Nhân dịp ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân (TP HCM) chia sẻ bộ ảnh “Sắc màu nhịp sống phụ nữ Việt Nam” được anh ghi lại trong các chuyến sáng tác ảnh trên khắp vùng miền.

Trên hình là khoảnh khắc những phụ nữ Mông đang sàng lọc hạt ngô và địu bé trên lưng ngủ ngon lành ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Ngô là cây lương thực quan trọng trong đời sống và phát triển kinh tế của đồng bào Mông. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, ngô được phơi trên hiên nhà, chờ thật khô mới đem đi tách hạt, chế biến các món ăn khác nhau.

 

Trong một chuyến đi Mù Cang Chải, tác giả bắt gặp hình ảnh cụ bà nở nụ cười với phông nền hoa tam giác mạch đang khoe sắc. Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với ruộng bậc thang vào mùa lúa chín tháng 9 - 10, còn có các vườn hoa tam giác mạch nở rộ trên các sườn đồi. Hoa này đẹp nhất khi gần tàn, chuyển từ màu trắng sang phớt hồng.

 

Cảnh một thợ cắt tóc là phụ nữ đứng tuổi vui vẻ hành nghề trên vỉa hè Hà Nội.

 

Cô gái check-in tại bến thuyền Tam Cốc, nơi du khách được đưa đi tham quan khu Tam Cốc - Bích Động và ngắm cảnh hai bên dòng Ngô Đồng ở Ninh Bình.

 

Thiếu nữ Huế trong tà áo dài trắng với bối cảnh nhà xưa. Ngoài sông Hương, cầu Trường Tiền, nhắc đến Huế du khách còn ấn tượng bởi những cô gái diện áo dài mộng mơ khi chụp ảnh ngoại cảnh hay đi dự các sự kiện, dịp lễ quan trọng.

 

Qua góc chụp từ trên cao, hai mẹ con tranh thủ nghỉ ngơi trên cánh đồng cỏ năng xanh mướt ở Quảng Nam mang đến bức tranh vùng quê thật yên bình.
Những phụ nữ dân tộc giã gạo ở trong nắng sớm là hình ảnh đặc trưng du khách có thể bắt gặp khi du lịch ở các buôn làng Kon Tum.

 

Ngoài thắng cảnh thành phố biển Quy Nhơn nổi tiếng, du khách có thể về vùng quê trải nghiệm, chụp ảnh làng nghề làm bún, bánh An Thái ở Hoài Nhơn, Bình Định.

Để làm một mẻ bún phải qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên, các công đoạn này không quá cầu kỳ, mỗi cơ sở, mỗi hộ đều có cách làm riêng. Thông thường, bún hoặc bánh sẽ khô sau 4 - 5 tiếng nếu nắng đẹp. Gần dịp Tết Nguyên Đán, không khí làm việc của họ trở nên nhộn nhịp hơn, kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Nu cười tươi của cô gái trong lúc thu hoạch cỏ làm thức ăn cho gia súc tại Phan Thiết, Bình Thuận.

“Cùng với đam mê nhiếp ảnh, tôi thường dành thời gian du lịch, đặc biệt là chụp nhịp sống miền quê từ Bắc vào Nam. Các khoảnh khắc nhịp sống lao động của người phụ nữ đang diễn ra hàng ngày tuy quen thuộc nhưng chân thực, gần gũi và đọng lại cảm xúc mỗi khi tôi tác nghiệp”, anh Nhân nói.

 

Cảnh phụ nữ thu hoạch và rửa bông súng tựa như bức họa thiên nhiên trên đồng lũ ở Long An. Bông súng được trồng hầu hết ở sông nước miền Tây. Súng trồng trong ao nhà thường có cọng mập. Còn súng dại (hay súng ma), chỉ mọc ở những bưng đồng, đầm nước lâu năm, thường có cọng dài 2 – 5 m và có bông màu tím, trắng.

Cảnh người phụ nữ hái bông súng là hình ảnh đời thường trên đồng lũ. Nhưng qua góc ảnh nghệ thuật từ trên cao, hình ảnh này trở nên sống động và từng đem lại nhiều giải thưởng cho các nhiếp ảnh gia Việt Nam.

 

Một phụ nữ phơi gạch ở làng gạch Mang Thít, Vĩnh Long. Làng gạch này có tuổi đời trên 100 năm, là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng, lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây còn khoảng 1.300 lò gạch, trải dài trên diện tích 3.000 ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở ven con rạch Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên - một nhánh sông Cửu Long.

Theo vnexpress