Sản phẩm thổ cẩm của nghệ nhân Đắk Nông được giới thiệu tại Hà Nội - NAM NGUYỄN

Đa dạng hóa sản phẩm

Một góc phòng nhỏ được sắp đặt tại khách sạn Melia Hà Nội trong ngày họp báo giới thiệu Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam 2020 (được tổ chức tại Đắk Nông). Ở đó, thảm trải sàn rộng được dệt, ghép bằng tấm thổ cẩm nền trắng ngà hoa văn đen; chiếc ghế gỗ có đệm cũng được bọc bằng thổ cẩm với hoa văn vàng, cam và những chiếc gối hình bí ngô bọc vải lụa, ở giữa có mảnh thổ cẩm vuông vắn. Một không gian đậm màu sắc văn hóa. “Chúng tôi có rất nhiều sản phẩm thổ cẩm khác nhau”, người giới thiệu gian hàng cho biết.

Sự đa dạng của các sản phẩm thổ cẩm Đắk Nông làm nhiều người nhớ đến thời điểm chục năm trước ở Sa Pa (Lào Cai), khi đó, đồng bào dân tộc Mông mang những miếng thêu thổ cẩm nhỏ níu áo khách mời mua. TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết có thời gian sản phẩm thổ cẩm rất đơn điệu, thậm chí bà con còn nhập sản phẩm dệt công nghiệp của Trung Quốc trông na ná thổ cẩm về bán. TS Sơn nói: “Các tỉnh miền núi phía bắc có một thời gian cứ nhập sản phẩm dệt của Trung Quốc về bán. Còn hiện giờ sản phẩm đã đa dạng hơn. Hai nơi làm tốt nhất là Sa Pa (Lào Cai) và Quản Bạ (Hà Giang). Mô hình chung là từ truyền thống cách điệu đưa vào sản phẩm hiện đại. Truyền thống không có túi đựng điện thoại thì giờ làm túi điện thoại; truyền thống không có gối thì giờ làm gối...”.

Thương hiệu thời trang Km109 của nhà thiết kế (NTK) Vũ Thảo đã sử dụng chất liệu thổ cẩm làm rất nhiều trang phục. Cô không bán nhiều ở thị trường trong nước mà chủ yếu để xuất khẩu. Cô có xưởng sản xuất riêng, nơi bà con dân tộc sử dụng kỹ thuật cũ để làm ra vải bằng nguyên liệu thiên nhiên. Thời trang của Km109 chính là thời trang sinh thái. Cũng sử dụng thổ cẩm vào các thiết kế thời trang như NTK Vũ Thảo còn có NTK Minh Hạnh, NTK Thương Huyền khi liên tục có những mẫu áo khoác, váy sử dụng chất liệu này. Các NTK khác cũng quan tâm đến chất liệu này hơn. “Càng ngày càng nhiều quần áo, nội thất, bàn ghế, rèm thảm, kiến trúc sử dụng chất liệu, họa tiết thổ cẩm. Có thể nói, bây giờ đã có trào lưu rồi đấy”, NTK Vũ Thảo nhận xét.

Nhà thiết kế Vũ Thảo giới thiệu về văn hóa thổ cẩm miền núi phía bắc tại Mỹ - ẢNH: NVCC

Càng ngày càng nhiều quần áo, nội thất, bàn ghế, rèm thảm, kiến trúc sử dụng chất liệu, họa tiết thổ cẩm. Có thể nói, bây giờ đã có trào lưu rồi đấy                                           

Nhà thiết kế Vũ Thảo


Định danh rõ hơn để đẩy mạnh giá trị

NTK Vũ Thảo cho rằng muốn đẩy mạnh giá trị của thổ cẩm, cần định danh cho thổ cẩm rõ rệt hơn nữa. Hiện tại, cách gọi chung các loại vải dệt có hoa văn, thêu có hoa văn của các dân tộc thiểu số là thổ cẩm phần nào làm giảm tính đa dạng của chất liệu. “Tôi cho rằng cách gọi như thế là có tính đồng hóa và làm giảm tính đa dạng của các chất liệu thủ công ở Việt Nam, vì từ vựng chưa đủ phong phú để gọi tên các kỹ thuật riêng. Vì thế, theo tôi nên định danh thổ cẩm rõ hơn theo chất liệu của mỗi dân tộc thiểu số, làng nghề thì sẽ sinh động hơn”, NTK Vũ Thảo đề xuất.

Theo NTK Vũ Thảo, nếu chỉ gọi thổ cẩm Mông thôi thì vẫn còn đơn giản quá. Thổ cẩm của người Mông có 2 loại vải: vải bông và vải gai. Chúng có chu trình sản xuất khác hẳn nhau. Chưa kể người Mông xanh, Mông hoa, Mông đen, mỗi nhóm người lại có kỹ thuật khác. “Riêng vải gai, người Mông hoa trên Hà Giang làm rất đơn giản nhưng họ thêu cầu kỳ; còn người Mông xanh ở Hòa Bình thì có phương pháp là vẽ sáp ong; người Mông đen ở Sa Pa (Lào Cai) lại có phương pháp mài đá. Có nhóm lại phối hợp cả vẽ sáp ong, cả thêu trong đó”, cô phân tích và nói thêm: “Muốn bảo tồn, phát triển và nâng giá trị thì cần phải định danh thổ cẩm đúng và rõ hơn”.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Nông, cho biết nghề dệt thổ cẩm của dân tộc M’nông ở tỉnh này đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sở VH-TT-DL Đắk Nông cũng đã có kiểm kê nghề dệt thổ cẩm ở nhiều dân tộc trong địa bàn. Có 643 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, trong đó có 50 nghệ nhân có khả năng truyền dạy nghề. Sở cũng chủ trì thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông”. Qua đó, tiến hành sưu tầm và thiết kế các mẫu hoa văn đặc trưng của 5 dân tộc Mạ, Ê đê, M’nông, Dao, Mông. Từ những hoa văn này, các mẫu sản phẩm được thiết kế thành tấm trải giường, cà vạt, túi, ví... đa dạng để phục vụ khách du lịch và quảng bá văn hóa.

Theo thanhnien