Bức ảnh do nhiếp ảnh gia của kênh CNN ghi lại khoảnh khắc nữ y tá ôm ba đứa trẻ sơ sinh tại một bệnh viện đổ nát sau vụ nổ

Chiều 4/8, một vụ nổ kinh hoàng xé toạc khu cảng tại thủ đô Beirut của Lebanon, làm ít nhất 135 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và khoảng 300.000 người mất nhà cửa. 

Vụ nổ xảy ra gần cảng và quận trung tâm của Beirut - nơi tập trung dân cư và khu du lịch - làm lật xe, vỡ kính và khiến một số ngôi nhà sụp đổ. Chấn động từ vụ nổ thậm chí còn lan đến đảo Síp cách đó khoảng 240km và tương đương một trận động đất 3,3 độ Richter.

Thống đốc của Beirut - Marwan Abboud - nói với các phóng viên rằng, vụ nổ gây ra thiệt hại ước tính từ 3-5 tỷ USD. NNA - phương tiện truyền thông nhà nước của Lebanon - báo cáo rằng, 90% khách sạn ở thủ đô của Lebanon đã bị hư hại. Miệng hố do vụ nổ tạo ra có đường kính khoảng 124m, bằng một sân bóng đá. Theo ông Marwan Abboud, ít nhất 300.000 người dân “không có nhà để ngủ” trong ít nhất hai tuần tới.

Ngồi trên đống thuốc nổ

Đã có những báo cáo mâu thuẫn về nguyên nhân gây ra vụ nổ. Ban đầu, vụ nổ bị đổ lỗi cho một vụ cháy lớn tại nhà kho chứa pháo nổ gần cảng. Nhưng vào sáng 5/8, Thủ tướng Hassan Diab nói rằng, khoảng 2.750 tấn amoni nitrat (ammonium nitrate) được lưu trữ tại nhà kho ở cảng, cách các khu mua sắm và sinh hoạt về đêm của Beirut chỉ ít phút đi bộ trong sáu năm qua mà “không có biện pháp phòng ngừa”.

Riêng Giám đốc Hải quan Lebanon - Badri Daher - tiết lộ, bộ phận hải quan luôn lo ngại về “mối nguy hiểm cực độ” khi để số amoni nitrat trên tại cảng Beirut và từng viết thư sáu lần cho các cơ quan pháp lý, yêu cầu loại bỏ hàng hóa nguy hiểm khỏi cảng, nhưng không được 
chấp thuận.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vụ nổ không đơn thuần chỉ do amoni nitrat. Anthony May - một nhà điều tra chất nổ từng làm việc cho chính phủ Mỹ - nhận định, màu sắc của đám mây sau vụ nổ cho thấy, có thể có các hợp chất khác liên quan. Robert Baer - một cựu nhân viên CIA nhiều năm làm việc ở Trung Đông - nói, vụ nổ có thể liên quan đến vũ khí quân dụng.

Hậu quả nặng nề

Hiện nay, cư dân của Beirut đang đối mặt với khung cảnh hoang tàn, tang thương sau vụ nổ. Tại khu vực Achrafieh gần cảng, các công nhân và binh sĩ nỗ lực tìm kiếm những người mất tích và dọn dẹp đống đổ nát. Hình ảnh từ truyền thông địa phương cho thấy, một người đàn ông bị vùi dưới đống gạch đá và các tình nguyện viên truyền ống ô-xy để giúp anh ta thở, trong khi những người khác cố gắng đưa anh ra ngoài. Sara - một trong những y tá của Trung tâm Y tế Clemenceau tại Beirut - nhận xét: “Nơi đây giống như một lò mổ, máu vương đầy hành lang và thang máy”. 

Các bệnh viện đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 và có những lo ngại rằng vi-rút sẽ lan rộng hơn khi người bị thương tràn vào bệnh viện. Người dân Lebanon đổ lỗi cho các chính trị gia tham nhũng và quản lý đất nước kém hiệu quả trong nhiều chục năm.

Thêm vào những khó khăn, hãng tin AP tiết lộ, vụ nổ đã phá hủy các kho chứa lúa mì tại cảng. Với khoảng 80% lúa mì của Lebanon là nhờ nhập khẩu, khu vực cảng đổ nát khiến tuyến đường nhập khẩu lương thực chính để nuôi sống hơn 6 triệu người đi vào ngõ cụt. Có một cảng nhỏ ở Tripoli, phía bắc dọc theo bờ biển Lebanon, nhưng không thể xử lý hàng nhập khẩu với quy mô tương tự như cảng Beirut. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, người dân Lebanon sẽ đói. 

Hỗ trợ quốc tế

Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc cho biết, sẽ tăng cường hỗ trợ khẩn cấp cho Lebanon. Phó phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Farhan Haq nói: “Chúng tôi lo rằng, thiệt hại tại cảng sẽ làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế và an ninh lương thực ở Lebanon, quốc gia nhập khẩu khoảng 80 đến 85% lương thực”. Ngân hàng Thế giới cho biết, họ sẽ làm việc với các đối tác từ Lebanon để lên kế hoạch tái thiết và phục hồi. Với tỷ lệ nợ trên GDP là 152%, Lebanon là quốc gia mắc nợ đứng thứ ba thế giới.

Các quốc gia Ả rập ở vùng Vịnh đã gửi máy bay chở thiết bị y tế và các vật tư khác đến Lebanon. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sẽ gửi 20 bác sĩ để giúp điều trị những người bị thương, đồng thời hỗ trợ y tế và cứu trợ. Iraq cam kết viện trợ nhiên liệu, trong khi Iran cung cấp thực phẩm và bệnh viện dã chiến.
Mỹ, Anh và các quốc gia phương Tây khác - vốn đang yêu cầu thay đổi chính trị và kinh tế ở Lebanon - cũng đề nghị viện trợ. Đức, Hà Lan và đảo Síp cung cấp các đội tìm kiếm và cứu hộ chuyên nghiệp. 

Theo phunuonline