leftcenterrightdel
Chị Trương Thị An Khương khởi nghiệp với sản phẩm dầu dừa - THANH DUY 

Chị Khương kể điều bất thường ở đôi mắt của chị xuất hiện từ hồi học lớp 4, dù gia đình đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng căn bệnh viêm màng bồ đào không khỏi. Tình hình ngày một trầm trọng hơn khi những cơn sốt hoành hành, kéo mức độ thị lực xuống chỉ còn dưới 10%. Giới hạn của đôi mắt không cho phép chị gắn bó lâu dài với trường lớp. Qua nhiều lần được bác sĩ báo động, chị đành gác lại ước mơ được trở thành sinh viên.

Kể từ đó, chị Khương học cách làm quen với việc sử dụng điện thoại thông minh, qua ứng dụng chuyên biệt dành cho người khiếm thị. Nhờ vậy, chị có cơ hội được chia sẻ, giao lưu với nhiều người cùng cảnh ngộ gần xa; được nghe những câu chuyện tích cực, những gương mặt khiếm thị truyền cảm hứng. Cái duyên khởi nghiệp với sản phẩm dầu dừa của chị cũng bắt nguồn từ đây.

Chị Khương cho biết lúc mắt còn sáng, thỉnh thoảng chị thấy cha mẹ nấu dầu dừa sử dụng nên nhớ mang máng quy trình. Khi bắt tay thực hiện ý tưởng, mọi người đều nghĩ đó chỉ là sở thích nhất thời của chị, vì mọi bước chị làm đều rất vất vả, khó khăn.

Theo chị Khương, những công đoạn có thể gây nguy hiểm như nạo cơm dừa bằng máy, bắt bếp lửa thì người thân sẽ làm hộ để đảm bảo an toàn. Những phần việc còn lại như vắt nước cốt dừa, nấu, lọc tinh dầu… chị đều tự thực hiện được. Mất gần 1 ngày vất vả, chị Khương mới có thể chế biến được hơn 20 trái dừa thành 1 lít dầu dừa thành phẩm.

Điều bất ngờ về chị Khương là khả năng sử dụng điện thoại thông minh thành thạo không thua kém là bao so với người bình thường. Năm 2020, chị đoạt giải nhất Hội thi tin học (sử dụng điện thoại thông minh) dành cho người mù tỉnh Sóc Trăng. Điều này giúp chị thuận lợi trong kinh doanh sản phẩm trên mạng xã hội, vì hầu hết khách hàng của chị đều đặt hàng online.

Theo đó, sản phẩm được chị Khương thiết kế nhãn mác lịch sự, chỉn chu. “Mọi ý tưởng về các chi tiết, bố cục, màu sắc tôi chỉ có thể nghĩ trong đầu, mô phỏng lại cho mẹ để bà vẽ thay lên giấy rồi thuê thợ làm. Tôi không biết hình dáng nó ra sao, nhưng qua những nhận xét tích cực của khách hàng, tôi nghĩ đã có sự phối hợp ăn ý với mẹ”, chị Khương vui vẻ nói.

Ngoài khởi nghiệp dầu dừa, chị Khương còn làm dầu gấc và thành công tương tự. Bắt đầu đăng bán sản phẩm trên mạng xã hội từ tháng 10.2018, chị Khương cho biết việc kinh doanh suôn sẻ nhất là từ đầu năm 2022 đến nay. Mỗi tháng, chị bán được khoảng 7 - 8 lít dầu dừa, dầu gấc cho khách hàng ở nhiều nơi. Nhờ đó, chị có thu nhập ổn định hơn 3 triệu đồng/tháng.

Theo thanhnien