Ảnh: Shutterstock / Zania Studio.

Ở tuổi 44, Mariko cũng không quan hệ tình dục. Cô không có bạn trai dù từ lâu đã muốn xây dựng gia đình.

Nhật Bản có nhiều người giống Mariko và Yoko. Tại đất nước này, những mối quan hệ lãng mạn dường như đang dần biến mất.

"Khoảng 25% thanh niên Nhật ngày nay có thể sống độc thân suốt đời", giáo sư Masahiro Yamada từ Đại học Chuo nhận định. Là chuyên gia xã hội học, ông Yamada từng đưa ra thuật ngữ "độc thân ký sinh trùng" để chỉ những người trưởng thành không lập gia đình mà sống nhờ ở nhà bố mẹ.

Các nghiên cứu cho thấy trong gần 30 năm qua, lượng người độc thân ở Nhật nhiều lên đáng kể. Theo một nghiên cứu của Đại học Tokyo, từ năm 1992 đến 2015, số phụ nữ và đàn ông trong độ tuổi 18-39 còn độc thân tăng lần lượt 2,2 triệu và 1,7 triệu. Năm 2015, một phần tư phụ nữ và một phần ba đàn ông ở độ tuổi 30 còn độc thân. Một nửa số đó cho biết không có hứng thú với các mối quan hệ tình cảm.

Tuy nhiên, chưa thể kết luận giảm ham muốn là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sinh thấp ở Nhật. Các nhà nghiên cứu cho rằng vấn đề phức tạp hơn nhiều.

"Nhật Bản bị ám ảnh bởi hình ảnh gia đình truyền thống", giáo sư Yamada nói. Theo ông, nhiều người trẻ Nhật vẫn khao khát thực hiện các vai trò giới truyền thống. Cụ thể, đàn ông sẽ là trụ cột kinh tế gia đình còn phụ nữ chăm lo nhà cửa, con cái.

Đầu những năm 1990, các cô gái Nhật dễ dàng tìm được người đàn ông có công việc lương cao. Ngày nay, do tình hình kinh tế ảm đạm, điều này trở nên khó khăn hơn song các cô gái vẫn chờ người thích hợp và sống với bố mẹ.

"Với hầu hết trường hợp, đối tác lý tưởng này sẽ không bao giờ xuất hiện", Yamada nói. Kết quả, nhiều người độc thân cả đời.

"Sau tuổi 30, bạn hoặc đã kết hôn hoặc sẽ sống độc thân luôn", Peter Ueda, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Tokyo nói. "Rất ít người ở độ tuổi này chưa lập gia đình mà có quan hệ tình cảm".

Thực tế, có một số trở ngại ngăn cản các mối quan hệ lãng mạn ở Nhật Bản. Giáo sư Yamada cho biết thanh niên nước này có thể giải quyết nhu cầu tình dục ở các câu lạc bộ chứ không cần người yêu. Một bộ phận lại mê đắm những nhân vật ảo hoặc các ngôi sao nổi tiếng.

Đặc biệt, nhiều người không có thời gian dành cho các mối quan hệ thân mật, hoặc mong muốn kiếm tiền của họ lớn hơn mong muốn tìm tình yêu. Phân tích dữ liệu của Viện Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia Nhật từ năm 1987 đến 2015 cho thấy thu nhập thấp và thị trường việc làm bất bênh khiến nam giới khó tìm đối tượng hẹn hò.

Haruka Sakamoto, chuyên gia sức khỏe cộng đồng từ Đại học Tokyo cho rằng nếu chính phủ giúp đỡ được nhóm dân thu nhập và học vấn thấp, họ có thể sẽ tìm lại được hứng thú hẹn hò. Trong khảo sát năm 2015, hơn 50% những người độc thân không hứng thú với các mối quan hệ tình cảm vẫn hy vọng kết hôn ở một thời điểm nào đó. Kể cả Mariko cũng chưa từ bỏ hy vọng.

Theo vnexpress