừng miền Đông Nam bộ

Trong hoàn cảnh "Cộng sản bị đặt ngoài vòng pháp luật", tìm một nơi tổ chức một cuộc họp an toàn cho 7 người thật không dễ. Cuối cùng, họ quyết định họp nhà chị Út, xã Tân Trung, có đầy đủ đại biểu bên cù lao Minh. Tuy nhiên, bà vô cùng lo lắng vì vẫn chưa bắt được liên lạc với đồng chí Tám Phẩm - Bí tư Tỉnh ủy lúc đó đang ở cù lao Bảo. Họ được gia đình ông Năm giả đi giăng câu canh gác. Không ai ngờ 7 người trong gian buồng bé nhỏ, được soi sáng bởi ngọn đèn khi mờ khi tỏ năm ấy đã thắp lên ngọn lửa Đồng khởi, đi vào lịch sử cách mạng miền Nam . Họ sẵn sàng nhận kỷ luật, miễn sao phát triển được phong trào. Và Đồng khởi đã diễn ra…

Ngày 17/1/1960, trận đánh diệt Tổng đoàn dân vệ ở xã Định Thủy, Mỏ Cày đã báo hiệu giờ đồng loạt nổi dậy cuộc Đồng khởi. Lực lượng vũ trang được sự phối hợp nổi dậy mạnh mẽ của đồng bào, lấy gọn bót Định Thủy. Ngày 27/2/1960, hàng ngàn đồng bào Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy ngồi trên mấy trăm chiếc xuồng kín mặt sông, chở quần áo, mùng màn, giẻ rách; bồng con cái nối đuôi nhau ra thị trấn. Các xã khác cũng ùn ùn kéo theo. Đám đông càng đông hơn. Lực lượng ấy phần lớn là phụ nữ. Họ tổ chức thành đội ngũ hẳn hoi, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, bom pháo, đòi bồi thường nhân mạng…

Tên cảnh sát đóng chặt cổng. Giằng co suốt 12 ngày đêm, địch đành chấp nhận yêu sách, kéo nhau đến xã Phước Hiệp thừa nhận tội ác bọn thủy quân lục chiến và hứa rút bọn này về. Cuộc đấu tranh chính trị thắng lợi rực rỡ của lực lượng phụ nữ Mỏ Cày đã khẳng định sức mạnh đội quân mới, rất hùng hậu, rất lợi hại mà chính quyền Mỹ Diệm gọi là "đội quân đầu tóc".

leftcenterrightdel
 

Sau này, Bác Hồ gọi đội quân này là "đội quân tóc dài". Tên tuổi Nguyễn Thị Định gắn liền với cuộc Đồng khởi như sóng triều vang dậy, lan khắp miền Nam . Tên tuổi của bà cũng gắn liền đội quân tóc dài - người chị cả đã sáng tạo nên chiến pháp ba mũi giáp công. Đội quân tóc dài hàng ngàn người ở Bến Tre nhân rộng hàng triệu người, không có tấc sắt trong tay nhưng có sức mạnh phi thường, phá vỡ nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều cuộc càn quét lớn của địch, góp phần đáng kể làm sụp đổ thành trì chế độ Sài Gòn.

Niềm vui khi ngọn lửa Đồng khởi nhen lên khắp các tỉnh Nam bộ chưa tắt thì bà nhận được tin con trai đuợc gửi ra Bắc học mất vì bệnh. Bà bàng hoàng, sửng sốt, thấy trời đất quay cuồng. Chính tấm lòng của nhân dân đã động viên bà vượt qua nỗi đau đớn ấy. Máu đồng bào còn tiếp tục chảy, sứ mạng duy trì và phát triển ngọn lửa Đồng khởi còn trĩu nặng trên đôi vai bà. Người chỉ huy lau nước mắt, nén lại nỗi đau, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt…

Bà lại tiếp tục gánh trên đôi vai trọng trách với dân với nước. Tháng 5/1961, bà được bầu vào Khu ủy viên khu 8, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ khu 8. Năm 1965, bà là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Cũng trong năm 1965, giữa lúc đang công tác ở cơ quan Hội phụ nữ, bà được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời sang gặp Bộ tư lệnh Miền, giao nhiệm vụ: "Bác Hồ và Bộ chính trị quyết định rút chị lên làm Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Chỉ huy phân công chị theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị". Bà ngỡ ngàng trước trọng trách được giao, vừa thấy tự hào, vừa bày tỏ nỗi lo lắng. Tướng Nguyễn Chí Thanh nói: "Cuộc chiến tranh nhân dân của ta là cuộc chiến tranh không có trận tuyến, phải đánh giặc bằng quân sự và bằng chính trị. Do nhu cầu của chiến lược, Bộ Tư lệnh Miền phải có một đồng chí biết rành về chỉ huy lực lượng đấu tranh chính trị trực diện. Chị cứ mạnh dạn nhận nhiệm vụ, cần gì chúng tôi sẽ hỗ trợ".

