Cuối tháng 7, nghệ sĩ Ái Như kỷ niệm 40 năm làm nghề trên giường bệnh. Ba tuần trước, ở một suất diễn, chị ngã trên sân khấu, nhập viện trong tình trạng xẹp đốt sống. Bà "bầu" kịch phải nằm cố định suốt sáu tuần sau khi được điều trị bằng cách bơm xi măng sinh học. Đối mặt với chấn thương nghiêm trọng nhất sự nghiệp, Ái Như cho biết vẫn thấy may mắn khi "ngập trong tình cảm yêu thương, từ đó lạc quan, ấm áp hơn. Sau 40 năm, tôi thật hạnh phúc khi vẫn có thể nói lời cảm ơn".

Nghệ sĩ Ái Như là diễn viên gạo cội của sân khấu kịch TP HCM từ đầu thập niên 1990 đến nay. Ảnh: Hoàng Thái Thanh.

Chặng đường làm nghề của Ái Như vốn chông gai từ thuở đầu. Ước mơ trở thành nghệ sĩ đến với chị trong một lần trú mưa trước cổng trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Cuối thập niên 1970, chị thi đậu vào khoa Diễn viên. Học được vài tháng, Ái Như vấp phải sự phản đối của mẹ. Gia đình chuẩn bị định cư nước ngoài, chỉ mỗi chị muốn ở lại vì mê nghệ thuật. Mẹ chị xót con gái ốm yếu, hay bệnh tật, nhốt chị trong phòng, khóa trái cửa mong chị đổi ý định. Ái Như đành nghỉ học để gia đình an lòng.

Sáu năm chờ làm thủ tục định cư, chị mở một quầy thuốc lá trước cổng Nhà văn hóa Thanh niên (quận 3) để mưu sinh. Nhìn những ca sĩ như Cẩm Vân, Thế Hiển ra vào, chị băn khoăn: "Liệu ở phương trời xa, mình còn cơ hội theo đuổi nghiệp diễn?". Năm 1987, chị quyết thi lại khoa Đạo diễn, khi đã kết hôn với một giảng viên Đại học Bách khoa, có gia đình nhỏ. 27 tuổi, lần đầu lên sân khấu, diễn chung nghệ sĩ Thành Lộc, Minh Nhí, chị cảm nhận rõ hơn bao giờ hết thánh đường nghệ thuật là nơi mình thuộc về. Tiếp tục được học song Ái Như ray rứt vì để mẹ một mình sang nước ngoài.

Nhiều năm sau đó, những chật vật về kinh tế đeo bám Ái Như. Chồng đi tu nghiệp ở nước ngoài, một tay chị vừa nuôi con vừa bám trụ sân khấu. Chị bán chiếc xe máy cà tàng, vay thêm bạn bè dựng vở kịch đầu tiên ra mắt công chúng sau khi tốt nghiệp - Khúc nhạc lòng của vị mục sư. Xem vở, nhiều khán giả ngạc nhiên vì tác phẩm của một sinh viên mới ra trường lại chỉnh chu đến thế.

Ái Như đánh dấu mốc nghề nghiệp khi gặp nghệ sĩ Thành Hội. Đầu thập niên 1990, chị về thực tập tại Nhà hát Kịch TP HCM (tiền thân là Đoàn kịch Thành phố) và được Thành Hội - khi đó phụ trách lớp đào tạo diễn viên - nhận làm trợ giảng. Với Ái Như, Thành Hội là người thầy trên sàn diễn lẫn ngoài đời. Những điều chưa nắm bắt được trong sách vở, chị lĩnh hội từ anh qua năm tháng làm việc chung. Họ cùng chấp bút nên nhiều đầu kịch, sau đó về giảng dạy chung tại khoa Sân khấu, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật.

                    Ái Như - Thành Hội có tình thầy trò hơn 30 năm. Ảnh: Hoàng Thái Thanh.

