Từ bỏ ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu vật lý để theo đuổi ngành học dịch vụ tại Thụy Sỹ chỉ vì mong muốn “được làm cho những người xung quanh cảm thấy vui vẻ”, Ann Nguyễn đã chứng minh cho mọi người thấy rằng phụ nữ vẫn có thể làm được những việc mà đàn ông đang làm và thậm chí còn làm tốt hơn thế. Lựa chọn Seashells Phu Quoc Hotel & Spa là “bến đỗ” quan trọng trong hành trình sự nghiệp hiện tại, Ann Nguyễn cho biết đây không chỉ là cơ hội để cô trau dồi kiến thức cho chính mình, mà hơn hết là tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam. Tất cả nhằm vươn đến khát khao của một nữ điều hành trẻ trong việc tìm được những phương pháp quản lý tốt nhất và có thể trở thành một người đứng đầu nhận được sự nể phục và tôn trọng.

Sự ôn nhu của phụ nữ là một lợi thế

Chào chị Ann Nguyễn! Là một phụ nữ trẻ nhưng lại đang đảm đương vị trí General Manager (GM) của một khách sạn 5 sao tầm cỡ, đâu là những khó khăn mà chị đã gặp trong quá trình tiếp nhận công việc?

Một trong những khó khăn mà tôi nhận thấy đầu tiên đó là vấn đề nhân sự. Vốn là ngành tồn tại sự cạnh tranh cao nên một khi đã tuyển dụng ai đó, bạn không chỉ là một người sếp mà còn phải là người truyền cảm hứng và cho họ thấy bạn có thể đi xa cùng họ đến đâu. Để làm được như vậy, sếp cần phải biết chia sẻ, hướng dẫn và hỗ trợ, đồng thời đưa ra những hướng giải quyết khi nhân viên gặp vướng mắc. Bên cạnh đó, Việt Nam là một đất nước mang tính cộng đồng rất cao, nên khi ở trong một doanh nghiệp có nhiều nhân sự thì những mâu thuẫn giữa người với người là điều không thể tránh khỏi. Và nhiệm vụ của tôi là vừa phải công bằng, vừa phải đồng cảm với tất cả để tránh xảy ra những tình huống xung đột. Một khi không có xung đột hay tranh chấp, mỗi nhân sự mới có thể không bị lo lắng và tập trung vào công việc, góp phần tăng cường chất lượng dịch vụ dành cho khách hàng.

Giữa rất nhiều khách sạn và resort xuất hiện tại Phú Quốc trong những năm qua, đâu là những nét đặc biệt của Seashells Phu Quoc Hotel & Spa và chiến lược của chị Ann Nguyễn để thương hiệu có thêm sự hiện diện trong lòng những người yêu thích du lịch nghỉ dưỡng là gì?

Không như một số khách sạn chỉ tập trung vào một nhóm thị trường nhất định, chúng tôi có thể cân bằng tất cả các thị trường và không ngừng quảng bá thương hiệu bằng cách hợp tác với các đại lý ở trong và ngoài nước để mở rộng nhận diện. Đã gần 3 năm kể từ ngày tôi đồng hành cùng Seashells, hiện nay resort rất tự hào khi trở thành một trong những khách sạn địa phương chuẩn 5 sao đạt đỉnh doanh thu của gần như tất các kênh booking điện tử với mức giá ổn định, không chủ trương tăng giảm theo mùa nhằm mục tiêu bán phòng. Không chỉ tập trung vào chất lượng dịch vụ, chúng tôi còn tăng cường mở rộng những trải nghiệm cho du khách khi lưu trú tại đây nhằm tạo nên những kỷ niệm khó kiếm tìm ở nơi nào khác. Một ví dụ có thể kể đến đó là chúng tôi xây dựng hình ảnh của resort thành địa điểm để trải nghiệm những lễ hội thú vị do chính resort tổ chức như: Snow Festival (Giáng sinh), Year End Party (Năm mới), Lễ hội đèn lồng (Trung thu)… Hoạt động này trong thời gian qua đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của khách lưu trú và là một điểm nhấn khó quên trong hành trình nghỉ dưỡng của họ. Có thể nói, dù được đầu tư và quản lý bởi 100% đội ngũ người Việt, nhưng khách sạn Seashells vẫn đủ sức sánh ngang với những khách sạn quốc tế khác trong cùng phân khúc tại Phú Quốc.