Bà thao thức suốt mấy đêm không ngủ. Bà tự nhủ đã nhận nhiệm vụ thì phải ráng hết sức, phải học, vừa làm vừa học. Bà chợt nhớ lời dạy của Bác cách đó 20 năm, trong chuyến ra miền Bắc xin Trung ương hỗ trợ vũ khí đánh Pháp. Với tinh thần nghiêm túc, giữa rừng sâu, bà lao vào học lý luận, nghiên cứu khoa học quân sự. Bà cũng rất vui khi biết tướng Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm đến phong trào phụ nữ. Ông chăm chú theo dõi các báo cáo của Tô Thị Huỳnh, tỏ lòng khâm phục cô gái 19 tuổi đã tham gia 105 trận đánh. Khi nghe Hai Xuân báo cáo diễn biến cuộc đấu tranh chính trị lớn gồm 25.000 người, ông chân thành bày tỏ sự ngưỡng mộ: "Các chị thực sự đã chỉ huy một trận đánh cấp sư đoàn rất giỏi". Sự có mặt của Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định trong Bộ Tư lệnh Miền đã cung cấp cho lãnh đạo cái nhìn toàn diện, thấu đáo hơn từ cuộc chiến tranh nhân dân.

Thượng tướng Trần Văn Trà từng nói về nữ tướng Nguyễn Thị Định:

"Sự thực là có chị Ba Định ở Bộ Chỉ huy, nhiều việc cụ thể ở chiến trường đã được làm sáng tỏ. Dưới sự chỉ đạo của  anh Nguyễn Chí Thanh ở cương vị Chính ủy (năm 1967, anh Thanh bị bệnh mất, anh Nguyễn Văn Linh thay, và đến 1968 thì anh Phạm Hùng đảm nhận vai trò Chính ủy Bộ tư lệnh Miền), chúng tôi được phân công giúp chị nắm những vấn đề cơ bản về chỉ huy và công tác tham mưu quân đội, cũng như công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang, đồng thời chúng tôi cũng được học tập được ở chị nhiều kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo đấu tranh chính trị và trong công tác xây dựng phong trào quần chúng. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự thông minh và hiểu biết nhanh chóng của chị về các vấn đề quân sự. Chỉ sau một thời gian không dài, chị đã có nhiều ý kiến đóng góp có giá trị trong việc chỉ huy lực lượng tổng hợp trên chiến trường.

Trong công tác, chị bộc lộ khá rõ sự năng động và tinh thần tích cực, hết mình trong mọi việc. Chị hầu như hầu như có mặt trong tất cả các cuộc hội nghị tổng kết về chiến tranh du kích, trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua của Miền. Chị đi thăm các sư đoàn, trung đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng ở nơi đóng quân và ngay ở những đơn vị đang tác chiến. Chị không chỉ quan tâm đến việc tổ chức, huấn luyện, tác chiến của bộ đội, mà còn chăm lo cụ thể đến việc ăn ở, giải trí của chiến sĩ. Anh em tiếp đón chị như người chỉ huy, đồng thời như người chị cả thân thương, họ thường gọi chị bằng cái tên "Chị Ba" trìu mến. Anh Nguyễn Chí Thanh có lần nói với chị là "Chúng tôi ghen với chị về lòng thương yêu, quý mến của cán bộ, chiến sĩ đối với chị ba đấy…".

Nữ tướng Nguyễn Thị Định (1920 – 1992)

Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước.

Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938) bà được kết nạp Đảng.

Năm 1940, bà lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước)

Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8-1945. Bà là một trong những người đầu tiên vượt ngàn trùng hiểm nguy và mọi sự kiểm soát gắt gao của địch, cùng anh em cảm tử mở đường Hồ Chí Minh trên biển đưa vũ khí, đạn dược tiếp viện cho phong trào đấu tranh ở Nam bộ, dấy lên ngọn lửa Đồng Khởi – Bến Tre.

Năm 1961, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam

Năm 1965, bà được cử làm Phó Tổng tư lệnh lực lượng võ trang giải phóng miền Nam Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1974, bà Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), bà là Ủy viên BCH Trung Ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ LĐTB&XH). Từ Tháng 6/1980 đến năm 1992, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (1982-1992), Chủ tịch Hội Hữu nghị đoàn kết Việt Nam – Cuba, Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ thế giới, Ủy viên đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

Bà được tặng thưởng nhiều Huân chương và Huy chương:

- Huân chương Chiến công hạng nhất.

- Huân chương Quân công hạng nhất.

- Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất.

- Huân chương "Vì Củng cố hòa bình giữa các dân tộc".

- Được tặng giải thưởng "Hòa bình Quốc tế Lê Nin".

- Được Đảng và Chính phủ Cuba trao tặng Huân Chương HiRon và nhiều Huân chương khác.

Ngày 26/8/1992, sau một cơn bệnh tim đột ngột, bà Nguyễn Thị Định đã ra đi vĩnh viễn, thọ 72 tuổi.

Ngày 30/8/1995, bà đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân. 

Nhà văn Trầm Hương