Ảnh minh họa. Ảnh: Mustafa Ilyas/File

Mới đây, Pakistan đã thông qua dự luật cấm trừng phạt thân thể đối với trẻ em. Đây là một động thái được các nhà hoạt động nhân quyền mô tả là có tính chất lịch sử. Điều này diễn ra trong bối cảnh một số trường hợp học sinh bị đánh đập thậm chí bị giết trong trường học, cơ sở tôn giáo và nơi làm việc.

Tháng trước, một cậu bé 8 tuổi ở trường Madrasa - một trường tôn giáo thuộc tỉnh Punjab đã bị giáo viên đánh chết vì không học thuộc bài. Tháng 6/2020, một bé gái 8 tuổi làm nghề giúp việc ở Islamabad đã bị ông bà chủ đánh chết vì để lỡ để chú vẹt của họ bay mất...

Những vụ việc này, bao gồm cả cảnh quay gây rối bằng điện thoại di động được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội, đã thúc đẩy cuộc tranh luận trên toàn quốc về lệnh cấm hình phạt thân thể đối với trẻ em.

Một cuộc biểu tình chống lạm dụng trẻ em ở Islamabad, Pakistan. Ảnh: BK Bangash/AP

Theo đó, dự luật đã được Quốc hội thông qua. Nó bao gồm các hình phạt đối với việc đánh đập trẻ em và cấm tất cả các hình thức trừng phạt thân thể tại các nơi làm việc chính thức và không chính thức, cũng như tại các cơ sở giáo dục khác nhau bao gồm các cơ sở tôn giáo, chính phủ và tư nhân.

Luật về đánh đập thân thể có điểm khác nhau ở các bang của Pakistan, và dự luật hiện tại chỉ áp dụng cho Islamabad. Tuy nhiên, các nhà vận động hy vọng các vùng còn lại ở Pakistan cũng sẽ sớm áp dụng luật này.

Chính trị gia Mehnaz Akbar Aziz cho biết trẻ em là những người không có tiếng nói trong xã hội ở Pakistan. Về việc thông qua dự luật, ông bày tỏ: "Việc Pakistan thông qua dự luật vì quyền trẻ em là một việc làm mang tính lịch sử. Hình phạt thân thể đang gia tăng ở đất nước này. Cho đến nay nhà nước không có biện pháp nào để can thiệp vào những tình huống bạo lực như vậy. Theo đó, luật cấm đánh đập trẻ em là dự luật đầu tiên phục vụ mục đích đảm bảo về mặt thể chất và tinh thần cho trẻ em ở Pakistan".

Shehzad Roy là người sáng lập Zindagi Trust, tổ chức đã vận động về vấn đề này trong suốt một thập kỷ. Năm ngoái, ông đã đệ đơn lên tòa án cấp cao Islamabad về việc cấm đánh đập trẻ em. Năm 2020, nhà tư pháp Athar Minallah cũng đã khuyên Quốc hội thông qua dự luật.

"Quay trở lại năm 2013, Tiến sĩ Attiya Inayatullah đã đề xuất dự luật chống nhục hình tại Quốc hội mà không được Thượng viện thông qua. Chúng tôi hy vọng rằng lần này Thượng viện cũng sẽ thông qua dự luật và tất cả các hội đồng cấp tỉnh cũng vậy", ông Roy nói.

Ngoài ra, ông cũng cho biết thách thức về điều này sẽ là việc xây dựng các quy tắc chi tiết cho các tổ chức pháp lý và các bộ của chính phủ để giám sát và thực thi pháp luật. Bộ trưởng Nhân quyền Pakistan, Shireen Mazari, người đã trình bày một sửa đổi đối với dự luật để đảm bảo trẻ em được tiếp cận công lý nói: "Chúng tôi hy vọng dự luật sẽ tạo ra sự khác biệt".

Nữ sinh ở Peshawar. Ảnh: Ashfaq Yusufzai/IPS.

Nhà hoạt động quyền trẻ em và luật sư Syed Miqdad Mehdi nhấn mạnh rằng rào cản lớn nhất là điều 89 của Bộ luật Hình sự Pakistan, cho phép giáo viên, cha mẹ và người giám hộ đánh trẻ em với mục đích tốt. Dự luật mới được đưa ra vào thời điểm Pakistan có 24 triệu học sinh phải nghỉ học nhằm khắc phục hạn chế đó.

Mehdi nói: "Nhiều trẻ em bỏ học do bị đánh đập. Luật này mang lại sự răn đe, và cần phải được thực hiện". Roy cho biết việc đánh đập thân thể là một bi kịch và đã ăn sâu vào xã hội Pakistan, từ gia đình đến trường học cho đến lực lượng cảnh sát. Chưa kể, bạo lực được coi là một cách để giải quyết các vấn đề ở quốc gia này.

Ngoài ra, ông lưu ý thêm rằng cần phải có nhiều giải pháp hơn để bảo vệ trẻ em. Cần phải thành lập các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em một cách có hệ thống để đảm bảo quy trình báo cáo phù hợp.

"Đánh đập trẻ em không giúp ích được gì cho chúng. Thay vào đó, nó giết chết sự sáng tạo của trẻ và vi phạm các quyền cơ bản. Trẻ em sinh ra để đón nhận những điều tốt đẹp".

Kim Ngọc (Nguồn: The Guardian)