Không hoàn toàn như đàn ông mạnh mẽ và cứng rắn, phụ nữ đôi khi mềm mỏng và nhiều cảm tính, chị  Ann Nguyễn nghĩ đây có phải là điều bất lợi của phái đẹp trong việc thăng tiến sự nghiệp không?

Theo tôi, cảm tính hay mềm mỏng không phải là yếu đuối và không thể đưa ra quyết định. Ngược lại, tôi tin sự ôn nhu đó chính là một điểm mạnh nổi trội của phụ nữ. Khi là một người dẫn đầu, tôi không thích trở thành một người sếp chỉ tay năm ngón hay luôn áp đặt và chỉ định. Thay vào đó, cách của tôi là sẽ từ tốn phân tích cho nhân viên hiểu đâu là những điều họ còn thiếu sót rồi cùng đồng hành và chia sẻ với họ trong quá trình thực hiện. Trong mọi vấn đề, thói quen của tôi luôn là đặt mình vào vị trí của nhân sự hoặc của khách hàng để có thể đưa ra nhiều hướng giải quyết khác nhau. Sự quyết liệt đôi khi không phù hợp với ngành nghề này, mà điều chúng tôi cần là sự đồng cảm để dung hòa và từ đó những thiệt hại cũng sẽ được giảm thiểu đáng kể. Bên cạnh đó, khi là phụ nữ, một trong những điều tôi hài lòng nhất đó là tôi có thể hạn chế các hoạt động giao tiếp mà tôi không mong muốn, từ đó giúp tôi có thể minh mẫn và tỉnh táo trong mọi quyết định của mình.

Hãy cống hiến hơn cả sự mong đợi

Là một nhà quản lý, ắt hẳn chị Ann Nguyễn luôn có những nguyên tắc riêng trong điều hành, vậy đâu là phong cách lãnh đạo của chị?

Như tôi đã đề cập trước đó, chính là chia sẻ và đồng hành. Dĩ nhiên, tôi vẫn sẽ là người đưa ra định hướng và các quản lý cấp dưới sẽ triển khai thực hiện theo định hướng ấy. Nhưng khi làm việc với tôi, điều đó không có nghĩa là họ phải làm việc đó một mình. Tôi luôn lựa chọn phân quyền một cách tối đa cho những cộng sự đáp ứng được nhu cầu công việc, và một khi đã được phân quyền, họ sẽ phải hiểu rõ trách nhiệm và phạm vi công việc mà họ đang đảm đương cũng như không cho phép mình vượt quyền. Tôi sẽ đồng hành cùng với tất cả các trưởng bộ phận khi họ gặp phải vấn đề ở một khâu nào đó. Quan điểm của tôi khi lãnh đạo là tất cả mọi người phải tự tin dám thử, và dù làm sai thì họ vẫn có quyền làm lại. Chính xác hơn, phong cách của tôi có thể nói là ban đầu dịu dàng, về sau khắc nghiệt (cười). Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhân viên của tôi sẽ ngày càng được tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp và nó cũng tạo nên đòn bẩy để người sếp như tôi ngày một hoàn thiện và tiến bộ hơn.

Khi cho nhân viên quyền “làm lại”, điều đầu tiên chị sẽ làm gì để xử lý những tình huống sai lầm của họ?

Nếu đã có một sự việc sai lầm xảy ra thì việc quy trách nhiệm không còn là điều cần thiết nữa. Tôi nghĩ việc nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm mới là quan trọng nhất. Tôi sẽ ưu tiên tìm hiểu lý do của lỗi sai, những nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến quyết định hay cách xử trí của nhân viên. Tôi mong muốn rằng khi đào tạo một nhân sự nào đó, tôi không chỉ cho đi mà còn được nhận lại nữa. “Nhận lại” những kiến thức chuyên môn hay những quan điểm khác biệt mà nhân viên đã đúc kết, để từ đó tất cả cùng chung tay góp sức xây dựng doanh nghiệp tốt hơn, hoàn thiện bức tranh phát triển kinh doanh tổng thể.

