Đội nữ du kích Hoàng Ngân trong kháng chiến chống Pháp

Trước khi phong trào Nữ du kích Hoàng Ngân ra đời, đầu năm 1947, trung đội nữ du kích Trưng Trắc đã được thành lập, đó là trung đội nữ du kích tập trung đầu tiên của Hưng Yên, tiền thân của đội ‘‘Nữ du kích Hoàng Ngân’’ đã đánh nhiều trận, tiêu diệt nhiều địch và tổ chức được nhiều cuộc diễn thuyết, tuyên truyền vận động nhân dân, gây được tiếng vang lớn. Đầu năm 1950, theo yêu cầu nhiệm vụ chung của cuộc kháng chiến, lực lượng du kích đã phát triển mạnh mẽ ở khắp các thôn, xã trong toàn tỉnh, phong trào ngày càng lan rộng thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia.

Ngày 02/02/1950, tại thôn Muội Sảng, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hội phụ nữ Hưng Yên đã tổ chức lễ truy điệu chị Hoàng Ngân – Bí thư Trung ương Đoàn phụ nữ cứu quốc Việt Nam. Để học tập tinh thần chiến đấu chống kẻ thù xâm lược của chị Hoàng Ngân, đồng thời cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ Hưng Yên, toàn thể chị em dự lễ truy điệu đã thống nhất đề nghị Tỉnh uỷ Hưng Yên cho thành lập ‘‘đội Nữ du kích Hoàng Ngân’’ là một bộ phận của lực lượng vũ trang trong tỉnh, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và tỉnh đội Hưng Yên (nay là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên). Ngày 09/12/1950, tại Thái Bình, Tỉnh uỷ Hưng Yên họp Hội nghị đặc biệt ra Nghị quyết xây dựng đội Nữ du kích Hoàng Ngân của tỉnh.

Tỉnh uỷ giao cho Tỉnh đội và Tỉnh Hội phụ nữ phối hợp mở trường đào tạo – phát triển cán bộ lấy tên là ‘‘Trường Hoàng Ngân’’ và ‘‘Đội Nữ du kích Hoàng Ngân’’ được tổ chức thành hệ thống từ xã, huyện, tỉnh. Từ đây phong trào Nữ du kích Hoàng Ngân phát triển mạnh mẽ, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 2/1950 đến tháng 7/1952 đội nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên đã có 7.365 chị em tham gia.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, lực lượng Nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên thực sự là lực lượng chiến đấu giữ vai trò quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân, đã lập nhiều chiến công lẫy lừng, phát huy được vai trò đấu tranh hợp pháp, làm tốt nhiệm vụ giao thông liên lạc, đưa đón cán bộ, trinh sát nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở, vận động nguỵ binh, gây nhân mối làm nội ứng trong trong các đồn bốt địch, nuôi dưỡng chăm sóc thương binh, tham gia cùng với quân và dân trong tỉnh đánh hơn 1.000 trận thắng lợi làm cho địch phải nhiều phen khiếp vía kinh hoàng. Đó không những là niềm tự hào lớn lao của phụ nữ Việt Nam mà còn ghi sâu vào tâm tưởng của những người dân Hưng Yên, một nét độc đáo, một ấn tượng sâu sắc, khó quên về người phụ nữ, bề ngoài rất hiền lành bình dị, nhưng lại thông minh, mưu trí, táo bạo dũng cảm trước kẻ thù, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh mất mát để giữ vững chính quyền cách mạng, chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đã có hàng trăm nữ du kích Hoàng Ngân chiến đấu, anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, tiêu biểu là nữ Anh hùng liệt sĩ Bùi Thị Cúc, Trần Thị Tý, Vũ Thị Kính (tức Trần Thị Khang), đặc biệt chị Bùi Thị Cúc đã được Bác Hồ tặng 6 chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang” và biết bao nhiêu phụ nữ trung kiên trong chiến đấu, hình ảnh và tên tuổi các chị còn mãi mãi lưu truyền cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam noi theo. Đội nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên xứng đáng được đồng chí Nguyễn Thị Thập, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đọc tặng 4 câu thơ của đồng chí Xuân Thuỷ tặng phụ nữ Việt Nam:

‘‘ Vừa hiền, vừa dịu lại vừa tươi

Mà lúc xông pha mạnh tuyệt vời

Đánh giặc, lo nhà, xây dựng nước

Đảm đang lừng lẫy bốn phương trời’’

Các chị mãi là niềm tự hào của của nhân dân, của phụ nữ và của lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên, như lời đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói: ‘‘Nữ du kích Hoàng Ngân là biểu tượng sinh động trong muôn vàn tấm gương tiêu biểu cho truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam nói chung, nhất là phụ nữ trong thời đại Hồ Chí Minh. Du kích Hoàng Ngân còn là bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một trang sử vàng chói lọi, một bài học lớn trong chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, có tác dụng to lớn trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Bài học đó – bài học về công tác phụ vận của Đảng vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới’’. (Trích lời giới thiệu của đồng chí Đỗ Mười trong cuốn Nữ du kích Hoàng Ngân – NXB Quân đội Nhân dân, năm 1996).

Do có những thành tích xuất sắc, đội Nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên đã được cử 01 trung đội đại diện cho Nữ du kích các tỉnh Miền Bắc tham gia cuộc diễu binh lớn, chào mừng Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về thủ đô sau 9 năm kháng chiến, nhân dịp Quốc khánh 02/9/1955. Đội Nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên được Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm phổ biến cho các tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ ở Miền Nam và Miền Bắc.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống pháp, Nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương chiến công Hạng 3; có 3 Nữ du kích Hoàng Ngân là liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 25 chị được tặng huy hiệu Bác Hồ và hàng chục ngàn chị em được tặng thưởng Huân chương, huy chương, bằng, giấy khen; 77.000 phụ nữ đạt danh hiệu 3 đảm đang; 30 đơn vị dân quân tự vệ nữ đạt danh hiệu đơn vị quyết tháng 3 năm liền.

Ngày 10/4/2001, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định số 287/2001/QĐ - CTN phong tặng Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên. Được sự nhất trí của Thường trực Tỉnh uỷ Hưng Yên, ngày 20/12/2001, Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân.Đây là phần thưởng cao quý, là niềm tự hào của các thế hệ phụ nữ Hưng Yên nói riêng và nhân dân Hưng Yên nói chung.

Theo Hoilhpn.org.vn