Chung tâm huyết, Ái Như - Thành Hội quyết tâm gây dựng một sân khấu riêng. Năm 2009, sàn diễn Hoàng Thái Thanh ra đời, nằm trong khuôn viên Nhà thiếu nhi TP HCM. Chữ "Hoàng Thái Thanh" xuất phát từ "Huỳnh" - họ của chồng Ái Như, và Thái Thanh - danh ca hai gia đình Ái Như, Thành Hội ngưỡng mộ. Sau vài năm ra mắt, sân khấu trở thành địa điểm lui tới của nhiều người mộ điệu. Khán giả mê kịch Hoàng Thái Thanh ở những tác phẩm mang chất triết lý nhẹ nhàng, sâu sắc, nhân văn, không kém phần hài hước như Nửa đời ngơ ngác, Tục lụy, Bao giờ sông cạn, Bông hồng cài áo, 29 anh về...

Làm quản lý, Ái Như luôn trăn trở câu chuyện thu nhập cho êkíp hàng trăm người gồm diễn viên, công nhân hậu đài... Năm 2014, chị một phen lao đao khi Nhà văn hóa thiếu nhi TP HCM bị đập để xây lại, sân khấu phải đổi địa điểm trong lúc khán giả đã ổn định. Nhiều tháng, đôi nghệ sĩ quên ăn quên ngủ, sục sạo các ngóc ngách tìm nơi "an cư". Có những địa điểm đẹp, thuận tiện nhưng điều kiện hoạt động lại không phù hợp với một sân khấu kịch. Những nơi đủ tiêu chí lại nằm ở ngoại thành, khó hoạt động hiệu quả. Nhiều phen bế tắc, đôi nghệ sĩ chán ngán, mệt mỏi. Tưởng như phải chia tay khán giả, họ nhận được lời mời từ ban giám đốc Nhà thiếu nhi quận 10. Cuối năm 2014, Ái Như - Thành Hội dọn về nơi đây, gây dựng lại từ đầu.

Ái Như - vai Muối - bên Hoàng Vân Anh - vai Nhớ - trong vở "Hồi xưa biển ngọt". Ảnh: Hoàng Thái Thanh.

10 năm lèo lái sân khấu, Ái Như kể hiếm vở nào có lời, may lắm chỉ hòa vốn, còn lại phải bù lỗ. Tiền bán vé dùng để đầu tư vở mới, nhiều lần chị phải trích tiền túi trả lương cho diễn viên. Chị gửi thư kêu gọi tài trợ đến nhiều đơn vị, nhưng đáp lại đa phần chỉ là sự thờ ơ bởi đầu tư kịch nói thường khó sinh lời. Chị nói: "Tôi và Thành Hội tự nhủ: cứ giả vờ quên đi, không nghĩ đến những đồng vốn bỏ ra. Có như vậy, chúng tôi mới nhẹ nhõm hơn, hứng thú hơn để làm nghề".

Đeo đuổi những tác phẩm giá trị về nghệ thuật, ước ao của Ái Như còn là gieo mầm cho lớp nghệ sĩ mới, yêu kịch. Vì lẽ đó, chị thường đưa những gương mặt trẻ lên sân khấu, trong khi nhiều sân khấu khác chuộng diễn viên tên tuổi để dễ bán vé. Ái Như lý giải, thế hệ của chị rồi cũng già đi, còn các nghệ sĩ mới, giàu đam mê cần được bồi đắp. Chị thường giới thiệu các học trò ở các vai phụ, rồi dần nâng lên đóng chính hoặc thứ chính. Nhiều nghệ sĩ như Hoàng Vân Anh, Kim Huyền trưởng thành từ cái nôi Hoàng Thái Thanh, qua năm tháng được công chúng nhận diện và yêu mến.

Ở tuổi 60, niềm an ủi của Ái Như khi làm nghề là được đông đảo nghệ sĩ chung vai sát cánh. Hồng Ánh, Đại Nghĩa, Tuyết Thu, Ngọc Lan... dẫu bận rộn vẫn luôn có mặt mỗi khi chị cần. Bà "bầu" cũng nhận được sự đồng cảm từ gia đình. Chồng chị - hiện làm nghiên cứu khoa học - xót xa khi vợ đau đáu gánh nghiệp sân khấu nhưng chưa một lần khuyên chị bỏ nghề. Mỗi dịp chị ra tác phẩm mới, anh thường tới xem, giúp chị tổng duyệt, chụp ảnh.

Ái Như nói: "Khi mệt mỏi, tôi lại trở về nhà bên chồng và các con. Những lúc đó, tôi như được trú ẩn sau giông bão để tiếp tục khơi nguồn đam mê".

Theo vnexpress