Với kinh nghiệm điều hành trong những năm qua, theo chị Ann Nguyễn, một người phụ nữ cần hoàn thiện những tố chất nào để trở thành một GM trong ngành Hospitality?

Đầu tiên là thái độ cầu thị trong việc tự học hỏi và không giới hạn bản thân ở một công việc cụ thể nào. Trong khách sạn có rất nhiều ban ngành và bộ phận, để bước lên vị trí càng cao bạn càng phải tiếp thu nhiều kiến thức từ những người có chuyên môn khác – những mảng công việc có thể không phải là thế mạnh của bạn, đồng thời sẵn sàng thừa nhận thiếu sót của bản thân trước mặt nhân viên. Điều này là bởi một người sếp dù quản lý tài tình đến đâu cũng chưa chắc đã hiểu hết tất cả mọi kỹ năng và kiến thức cần có ở các lĩnh vực để vận hành mọi thứ trơn tru. Bên cạnh đó, là một sếp nữ, bạn phải có phong cách điều hành nhận được sự tôn trọng của tập thể, thể hiện trách nhiệm và xây dựng được lòng tin. Phong thái đĩnh đạc của đàn ông luôn tăng sức thuyết phục cho họ, vì thế ở vai trò là sếp nữ đáng nể phục, bạn cũng phải biết nhu biết cương và thể hiện sự mạnh mẽ đúng lúc để bản thân luôn có một vị thế “đầu tàu” xứng đáng trong môi trường doanh nghiệp.

Và lời khuyên của chị Ann Nguyễn dành cho những phụ nữ trẻ khát khao trở thành nhà quản lý trong tương lai là…

Phải biết chấp nhận đi từ vị trí thấp đến cao và làm việc hết mình mà không nghĩ đến thời gian hay nghỉ ngơi. Đa số mọi người quan niệm rằng chỉ cần làm đúng với mức lương được trả, nhưng với tư tưởng đó bạn sẽ không bao giờ đi xa được. Hãy làm nhiều hơn cả yêu cầu được trông đợi, không vì điều gì khác mà vì để tìm thấy giới hạn của mình, để biết bản thân có thể làm được đến mức nào. Bởi thành công chẳng bao giờ dễ dàng đến với những ai chỉ đi trên một lộ trình suôn sẻ và thoải mái.

Đích đến không quan trọng bằng quá trình

Dẫu biết rằng dấn thân vào sự nghiệp đòi hỏi đầu tư nhiều đam mê, nhưng chị Ann Nguyễn làm thế nào để tận hưởng niềm vui cuộc sống trong áp lực công việc hàng ngày?

Bản thân tôi lúc nào cũng được mệnh danh là một người cuồng công việc (workaholic) và thường không chú ý đến thời gian hay ngày nghỉ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ sau khi tôi kết hôn và sinh con. Không còn ở trong trung tâm của chính mình, tôi phải chia sẻ sự chú tâm cho gia đình và con nhỏ. Trong quá trình lớn khôn của con cái, chúng sẽ luôn cần có mẹ cha bên cạnh dạy dỗ bảo ban nên nếu tôi không thể ở bên cạnh con thì đó ắt hẳn là điều đáng nuối tiếc. Vì thế, trong vai trò hiện tại, dù biết là khó khăn nhưng bản thân tôi vẫn đang cố gắng sắp xếp công việc để không bao giờ phải “đánh đổi” với tình cảm gia đình. Thật ra, để cân bằng một cách rạch ròi giữa cuộc sống và công việc là điều bất khả thi, nên tùy vào giai đoạn và thời điểm, tôi sẽ xem xét đâu là thứ quan trọng hơn và điều chỉnh thứ tự ưu tiên.

