Công trình bức tường Giấc mơ Việt Nam tại California - Thụy Miên

Đường đến Trung tâm văn hóa Việt tọa lạc tại Voviology City trên vùng đồi núi Golden Hills, bang California (Mỹ), không hề dễ dàng. Với độ cao khu đất gần 1.200 m so với mặt nước biển, địa hình đèo núi quanh co và thời tiết không quá lý tưởng, công trình đang được triển khai tại đây nhờ vào lòng nhiệt tâm và kiên trì của nhiều người làm thiện nguyện từ khắp nơi trên thế giới, dưới sự điều phối của tiến sĩ Châu Nhật Tân, nhà khoa học nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Mỗi công trình tại khu văn hóa đều thấm đẫm tấm lòng hướng về quê hương và mong mỏi đất nước phát triển giàu đẹp, thịnh vượng như ý tưởng được thể hiện trong tác phẩm Giấc mơ VN.

Toàn bộ tác phẩm được thể hiện trên một bức tường lớn, sử dụng các chất liệu chính là gốm sứ, gốm đất nung, đá, xi măng và đá cẩm thạch. Là người nghiên cứu sâu rộng về văn hóa VN và luôn hướng về nguồn cội, tiến sĩ Châu Nhật Tân đã đặt hàng các nghệ nhân tại làng gốm truyền thống Phù Lãng nổi tiếng hơn 800 năm của vùng quan họ Bắc Ninh với hy vọng có thể chuyển tải được hồn quê hương qua tác phẩm. Nguyên liệu chính của gốm Phù Lãng là đất sét có màu đỏ hồng, lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) và dùng phương pháp đắp nổi để tạo hình trên tranh gốm. Trong quá trình thực hiện, ông Tân hồi năm 2013 đã về nước để thảo luận, điều chỉnh phần tranh thô cùng các nghệ nhân trước khi chuyển sang công đoạn tráng men.

Bài thơ Nam quốc sơn hà gắn bên hông bức tường

Nhân dịp có mặt tại Trung tâm văn hóa Việt vào thời điểm khởi động công trình xây dựng đền thờ Quốc Tổ (tên chính thức là Việt tộc anh linh uy đức miếu) mùa hè năm nay, phóng viên Thanh Niên được nghe tiến sĩ Tân giải thích về ý nghĩa của bức tranh gốm độc đáo. Tổng cộng có 3 bức hợp lại thành một chủ đề lớn. Tranh thứ nhất xoay quanh chủ đề Vua Hùng dựng nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Trong tranh có Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa, tay cầm bụi tre, đạp mây về trời, bên dưới là hình ảnh người dân giã gạo nếp làm bánh chưng, bánh dầy, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Việt.

Tranh thứ hai đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh xây dựng và bảo vệ. Bên góc trên là cảnh An Dương Vương cưỡi ngựa cùng Mỵ Châu, sau lưng là thành Cổ Loa, phía trước mặt là Thần Kim Quy. Ở phía dưới là cảnh cậu bé Đinh Bộ Lĩnh ngồi trên lưng trâu, xung quanh là vài chú mục đồng tóc 3 chỏm đang đi bộ, cầm cỏ lau, kế bên là ruộng lúa. Trong bức tranh cuối cùng, chủ đề tập trung thể hiện tinh thần hiếu học của dân tộc; đời sống đạo đức hướng thượng với đa sắc thái tôn giáo chung sống trong tinh thần hòa hợp. Chu kỳ của đời người cũng được phản ánh, thông qua hình ảnh quan - hôn - tang - tế và bất kỳ khía cạnh nào của đời sống cũng duy trì thước đo đạo đức làm chuẩn mực.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Tân cũng phân tích thêm về “sự chuyển động” của nội dung tác phẩm khi phần dưới của toàn bộ bức tranh tường thể hiện hình ảnh cá chép rời khỏi chum chậu đua nhau bơi về hướng vượt Vũ Môn để hóa rồng. Tuy nhiên, trước khi đến đích, chúng phải đối diện 3 đợt sóng, tượng trưng cho các thách thức cần vượt qua. Ông bày tỏ hy vọng, mỗi người khi đến thăm Trung tâm văn hóa Việt và đứng trước bức tường Giấc mơ VN có thể tìm được câu trả lời cho những gút mắc mà bản thân luôn khắc khoải.

 Trung tâm văn hóa Việt là hạng mục đầu tiên được triển khai trong dự án do tiến sĩ Châu Nhật Tân chủ trì tại Golden Hills nhằm xây dựng một quần thể phức hợp giới thiệu các nền văn hóa lớn trên thế giới. Luôn hướng về nguồn cội nên ông quyết định bắt đầu với Trung tâm văn hóa Việt, để văn hóa dân tộc sánh vai cùng các nền văn hóa lớn và chủ đạo của nhân loại.

Theo thanhnien