Nữ tỉ phú giàu nhất Việt Nam - Nguyễn Thị Phương Thảo - ẢNH VJC

Cổ phiếu hàng không lao dốc

Thời điểm đầu năm 2020, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có thể nói là quãng thời gian “ngọt ngào” của các hãng hàng không. Trong đó, Công ty CP Hàng không Vietjet (mã VJC) đạt mức giá đỉnh khá cao, khoảng gần 150.000 đồng/cổ phiếu.

Với 202 triệu cổ phiếu VJC sở hữu (trực tiếp 47,47 triệu và gián tiếp 154,7 triệu thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng dương Sunny), bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HDBank và Tổng giám đốc Vietjet có trong tay 30.300 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Thảo còn sở hữu 36,3 triệu cổ phiếu HDBank (mã HDB), với mức giá khoảng 29.000 đồng/cổ phiếu (đầu năm 2020), tương ứng hơn 1.052 tỉ đồng.

Như vậy, nếu tính cả cổ phiếu VJC và HDB vào thời điểm tháng 1.2020, bà Thảo là nữ tỉ phú giàu nhất Việt Nam và đứng thứ 2 trong tốp những người giàu nhất (sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup). Tổng tài sản của bà Thảo khi đó lên tới hơn 31.352 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau hai làn sóng Covid-19 (đợt 1 bắt đầu vào tháng 3 và đợt 2 cuối tháng 7.2020) tài sản của nữ tỉ phú này sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch 31.7, VJC còn 94.500 đồng/cổ phiếu (giảm gần 37%), HDB còn 23.950 đồng/cổ phiếu (giảm 17,4%). Mức sụt giảm tương ứng đối với khối tài sản của bà Thảo tại VJC là 11.211 tỉ đồng và HDB là 178,84 tỉ đồng.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tài sản của nữ tỉ phú giàu nhất Việt Nam đã “bốc hơi” mất gần 11.400 tỉ đồng (khoảng 500 triệu USD).

Máy bay của VietJet cày xuống bãi cỏ trong 1 sự cố gần đây - ẢNH THẢO PHẠM

Kinh doanh vận tải vẫn lỗ nặng

Liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, VJC vừa có báo cáo mới nhất sau 6 tháng đầu năm. Hãng bay này gây bất ngờ với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.063 tỉ đồng, tăng 71% so với cùng năm trước và cải thiện đáng kể so với mức lỗ 989 tỉ đồng của quý 1 năm 2020.

Tuy nhiên, về hoạt động kinh doanh chính là vận tải hàng không, doanh thu kinh doanh vận tải hàng không của riêng công ty mẹ giảm 80% trong quý 2 xuống 1.970 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 1.122 tỉ đồng. Sáu tháng đầu năm, Vietjet lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỉ đồng.

Nguyên nhân khiến Vietjet có lãi nhờ chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính. Theo đó, doanh thu tài chính tăng mạnh lên 1.174 tỉ đồng, tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Vietjet ghi nhận 3.169 tỉ đồng từ hoạt động chuyển giao quyền sở hữu và thương mại tàu bay (SLB) và ghi nhận khoản lãi gộp 2.000 tỉ đồng từ hoạt động này. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet đạt 12.200 tỉ đồng doanh thu, bằng 50% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 73 tỉ đồng.

Theo thanhnien