Người ta thường nói là doanh nhân sẽ phải đối mặt với sự cô đơn. Chị Ann Nguyễn có thấy như thế không? 

Cô đơn là điều tôi luôn cảm thấy hàng ngày (cười). Là một doanh nhân, khó khăn luôn tìm đến nhưng đâu phải khó khăn nào bạn cũng có thể chia sẻ. Thật sự, việc chia sẻ đôi khi chỉ mang lại sự lo lắng và ngờ vực cho mọi người, nhưng giữ lại khó khăn đó cho chính mình thì bạn lại có cảm giác áp lực và mệt mỏi. Tuy nhiên, với doanh nhân trong guồng quay công việc thì đôi khi chúng cũng khiến bạn có thể tạm quên đi sự cô đơn (cười). Những lúc quá nhiều áp lực và không thể giãi bày cùng ai, tôi thường dành cho mình những khoảng lặng để suy nghĩ. Đây là cách giúp tôi nhìn nhận mọi thứ đơn giản hơn, bớt cầu toàn, cân nhắc mọi mặt của vấn đề và đôi khi cho phép mình chậm lại một chút để có cái nhìn rõ ràng. Đôi lúc, cũng có những sự hy sinh ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi không chỉ của cá nhân mình, nhưng tôi tin bản thân đã cố gắng hết sức và không hề phải hối hận khi buông bỏ điều gì. Cũng như trong những mối quan hệ, người ta đến rồi đi đều có nguyên do. Từ người đồng hành, người ủng hộ hay người đối đầu đều để lại nhiều trải nghiệm và bài học khác nhau để chúng ta hoàn thiện bản thân thêm từng ngày. Hãy luôn tin rằng mỗi câu chuyện đều có hai mặt tốt-xấu, khi mặt “xấu” có phần lấn át thì điều chúng ta cần làm là càng phải suy nghĩ tích cực hơn, nhìn vào điều tốt đẹp để tìm ra giải pháp và tránh cảm giác bi quan. Cánh cửa này đóng lại thì chắc chắn sẽ có một cánh cửa khác mở ra cho bạn ở một nơi nào đó.

Để có được cách nghĩ nhẹ nhàng và bình thản này ở độ tuổi còn rất trẻ, điều gì đã giữ vững tinh thần cho chị?

Tôi luôn nghĩ rằng, muốn nhận được một điều gì đó thì bản thân chúng ta phải cho đi nhiều điều hơn. Thậm chí đôi khi chúng ta không nên trông ngóng được “nhận lại”, nhưng một lúc nào đó bạn sẽ được nhận những điều tốt đẹp mà bản thân không bao giờ ngờ đến. Hãy cứ cố gắng hết mình nhưng cũng đừng quên dành cho bản thân một con đường để rút lui nếu ở phía sau bạn còn có gia đình và thất bại không chỉ là của riêng bạn nữa. Và tôi cũng tin rằng, dù con đường chúng ta lựa chọn bằng phẳng hay gập ghềnh, có nhiều ngã rẽ hay thẳng lối đi, bản thân mỗi người cũng sẽ có cho riêng mình một lựa chọn và chỉ cần kiên trì thì cũng sẽ chạm tới đích đến.

Trong quan niệm của Ann Nguyễn, hạnh phúc được vẽ ra như thế nào?  

Hạnh phúc của tôi là làm được điều mình thích nhất và sống cuộc đời mình muốn bởi tôi vốn là người không ưa sự bó buộc. Tôi tin rằng hạnh phúc không phải là nhìn thấy đích đến như thế nào mà quan trọng là quá trình đi đến đích ấy. Trên con đường đó, tôi đã có thêm những người bạn, những trải nghiệm, những bài học quý báu hay những kiến thức mới. Và một khi nhận ra mình đã có hạnh phúc, điều quan trọng hơn là phải cố gắng hết sức để gìn giữ hạnh phúc đó, vun đắp cho nó từng ngày để hạnh phúc thêm tròn đầy và lan tỏa đến những người thân yêu.

Theo nudoanhnhan